T.N.T năm nay 29 tuổi nhưng đã có 25 năm sống chung với bệnh động kinh. Cô gái trẻ đã được gia đình đưa đi điều trị ở nhiều nơi từ TP.HCM ra Bắc nhưng bệnh chỉ giảm một thời gian rồi lại nặng trở lại. Có nhiều ngày, chị lên 40 cơn co giật/ngày, phải uống phối hợp 7 loại thuốc nên người đờ đẫn...

Cũng vì lý do đó, chồng của T. đã rời bỏ chị và con gái nhỏ vì nghĩ vợ bị tâm thần. Từ đó mẹ đẻ đón mẹ con chị T. về nhà chăm chút. 

{keywords}
Ekip bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân T.


Không bỏ cuộc, 2 mẹ con chị T. tiếp tục dắt díu nhau đi thăm khám ở nhiều nơi, may mắn tìm đến BV Việt Đức vào tháng 8/2018.

Bệnh nhân được hội chẩn với Hội đồng động kinh BV Việt Đức và Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp). Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán. Phương án tối ưu là phẫu thuật cắt tổn thương.

Gần 1 năm sau phẫu thuật, hiện tại, chị T. không còn cơn giật, không còn trầm cảm cũng như không có biến chứng, chị tự tin, vui vẻ với cuộc sống.

BS Trần Đình Văn, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, BV Việt Đức chia sẻ, thành công của ca bệnh này không chỉ là nỗ lực của thầy thuốc mà còn là nỗ lực của chính bệnh nhân với hành trình dài không ngừng hy vọng. 

{keywords}
Bệnh nhân hồi phục rất tốt sau phẫu thuật, tự tin, hoà nhập cuộc sống 


Theo thống kê, 80% bệnh nhân động kinh tại Việt Nam là trẻ em, với khoảng 300.000 trường hợp, trong đó 60.000 em bị kháng thuốc, số bệnh nhân còn lại tiếp tục có xu hướng kháng thuốc, nhiều bệnh nhân đã trải qua 10-15 lần thay thuốc nhưng vẫn không đáp ứng.

Tuy nhiên rất nhiều gia đình vì không có thông tin nên nhốt con ở nhà vì hết hy vọng. Trong khi vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở y tế trong đó có BV Việt Đức đã phẫu thuật cho rất nhiều trường hợp bị động kinh kháng thuốc.

Theo BS Văn, điều kiện để các trường hợp động kinh được phẫu thuật là phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 điều kiện gồm: Lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; hình ảnh cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương (chỉ định được chụp ở những trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn, theo protocol chuẩn quốc tế; bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm, bệnh nhân được đánh giá test tâm lý thần kinh trước mổ, hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật.

Sau đó, các bác sĩ sẽ sử dụng kính vi phẫu, hệ thống định vị, phẫu thuật nội soi, có những trường hợp phải sử dụng điện não, phẫu thuật để khu trú vùng sinh động kinh. Tỉ lệ thành công sau mổ đạt 75-85%.

Với các thể động kinh khác như động kinh mất trường lực, tỉ lệ phẫu thuật thành công ở mức 50-60 %, giúp bệnh nhân giảm cơn động kinh.

Thúy Hạnh

Bị động kinh liên tục người phụ nữ không ngờ mắc bệnh này

Bị động kinh liên tục người phụ nữ không ngờ mắc bệnh này

Người phụ nữ ở miền Tây bị động kinh liên tục, đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới nhưng không giảm, đến khi được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thì bác sĩ kiểm tra phát hiện khối u màng não.