- Ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng nên khi được chẩn đoán xác định thì đã là lúc di căn.
Tỷ lệ tử vong cao nhất
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi chiếm số lượng nhiều nhất trong các loại ung thư (khoảng 20%) với số lượng tăng thêm 0,5% mỗi năm. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm vì số lượng người mắc nhiều nhưng tỷ lệ sống quá 5 năm sau khi chẩn đoán bệnh chỉ vào khoảng 15% tính trung bình trên thế giới.
Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam cũng thông tin, ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư tấn công nam giới và chiếm 20% tổng số người bệnh mắc phải các loại bệnh ung thư tại Việt Nam.
Cần chú ý đến sức khỏe để phát hiện sớm ung thư phổi |
Tại một cuộc hội thảo diễn ra trung tuần tháng 4/2016 ở Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K đã cho biết, tỉ lệ tử vong vì ung thư cao do phần lớn người dân chưa có ý thức khám chữa bệnh định kỳ; khoảng 70% phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4). Với ung thư phổi ở mức 84,3%, nên tỉ lệ chữa khỏi càng ít.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, do thời kỳ đầu bệnh ung thư phổi có rất ít biểu hiện bên ngoài, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. nên rất khó để phát hiện lâm sàng.
Ung thư phổi là một khối rắn, nhiều múi, hay có màu trắng như tổ chức não; khi phát hiện thường đã có đường kính từ 2 - 10cm, hoặc lớn hơn.
Triệu chứng cảnh báo mờ hồ
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số bệnh nhân ung thư phổi thường không quan tâm đến những triệu chứng đầu tiên của bệnh hoặc nhầm lẫn với căn bệnh đường hô hấp khác. Do đó, khi các triệu chứng xuất hiện thì các khối u đã bị biến chứng.
Ở giai đoạn sớm, một số dấu hiệu gợi ý với bệnh này là: nam giới trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào, ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu, điều trị kháng sinh không có tác dụng.
Do triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những bệnh viêm phế quản, ho lao,... nên ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. (Ảnh minh họa) |
Đến giai đoạn tiến triển, triệu chứng sẽ đa dạng hơn tùy theo vị trí u, mức độ lan rộng của tổn thương.
Lúc này, bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, đau dai dẳng, cố định một vị trí. Khó thở, thở gấp do khối u to, chèn ép, bít tắc đường hô hấp. Ở giai đoạn đầu thì có biểu hiện hơi đau ngực, chủ yếu biểu hiện là đau âm ỉ và đau tức. Đau ngực thường không rõ điểm đau, đau bên có tổn thương giống viêm dây thần kinh liên sườn; có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay,... nên khó xác định được có liên quan thế nào với hô hấp.
Khi khối u tiến triển, bệnh viêm phổi sẽ thường xuyên diễn ra, bệnh nhân cũng sẽ thấy mệt mỏi mọi lúc, giảm cân nhanh chóng; hội chứng ngón tay dùi trống gây đau và biến dạng các xương bàn tay, bàn chân...
Sau khi khối u làm tắc phế quản sẽ tồn tại hiện tượng lá phổi bị tắc, gây ra các biểu hiện ở các mức độ khác nhau, nhẹ thì sốt nhẹ, còn nặng thì sẽ sốt cao.
Khi các khối u đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như não, xương, gan,... hoặc ở ngay phế quản thì các triệu chứng lúc này sẽ là đau ngực, khàn giọng, phù mặt, thở nhanh, tràn dịch màng phổi...
Một số khác gây hội chứng cường chức năng vỏ thượng thận, làm mệt mỏi, phù toàn thân, mỏi và yếu cơ, mặt nhiều trứng cá, đái tháo đường, sạm da, huyết áp cao…
Triệu chứng bệnh khác nhau giữa nam và nữ
Loại ung thư phổi thường gặp ở nữ giới là ung thư phổi biểu mô tuyến và ung thư biểu mô phế quản, phế nang (BAC). Trong đó, ung thư biểu mô tuyến có xu hướng phát triển ở khu vực bên ngoài của phổi, có thể phát triển khá lớn, lây lan trước khi có triệu chứng.
Thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh nhân ung thư phổi (Ảnh: benhphoi.com) |
Còn ung thư BAC là dạng được tìm thấy phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ và những người chưa bao giờ hút thuốc lá. Do vậy, triệu chứng ung thư phổi ở nữ giới thường đến từ các loại bệnh này, có thể nhận thấy như là khó thở, đau lưng và vai, đau ngực, mệt mỏi…
Còn ở nam giới, xu hướng mắc nhiều ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư biểu mô tế bào vảy có xu hướng phát triển trong hoặc gần các đường khí chính và thường gây ra các triệu chứng sớm.
Những triệu chứng này có thể bao gồm ho mãn tính, ho ra máu, và nhiễm trùng (như viêm phổi) hoặc phá hoại phổi (xẹp phổi) do tắc nghẽn đường hô hấp bởi khối u...
Các dấu hiệu trên đôi khi không hoàn toàn là bệnh ung thư phổi, tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan. Điều quan trọng nhất giúp cải thiện tỷ lệ sống cho bệnh nhân ung thư phổi là chẩn đoán chính xác bệnh ở giai đoạn sớm do ung thư phổi thường dễ nhầm lẫn với các bệnh phế quản thông thường ở giai đoạn đầu như viêm phế quản, ho lao…
Do đó, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi thấy ho kéo dài và đau ngực cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất cho việc tầm soát là chụp Xquang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đờm, chụp cắt lớp điện toán ngực (CT Scan).
Tuy nhiên, việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ cao. Theo các hướng dẫn từ Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên CT Scan hàng năm cho các đối tượng 55-74 tuổi, hút thuốc trên 30 gói thuốc/năm hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại.
Đ.Bảo
(Còn nữa)