Động thái đánh dấu việc Indonesia trở thành quốc gia mới nhất ở châu Á có hành động mạnh mẽ nhằm chống lại việc trở thành nơi tiếp nhận rác thải của phương Tây.

{keywords}
Rác thải nhựa bị vứt bỏ bên bờ biển Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Theo Sputnik, 5 công-ten-nơ rác thải của Mỹ đã được một công ty vận tải Canada chuyên chở từ cảng Seattle đến Indonesia hồi tháng 3. Toàn bộ các kiện hàng được khai báo là chứa giấy có thể tái chế được. Song, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia phát hiện nhiều "tạp chất" khác bên trong các công-ten-nơ và ra lệnh tái xuất chúng.

Sayid Muhadhar, Tổng thư ký Tổng cục quản lý rác thải và chất thải nguy hại Indonesia cho biết, trong các công-ten-nơ nói trên có chứa một lượng đáng kể các rác thải nhựa và giày, phế liệu gỗ, vải và thậm chí cả bỉm đã qua sử dụng.

Indonesia, quốc gia hiện có năng lực tái chế nhựa rất hạn chế, kể cả với rác thải của chính họ, đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế thải nhựa sinh hoạt. Tuy nhiên, rác thải sản xuất dưới dạng giấy sạch hoặc phế liệu nhựa vẫn có thể được chấp nhận ở nước này nếu Bộ Thương mại Indonesia cấp giấy phép nhập khẩu.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya cảnh báo, bất kỳ rác thải nào đến nước này một cách bất hợp pháp đều sẽ bị trả lại chủ ban đầu lập tức. Ông Siti nhấn mạnh, nhà chức trách Indonesia sẽ điều tra mọi hành vi gian lận hoặc sai phạm.

Hôm 14/6 vừa qua, Hải quan Batam, Indonesia đã tiếp nhận 65 công-ten-nơ từ Bắc Mỹ và châu Âu, được tin có chứa rác thải độc hại. Theo tờ Jakarta Post, nhà chức trách địa phương đã cho niêm phong toàn bộ số công-ten-nơ này trong khi chờ một phòng thí nghiệm kiểm định mẫu.

Indonesia từng trả lại hàng chục công-ten-nơ chứa rác nhựa trái phép vào những năm 2015 - 2016. Song, nước này đã lập kỷ lục nhập khẩu tổng cộng 283.000 tấn rác nhựa hồi năm ngoái, tăng 141% so với trước đó, tiếp sau việc Trung Quốc quyết định chấm dứt nhận rác thải nhựa của nước khác từ tháng 1/2018 do các quan ngại về ô nhiễm môi trường. Trước đây, Trung Quốc từng là nơi xử lý tới 1/2 tổng số rác thải của thế giới.

Lệnh cấm của Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp phương Tây, vốn thiếu năng lực tái chế rác thải của chính họ, phải tìm kiếm các "thị trường" mới ở châu Á. Mọi việc càng trở nên trầm trọng khi Ấn Độ cũng học theo Trung Quốc cấm nhập khẩu phế thải rắn.

Hậu quả là, hàng tấn rác thải từ Mỹ, châu Âu và Australia rốt cuộc đã chuyển hướng đến Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines, buộc các nước phải có biện pháp đối phó để bảo vệ môi trường. Việt Nam hiện đã tạm ngưng cấp các giấy phép nhập khẩu mới trong khi Thái Lan đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa. Malaysia và Philippines mới đây cũng gửi trả lượng lớn rác thải cho các nước xuất khẩu chúng.

Tuấn Anh