{keywords}
Bà Susan B.Anthony

Theo Time, vào những năm 1800 tại Mỹ, phụ nữ không có quyền bầu cử cũng như nhiều quyền khác như nam giới. Khi đó, bà Susan B.Anthony là một nhà lãnh đạo nổi bật trong phong trào đấu tranh vì quyền phụ nữ.

Cùng với Elizabeth Cady Stanton, bà đã thành lập Hiệp hội quyền bầu cử của phụ nữ quốc gia, ủng hộ trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ. 

Tháng 11/1872, bà đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ và bị bắt hai tuần sau đó vì chính quyền cho rằng quyền bầu cử chỉ được đảm bảo cho công dân nam giới.

Trong phiên xét xử, thẩm phán không cho bà được tự bào chữa và phạt bà 100 USD. Tuy nhiên, bà Susan Anthony từ chối nộp phạt và tuyên bố sẽ không bao giờ nộp dù chỉ một đô la cho hình phạt bất công đó.

Phiên xử đã tạo cơ hội cho bà Susan Anthony phổ biến những lập luận ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ tới nhiều người hơn.

Sau đây là trích đoạn bài phát biểu năm 1873 của bà Susan Anthony về Quyền bầu cử của phụ nữ sau khi bà bị bắt, xét xử và phạt 100 USD vì tham gia bầu cử Tổng thống:

“Hỡi những người bạn và đồng bào: Tối nay, tôi đứng trước các bạn trong khi bị truy tố về tội bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, vì không có quyền bầu cử hợp pháp. Công việc của tôi tối nay là chứng minh cho bạn thấy rằng với việc bỏ phiếu, tôi không phạm tội nào mà thay vào đó, tôi chỉ thực hiện quyền công dân của mình, quyền đã được Hiến pháp quốc gia bảo đảm cho tôi và mọi công dân.

{keywords}
Phụ nữ Mỹ tuần hành đòi quyền được bỏ phiếu. Ảnh: History.com

Lời mở đầu của Hiến pháp liên bang viết: “Chúng tôi, nhân dân của Hợp chủng quốc, với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước và phòng thủ chung, thúc đẩy thịnh vượng trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và các thế hệ sau, quyết định xây dựng và ban hành Hiến pháp cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.  

Đó là chúng tôi, là nhân dân, chứ không phải chúng tôi là những nam công dân da trắng, cũng không phải những nam công dân. Chúng tôi là toàn dân, những người đã tạo nên đất nước này.

Và chúng tôi lập ra nó, không phải để ban phước lành của tự do mà để bảo vệ nó; không phải để cho một nửa của chúng tôi và một nửa hậu thế của chúng tôi, mà cho toàn bộ nhân dân, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Và thật là một sự nhạo báng khi nói với phụ nữ về việc họ được hưởng các phước lành của tự do trong khi lại chối bỏ quyền sử dụng phương tiện duy nhất để bảo đảm an toàn cho họ, thứ đã được chính phủ dân chủ cộng hoà này mang lại – phiếu bầu.

Với bất cứ bang nào coi giới tính là một tiêu chuẩn, và quan niệm đó có thể dẫn tới việc tước quyền bầu cử của một nửa số dân, thì đó chính là vi phạm quyền tối cao của đất nước…”

Sau này, bà Anthony đã đi khắp nước Mỹ để tổ chức các cuộc biểu tình, diễn thuyết và vận động lập pháp để đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.

Các bài phát biểu và những cuộc vận động của bà Anthony đã mở đường để Quốc hội Mỹ phê chuẩn Tu chính án thứ 19 vào năm 1920. Văn bản này nêu rõ: Quyền bỏ phiếu của công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không thể bị từ chối hoặc bị hạn chế bởi chính quyền liên bang hay của bất kỳ bang nào chỉ vì giới tính của họ.

Hoài Linh

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh là bài diễn văn nổi tiếng của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập, tập trung vào những khía cạnh có thể làm đổi dòng lịch sử nước này.