Chị Nguyễn Ngọc Lan, 27 tuổi, trú tại một quận nội thành Hà Nội mắc Covid-19 do lây nhiễm từ một người bạn cùng phòng trọ. Từ khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2 tới nay đã 3 ngày, tuy nhiên chị Lan cho biết vẫn chưa thể liên hệ với trạm y tế phường để khai báo, xin tư vấn.

“Hiện tại, tôi có sốt, ho, họng sưng, thi thoảng khó thở, hụt hơi, chóng mặt, nằm xuống càng chóng mặt hơn. Tôi còn bị đau đầu dữ dội, lưỡi hơi rát, miệng khô đắng”, chị chia sẻ. Do người bạn cùng phòng đã có sẵn một số thuốc điều trị nên chị Lan xin sử dụng cùng.

Điều chị lo lắng nhất là bản thân có tiền sử ung thư tuyến giáp thể nhú, men gan cao, không rõ có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 hay không.“Tôi rất lo vì bây giờ vẫn chưa khai báo được với trạm y tế, nếu chuyển nặng không biết có thể liên lạc theo kênh nào để nhờ hỗ trợ”, chị Lan tâm sự.

Băn khoăn của chị Lan cũng là lo lắng của rất nhiều bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà ở Hà Nội. Những ngày gần đây khi số mắc tại Thủ đô tăng cao, việc liên lạc với y tế phường trở nên khó khăn hơn.

VietNamNet đã đặt câu hỏi “F0 trở nặng có thể liên hệ tới đơn vị nào nếu không gọi được cho trạm tế hay Trung tâm Cấp cứu 115” tới một số Trung tâm Y tế, bệnh viện tầng 2, tầng 3 trên địa bàn Hà Nội.

{keywords}
Nhân viên y tế phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, HN thăm khám cho một F0 điều trị tại nhà

Theo đại diện Trung tâm Y tế quận Hà Đông, thông thường, người mắc Covid-19 khi khai báo với các trạm y tế sẽ được hướng dẫn khai báo trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà. F0 cập nhật thông tin sức khỏe trên phần mềm 2 ngày/lần để trạm y tế nắm được thông tin.

Ngay khi F0 có diễn tiến bất thường, cần cập nhật vào phần mềm, nhân viên y tế sẽ nắm bắt được và phát “báo động đỏ” để liên hệ chuyển viện. “Nếu đã khai báo rồi nhưng chưa thấy lực lượng y tế liên hệ ngay tức thì, bệnh nhân có thể kiên nhẫn chờ đợi một chút, vì nếu thấy báo động đỏ trên phần mềm, chắc chắn nhân viên y tế sẽ liên hệ lại xác nhận sớm nhất”, vị đại diện cho biết.

Trường hợp F0 chưa khai báo với trạm y tế, nếu không may trở nặng nhưng vẫn không thể liên hệ y tế địa phương, bệnh nhân có thể tới thẳng các bệnh viện trên địa bàn để cấp cứu. Ví dụ, tại quận Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị cả F0 thuộc tầng 2 và tầng 3.

Tại quận Nam Từ Liêm, theo đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, địa phương đã thành lập một trạm cấp cứu gồm 3 tổ cấp cứu và 3 xe cứu thương (tổng số 22 người) luôn thường trực 24/24 để tiếp nhận tất cả thông tin cấp cứu của F0 nặng trên địa bàn.

Tổ cấp cứu vừa có nhiệm vụ cấp cứu tại chỗ, vừa vận chuyển người bệnh lên tuyến trên. Trường hợp tuyến trên quá tải, chưa thể sắp xếp giường bệnh, F0 nặng sẽ được theo dõi, chăm sóc tại trạm y tế lưu động thuộc địa bàn phường Tây Mỗ. Như vậy, việc tổ chức cấp cứu bệnh nhân do quận chủ động thực hiện, không phụ thuộc vào Cấp cứu 115.

Chia sẻ về thực trạng F0 tăng nhanh trong giai đoạn này, người dân rất khó khăn để liên hệ được với đường dây nóng của các trạm y tế hay số điện thoại cá nhân của lãnh đạo, nhân viên trạm, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm cho biết đã có phương án phân cấp rõ ràng, giúp người dân tiếp cận được với lực lượng y tế.

Theo đó, mỗi nhân viên trạm y tế sẽ phụ trách 1 tổ dân phố. Tại mỗi tổ dân phố lại có một tổ Chăm sóc người nhiễm tại nhà gồm 5-7 người, mỗi người phụ trách một cụm dân cư và sẽ kết nối với F0 thuộc khu vực của mình.

“Như vậy, khi phát hiện nhiễm Covid-19, người dân cần báo ngay cho thành viên tổ Chăm sóc người nhiễm tại nhà phụ trách cụm dân cư của mình, hàng ngày trao đổi thông tin với họ. Nếu F0 nào diễn tiến bất thường, người phụ trách sẽ nắm được ngay và báo cho nhân viên trạm y tế phụ trách. Nhân viên này có nhiệm vụ đánh giá bước đầu để thông tin tới tới trạm y tế, trạm cấp cứu, từ đó xử trí kịp thời”, vị đại diện cho hay.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh, phân chia công việc theo hệ thống như trên sẽ giúp thông tin của F0 tới được với lực lượng y tế sớm nhất trước thực tế số F0 tăng nhanh như hiện nay. Bởi nếu mọi F0 đều liên hệ với đường dây nóng của trạm y tế, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn.

“Tại quận chúng tôi, phường nào cũng có các tổ Chăm sóc người nhiễm như vậy để người dân có thể liên hệ. Hệ thống trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động và trạm cấp cứu đều được kết nối liên thông với nhau, đảm bảo xử lý nhanh nhất khi có trường hợp cần hỗ trợ”, vị đại diện thông tin.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - đơn vị tiếp nhận điều trị F0 cả ở tầng 2, tầng 3 và tầng 1 (cơ sở thu dung Đền Lừ do BV quản lý), theo lãnh đạo bệnh viện, việc đầu tiên F0 cần làm ngay khi phát hiện dương tính là khai báo ngay cho y tế xã phường để được quản lý, phân tuyến. Đa số F0 sẽ diễn tiến từ không triệu chứng tới nhẹ, có thể điều trị nhà, do y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cũng như cấp thuốc.

Trường hợp “có cần thiết phải đi viện hay không, tới bệnh viện thuộc tầng mấy” cũng do y tế cơ sở phân loại, quyết định dựa vào điều kiện cách ly, tiền sử bệnh nền, triệu chứng lâm sàng.

“Trong những trường hợp liên hệ y tế cơ sở không được do quá tải, quá đông thì người dân có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tất cả các bệnh viện đều tham gia công tác phòng chống dịch. Ngay cả bệnh viện tuyến quận huyện cũng có các khu thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa, ngoài ra còn có những bệnh viện tầng 3 chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết.

Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra lưu ý, chỉ nên tới thẳng các bệnh viện trong trường hợp liên hệ y tế xã phường không được. Nếu có thể, người bệnh nên cố gắng liên hệ từ y tế cơ sở để được phân loại đúng với tầng điều trị của mình.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn - cơ sở y tế tầng 3 chuyên tiếp nhận F0 nặng, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo bệnh viện nhấn mạnh, F0 vẫn nên qua sự sàng lọc của tuyến dưới (tổ Covid-19 cộng đồng, các trạm y tế, các bệnh viện tầng dưới) trước khi tới cơ sở y tế tuyến cao nhất.

“Nhiều trường hợp nói là nặng, xin nhập viện nhưng khi bác sĩ thăm khám thì vẫn ở mức độ nhẹ, bình thường, như vậy chúng tôi không thể nhận được vì phải để giường điều trị F0 nặng. Người dân tốt nhất nên liên hệ qua y tế tuyến cơ sở, để nhân viên y tế đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Nếu nặng, y tế tuyến dưới sẽ chuyển ngay lên tầng 3, chúng tôi sẽ tiếp nhận và điều trị tích cực. Nếu chưa nặng, họ sẽ phân loại tới các cơ sở y tế phù hợp”, vị này thông tin.

Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, việc F0 “ồ ạt” tới cơ sở y tế tầng 3 mà không qua phân tuyến sẽ khiến nhân viên y tế không thể chủ động trong công tác phòng hộ cũng như cấp cứu, gây quá tải. Bởi vậy, theo vị này, các tổ Covid-19 tại mỗi địa phương cần hoạt động tích cực hơn để kết nối chặt chẽ với người dân, nếu thiếu nên huy động, thành lập, kêu gọi lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Nguyễn Liên

Người dân đưa video test nhanh đi mua thuốc Molnupiravir, không cần đơn bác sĩ

Người dân đưa video test nhanh đi mua thuốc Molnupiravir, không cần đơn bác sĩ

Thay vì phải trình đơn thuốc do bác sĩ chỉ định dùng Molnupiravir hay giấy xác nhận F0 do địa phương cấp, nhiều người dân đã quay video test nhanh tại nhà làm điều kiện để mua thuốc kháng virus này.