Liên tục nhiều ngày thấy số ca mắc tại Hà Nội tăng vọt cùng với tin tức bạn bè, người thân báo mắc Covid-19 khiến gia đình chị Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định có lên phương án dự phòng cho sức khỏe của cả nhà. Việc đầu tiên, chị chi 3 triệu đồng mua 50 que kit test nhanh với giá 60 nghìn/que.

Ngoài ra, chị Thanh còn mua các loại thuốc và vitamin cho trẻ em và người lớn trong nhà. Số thuốc, thực phẩm chức năng hơn 20 loại với tổng số tiền trên 8 triệu đồng. Các loại chị chuẩn bị gồm xịt keo ong kháng khuẩn, kẽm, nước súc miệng, cồn, thuốc ho, thuốc nhỏ mắt, thuốc hạ sốt, bổ phế…

Chị mua 6 máy đo SpO2 cho 3 gia đình (gia đình chị Thanh và ông bà nội, ngoại ở quê). Đặc biệt, chị Thanh còn mua máy tạo oxy cho 3 gia đình với 2 máy to, giá 9,5 triệu đồng/máy, và 1 máy nhỏ giá 4,5 triệu đồng. Tổng số tiền cho 3 thiết bị này hết 23,5 triệu đồng. Như vậy số tiền gia đình chị Thanh chi ra để dự phòng thuốc và các thiết bị lên tới gần 40 triệu đồng.

{keywords}
Các thiết bị, máy tạo oxy được gia đình chị Thanh mua dự phòng.

Tương tự, dù gia đình chưa có người mắc Covid-19 nhưng chị Hồng Hải (Hà Nội) vẫn lo lắng khi nhìn số ca mắc của cả nước tăng từng ngày. Qua người quen thường bán hàng 'xách tay' từ Nga về Việt Nam quảng cáo có thuốc phòng và chữa khỏi Covid-19, chị mua 3 hộp thuốc dự phòng (giá 550.000 đồng/hộp) và 2 hộp điều trị (3,5 triệu đồng/hộp).

Ngoài ra, chị còn chi hơn 2 triệu đồng mua kit test nhanh và số tiền không ít cho việc mua các loại C sủi, thuốc bổ tăng sức đề kháng…

“Hiện tại, không ít bạn bè, đồng nghiệp của tôi… đều đã mắc Covid. Nhiều người không gọi được y tế phường, phải tự dựa vào bản thân để điều trị vì vậy tôi mua các thuốc, vật dụng để phòng. Nếu chẳng may mắc chúng tôi cũng chủ động để tự lo cho bản thân và gia đình”, chị nói.

{keywords}
 
{keywords}
Danh sách thuốc, thực phẩm chức năng gia đình chị Thanh mua dự phòng.

Trao đổi với PV VietNamNet, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo, người dân không nên tích trữ test nhanh.

“Người dân chỉ thực hiện việc test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng như ho, sốt, khó thở... Việc test nhanh nhiều, không cần thiết sẽ làm mất thời gian và lãng phí. Vì vậy người dân không cần tích trữ”, BS Khanh khẳng định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng phân tích: “Người dân không nên tích trữ que test nhanh. Vì không phải người nào cũng test, chỉ người có nguy cơ và triệu chứng mới thực hiện xét nghiệm tại nhà này. Ngoài ra, tích trữ gây thiếu hụt ảo khiến người cần thì không thể mua được, người không cần lại tích trong nhà”.

TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, người đang tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội, cũng đưa ra danh mục các thuốc, thiết bị người dân có thể chuẩn bị.

Các loại thuốc cần chuẩn bị:

- Thuốc hạ sốt: Paracetamol (Efferalgan)

- Thuốc bù nước và điện giải: Oresol

- Thuốc bổ: Vitamin tổng hợp, vitamin C…

- Nước súc họng

- Thuốc giảm ho (nếu ho nhiều): Người lớn: Terpincodein  và trẻ em: Atussin siro (l lọ)

- Cặp nhiệt độ (1 chiếc)

- Thiết bị đo nồng độ bão hòa oxy SpO2 (1 cái)

Các loại thuốc có thể tự dùng:

Khi bị sốt, đau đầu, đau người: Người lớn (sốt > 38,5) sử dụng 1 viên Paracetamol 0,5g/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4-6 lần. Trẻ em (sốt>38,5 độ) uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần. Nếu uống thuốc hạ sốt mà không hạ, cần chườm ấm liên tục đến khi nhiệt độ dưới 38,5.

Nếu bị ho: Ho là phản ứng tự vệ tốt của cơ thể, nếu ho ít thì không cần uống thuốc còn ho nhiều có thể sử dụng thuốc giảm ho. Trong đó, người lớn uống terpincodein uống 1-2 viên/1 lần và uống 2 lần trong ngày. Còn trẻ em dùng Atussin siro uống theo tờ hướng dẫn. Trường hợp đi ngoài lỏng, cần uống bù nước và điện giải Oresol pha mỗi gói vào 200 ml nước.

Các loại thuốc phải có hướng dẫn của bác sĩ:

Thứ nhất, các loại thuốc kháng virus như Favipiravir 200mg, 400mg (viên) hay Molnupiravir 200mg, 400mg (viên) có tác dụng điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình đều có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Do đó, bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày thì không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp và không sử dụng để dự phòng. Không sử dụng đối với phụ nữ có thai và cho con bú; phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Thuốc này kkhông sử dụng cho người dưới 18 tuổi và nam giới sau khi dùng phải 3 tháng sau mới được có con.

Thứ hai, thuốc giảm viêm có thành phần corticosteroid đường uống như Dexamethason 0,5 mg (viên nén), Methylprednisolon 16 mg (viên nén). Đây là loại thuốc chỉ kê đơn điều trị một ngày trong thời gian chờ chuyển đến bệnh viện.

Thứ ba, thuốc chống đông như Rivaroxaban 10 mg (viên), Apixaban 2,5 mg (viên). Đây cũng là loại thuốc chỉ kê đơn điều trị một ngày trong thời gian chờ chuyển đến bệnh viện. “Do đó, người dân không được tự phép uống hoặc nghe theo lời mách bảo của người khác. Người dân không nên tích trữ, khi nào có chỉ định cần phải dùng thuốc kê đơn mới nên đi mua”, TS.BS Dương Văn Trung cho biết.

Ngọc Trang

Người dân đưa video test nhanh đi mua thuốc Molnupiravir, không cần đơn bác sĩ

Người dân đưa video test nhanh đi mua thuốc Molnupiravir, không cần đơn bác sĩ

Thay vì phải trình đơn thuốc do bác sĩ chỉ định dùng Molnupiravir hay giấy xác nhận F0 do địa phương cấp, nhiều người dân đã quay video test nhanh tại nhà làm điều kiện để mua thuốc kháng virus này.