Các chuyên gia cho rằng đối diện sức ép ở quê nhà, nhóm phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) đã quyết định mở rộng tác chiến ở những nơi gây được nhiều sự chú ý nhất.

Theo tờ Washington Post, chỉ một ngày sau vụ tấn công ở Paris hôm 13/11, một giả thuyết được lan truyền giải thích vì sao IS lại tấn công vào thủ đô nước Pháp: đó là vì nỗ lực của IS nhằm chiếm và giữ các vùng đất ở Syria gặp trở ngại, nên có thể nhóm này đã tìm cách giết hại nhiều người ở xa ngoài biên giới nhằm bù đắp cho các thiệt hại trong chiến trường của chúng.

{keywords} 

“Tôi cho rằng sự thay đổi sang hướng giết chóc theo kiểu khủng bố là dấu hiệu cho thấy điểm yếu của họ (IS)” – kênh radia National Public dẫn nhận định của Audrey Kurth Cronin, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Đại học George Mason.

“Họ mất Sinjar (vào tay lực lượng người Kurd ở bắc Iraq). Sát thủ “John thánh chiến” cũng bị tiêu diệt. Và tôi nghĩ rằng IS đang cảm thấy rằng họ cần phải lấy lại đà, và thu hút sự chú ý của mọi người, rồi sử dụng chủ nghĩa khủng bố để làm những việc này” – ông Cronin nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng câu chuyện phức tạp hơn như vậy. Trước tiên, có ý kiến cho rằng kế hoạch tấn công như tại Paris đã bắt đầu từ lâu.

“Tôi nghĩ mức độ của chiến dịch tấn công này là quá tinh vi chứ không thể chỉ là phản ứng trả đũa cho vụ Sinjar hay là ‘John thánh chiến’” – nhận định của Mila Johns, nhà nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu Khủng bố và Phản ứng Khủng bố.

Thứ hai, mặc dù cho tới vài tháng gần đây, IS chủ yếu tập trung vào bên trong khu vực của họ nhưng thực chất, từ lâu họ đã có ý đồ tấn công ra xa ngoài biên giới.

Từ năm ngoái đã xuất hiện nhiều cảnh báo về các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia phương Tây, trong đó, thủ lĩnh IS đã hô hào những người ủng hộ giết ‘kẻ thù của Hồi giáo’ ở bất cứ nơi nào. Và vài tháng sau đó, chủ trương này đã biến thành thảm kịch tại Paris.

“Những quan chức chính phủ và ‘chuyên gia’ hàn lâm ở các nước phương Tây nào nói rằng IS chỉ tập trung vào thực hiện các chiến dịch trong lãnh thổ Iraq, Syria và các nước Hồi giáo khác, rồi cho rằng nhóm này không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với phương Tây, đều đã sai lầm vô cùng”- bình luận của Jeffrey Bale, giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey. “Tất cả những gì mà mọi người cần làm là hiểu rõ động cơ, mục đích của các nhóm Hồi giáo là nhằm để chú ý vào những gì họ đang nói một cách công khai và khoa trương”.

Cùng lúc, có lý do để tin rằng tư thế phòng ngự của IS ở quên nhà có thể liên quan tới sự gây hấn ngày càng tăng của họ ở nước ngoài.

Theo Gina Ligon – phó giáo sư về quản lý tại Đại học Nebraska, người từng nghiên cứu kỹ về cấu trúc tổ chức của nhóm, việc nhóm sử dụng bạo lực chống lại người dân có thể là công cụ để gây quỹ. Một nhóm ‘kén chọn’ tư liệu để đổi lấy cho khoản đầu tư mà các nhà tài trợ đã bỏ ra, tạo nên các video tuyên truyền và thu thập thông tin trên báo về những gì họ làm ra để chứng tỏ tầm ảnh hưởng.

“Một trong những hậu quả không may [từ cuộc tấn công ở Paris] là IS đã gây được quá nhiều thanh thế so với đồng bạc họ bỏ ra, do đó, chúng sẽ sử dụng hiệu quả từ vụ tấn công này để tìm thêm nhiều người bảo trợ, và cấp tiền cho các cuộc tấn công trong tương lai” – Ligon nói.

Nhưng IS không chỉ cần tới vốn để sống và lan tỏa, họ cũng cần tới nhân công trong hình thức tuyển mộ tân binh. Ligon nói rằng những vụ tấn công này cũng chính là công cụ tuyên truyền, khiến nhóm này trông có vẻ mạnh hơn các nhóm khủng bố khác.

Cuối cùng, có nghiên cứu chỉ ra rằng có một mẫu hình đằng sau hành vi của nhóm khủng bố. Victor Asal – đồng giám đốc của Dự án Xung đột Bạo lực tại Đại học New York – Albany, đã phân tích hành vi so sánh giữa hàng trăm nhóm cực đoan, bao gồm cách mà họ phản ứng với ‘củ cà rốt’ (như đàm phán và thỏa thuận), và ‘các cây gậy’ (chẳng hạn như các đợt không kích). Nhóm nào bị cùng đường vì ‘cây gậy’ có xu hướng trả đòn tương tự, còn nhóm nào bị ‘cà rốt’ nhử thì ít có xu hướng tấn công.

Hiện giờ, cách tiếp cận thứ hai (dùng cà rốt) có thể không còn hiệu quả với những nhóm như IS. Asal chỉ ra rằng phương án duy nhất chính là Pháp, Mỹ và các đồng minh phải tìm cách đánh tan đội quân IS. Nhưng điều này hầu như chắc chắn sẽ gây ra nhiều vụ tấn công hơn, cho tới khi nào nhóm này bị đánh bại tới mức không thể tiến hành tấn công nổi.

Cả ba học giả Asal, Johns và Ligon nhất trí rằng châu Âu có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn nếu họ thù địch với hàng triệu người tị nạn đến từ Syria, chạy trốn khỏi chính lực lượng đã gieo rắc kinh hoàng tới cho Paris. Hầu hết các tân binh (đáng giá nhất) của IS là những người đã bị cực đoan hóa ngay tại đất nước sở tại. Các chuyên gia cho rằng việc đàn áp thẳng tay những người tị nạn chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn.

“Tôi thật sự rất lưỡng lự khi nói rằng việc dòng người tị nạn tăng lên sẽ làm tăng các mối đe dọa” – ông Johns nói.

Lê Thu