Sáng nay, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế họp thẩm định kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax do công ty Nanogen sản xuất.

Trao đổi với VietNamNet, GS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y cho biết, kết quả sau tiêm giai đoạn 1 cho thấy vắc xin Nanocovax ở cả 3 hàm lượng 25mcg, 50mcg và 75mcg sinh miễn dịch rất tốt, tương đương vắc xin của các nước.

Khả năng trung hoà virus sau tiêm mũi 1 đạt trên 85% tùy từng nhóm và gần 100% nhóm liều sau tiêm mũi thứ hai 7 ngày đều sinh miễn dịch tốt.

Tuy nhiên GS Lương nhấn mạnh, do thử nghiệm giai đoạn 1 trên quy mô nhỏ (20 tình nguyện viên/nhóm liều) nên chưa thể đánh giá được hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Để đánh giá chính xác, cần có số lượng mẫu hàng chục, hàng trăm nghìn người.

{keywords}

Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax. Ảnh: Thúy Hạnh

“Vắc xin sinh ra miễn dịch, từ miễn dịch đó có trung hoà virus hay không, kể cả trung hoà thì hiệu quả phải sát. Muốn đo hiệu quả thực tế phải tung vào cộng đồng có dịch, ví dụ có 1.000 người tham gia thử nghiệm, 50% tiêm vắc xin, 50% tiêm giả dược, sau đó phải thống kê có bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu ca không nhiễm ở 2 nhóm để đối chứng, lúc đó mới tính được”, GS Lương giải thích.

Sau cuộc họp, phía Học viện Quân y đề xuất tiếp tục tiêm 3 nhóm liều ở giai đoạn 2 với 560 tình nguyện viên. Ngoài nhóm tiêm vắc xin sẽ có nhóm tiêm giả dược để đối chứng.

Trong giai đoạn 2, ngoài Học viện Quân y sẽ có thêm Viện Pasteur TP. HCM cùng tham gia thử nghiệm.

Tại Học viện Quân y, ngay đầu tuần sau sẽ bắt đầu khám sàng lọc cho hơn 400 tình nguyện viên đã đăng ký và có thể triển khai tiêm những mũi đầu tiên vào ngày 24-25/2.

Nếu giai đoạn 2 diễn ra suôn sẻ, dự kiến từ giữa tháng 5 tới có thể thực hiện gối đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trên số lượng mở rộng từ 10.000-30.000 người, bao gồm tình nguyện viên tại các nước có dịch cộng đồng như Ấn Độ, Hungary, Bangladesh…

Tại giai đoạn 3, quyết định có tiêm ngay cho người dân Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ cao như lực lượng chống dịch, nhân viên cảng hàng không, tiếp viên… sẽ do Hội đồng đạo đức quyết định, căn cứ trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch sáng 19/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân trong năm 2021.

Tuy nhiên hiện tại, Bộ Y tế mới đàm phán được khoảng 60 triệu liều, trong đó có 30 triệu liều từ chương trình hỗ trợ vắc xin COVAX, 30 triệu liều từ hợp đồng với Astrazeneca.

Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin, có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu vắc xin, đảm bảo mỗi người dân đều được tiếp cận với vắc xin.

Thúy Hạnh

Bộ trưởng Y tế: Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Bộ trưởng Y tế: Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Việt Nam hiện đã đàm phán được 60 triệu liều vắc xin, cần thêm 90 triệu liều để có thêm tiêm đủ cho người dân.