Chị Phạm Hải Ninh, 38 tuổi, đã sống ở Mỹ được 9 năm. Hiện vợ chồng chị định cư tại Columbia, tiểu bang Missouri, Mỹ. Là phiên dịch viên y tế làm việc tại Bệnh viện Tâm thần ở bang Missouri, chị Ninh nằm trong nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin Covid-19.
Dưới đây là bài viết chia sẻ của chị Hải Ninh về trải nghiệm tiêm vắc xin đơn giản tới bất ngờ ở Mỹ:
“Tôi hy vọng bà không nghĩ là tôi đang nói đùa vì không thấy được nét mặt của tôi qua khẩu trang. Nhưng tôi muốn nói rằng những khó chịu vì việc tiêm vắc xin không đáng gì so với việc mất mạng vì Covid-19”. Đây là lời một bác sĩ nói lại với nữ bệnh nhân lớn tuổi gốc Việt thông qua lời phiên dịch của tôi.
Trước đó, vị bác sĩ chia sẻ ông bị phản ứng dữ dội với cả hai mũi tiêm Pfizer. Ông sốt, đau cánh tay, khó chịu nhiều ngày liền.
Dù vậy, bác sĩ vẫn khuyên nữ bệnh nhân nên tiêm phòng. Ông cũng đã khuyến khích bố mẹ đăng ký đi tiêm.
Chị Hải Ninh đặt niềm tin vào vắc xin Covid-19
Mỗi lần dịch cho các bệnh nhân có câu hỏi về vắc xin Covid-19, tôi muốn nhấn mạnh cho họ hiểu rằng rất nên tiêm ngừa. Tôi thầm nghĩ tất nhiên chúng ta sẽ có thể gặp phản ứng phụ, tất nhiên vắc xin không đảm bảo 100%, tuy nhiên, đây là biện pháp tốt nhất lúc này để giúp đẩy lùi đại dịch.
Tôi là phiên dịch viên làm việc bán thời gian cho bệnh viện tâm thần của tiểu bang Missouri, Mỹ. Tiểu bang này nhận được lô hàng vắc xin Pfizer đầu tiên vào khoảng giữa tháng 12/2020. Ngay sau khi đọc được tin vui về vắc xin của Pfizer năm ngoái, tôi đã mừng thầm và tin rằng bản thân mình sẽ nằm trong nhóm ưu tiên được chích ngừa trước.
Bệnh viện nơi tôi làm việc thuộc quyền quản lý trực tiếp của tiểu bang, đội ngũ nhân viên ở đây được coi là công chức bang. Dù là bệnh viện, thực tế, đây lại giống một trại giam. Nơi này điều trị cho các cá nhân bị cáo buộc những tội không dễ tha thứ như giết người hay ấu dâm.
Thẩm phán “gửi” họ đến đây để được đánh giá về mức độ bệnh tâm thần và nếu được chứng minh vẫn bình thường, họ sẽ được trả lại tòa án để tham gia các thủ tục tố tụng sau 6 tháng hay 1 năm.
Tuy nhiên, có những người ở đây cả đời. Vì tính chất cô lập của bệnh nhân, đội ngũ nhân viên, bác sĩ, y tá, bảo vệ được xếp vào nhóm ưu tiên. Các bệnh nhân cũng là những người đầu tiên được chích ngừa.
Vì không phải nhân viên làm việc toàn thời gian nên đến đầu tháng 1 tôi mới được mời đăng ký. Trong thư mời, anh quản lý cũng rất khéo, nói rằng nếu có nhu cầu thì hãy ghi tên. Lý do là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ FDA mới chỉ đưa ra chứng nhận khẩn cấp dành cho Pfizer và Moderna để cung cấp vắc xin Covid-19.
Thông thường, các hãng dược sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển thuốc. Trong trường hợp của 2 hãng trên, họ mất chưa đầy một năm để đưa ra vắc xin. Vì đây chưa được coi là vắc xin có cấp phép chính thức, nhân viên của nhiều bệnh viện không bị bắt buộc chích ngừa.
Tính từ thời điểm đăng ký đến lúc nhận được mũi vắc xin Pfizer đầu tiên, tôi phải chờ khoảng 3 tuần. Cứ 15 phút sẽ có 2 nhân viên được tiêm chủng. Thủ tục tiêm vô cùng đơn giản, tôi điền vào đơn khai bệnh lý và sau đó một vị bác sĩ tiêm thuốc cho tôi.
Sau đó, chúng tôi phải ngồi chờ 15 phút để đảm bảo không ai bị phản ứng với thuốc.
Thủ tục này lặp lại sau 2 tuần khi tôi tới nhận mũi tiêm nhắc lại. Lần này, các bác sĩ nói đến phản ứng phụ có thể xảy ra về sau. Phần lớn những người được tiêm cảm thấy đau ê ẩm ở cánh tay, có người bị sốt, có người bị mệt mỏi 1-2 ngày sau đó.
Bản thân tôi chỉ bị đau ê ẩm ở cánh tay bên trái một ngày. Hôm sau, tôi có thể làm tất cả mọi việc như bình thường, thậm chí còn tập được các động tác khó và nặng của yoga.
Hai tháng trước khi lượng vắc xin còn khan hiếm và việc lưu giữ thuốc của Pfizer khá ngặt nghèo (ở tủ đá từ âm 80 độ C tới âm 60 độ C), bệnh viện của tôi còn mời người bên ngoài vào chủng ngừa khi đã tiêm xong cho lượng người đăng ký.
Mãi về sau tôi mới biết, bố mẹ chồng tôi cũng là những người may mắn như vậy. Ông bà dù đã hơn 70 và hơn 80 tuổi, nhưng vào thời điểm đó vẫn chưa thuộc diện được chích ngừa ở tiểu bang Kentucky.
Nhờ một người bạn mách nước, ông bà biết ở bệnh viện gần nhà đang thừa vắc xin và muốn chích cho người dân để không bị lãng phí. Ông bà liền đăng ký và còn được tiêm trước cả những người thuộc diện ưu tiên như tôi.
Có lẽ giờ sẽ không còn tình trạng thừa vắc xin như thế này vì nhiều nghiên cứu ghi nhận thuốc của Pfizer không cần thiết phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh như vậy nữa.
Tôi biết một bệnh viện đã đăng ký mua tủ bảo quản trị giá tới 20.000 USD để lưu thuốc nhưng tủ đến giờ cũng chưa thấy đâu. Có lẽ họ vẫn được hoàn lại tiền. Ở nước Mỹ, chuyện trả lại hàng là bình thường như cơm bữa.
Hiện giờ, tiểu bang Missouri đang tiến hành tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi và những người có bệnh lý nền. Một người bạn của tôi là y tá gần 70 tuổi cũng sắp được tiêm mũi thứ hai. Hy vọng 2 tuần sau đó, chúng tôi sẽ lại được hẹn hò với nhau và trò chuyện như trước.
Hải Ninh
Vắc xin một liều sẽ làm thay đổi chiến dịch tiêm chủng
Những ưu điểm của vắc xin Johnson & Johnson sẽ giúp người dân trên khắp thế giới có cơ hội tiêm chủng nhanh hơn nhiều.