Chú thích ảnh

Thành viên Đơn vị 731 tiến hành thử nghiệm vi khuẩn trên một đứa trẻ ở hạt Nongan, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc tháng 11/1940. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những câu chuyện về Thế chiến II đã được kể lại nhiều lần đến nỗi người ta có thể dễ dàng quên rằng một số nỗi kinh hoàng khó hiểu hơn của chiến tranh đến nay vẫn còn là bí ẩn với công chúng. Chẳng hạn, ít ai biết rằng trong năm cuối cùng của cuộc chiến, Nhật Bản đã âm mưu một chiến dịch giết người hàng loạt tại Mỹ bằng chiến tranh sinh học.

Với nhà vi trùng học - Tướng quân Shiro Ishii, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu chiến tranh hóa học của Nhật Bản, khi đó Đơn vị 731 do ông ta chỉ huy đã tiến gần khủng khiếp tới việc thả bom chứa hàng loạt bọ chét nhiễm bệnh dịch hạch xuống lãnh thổ Mỹ.

Một cuộc diễn tập kịch bản rải mầm mống căn bệnh thời Trung cổ này đã được tiến hành tại quốc gia láng giềng gần nhất: Trung Quốc. Những bản ghi tại Toà án Tội ác Chiến tranh Khabarovsk năm 1949, nơi xét xử 12 thành viên Đạo quân Quan Đông của Nhật với cáo buộc tội phạm chiến tranh, đã tiết lộ nhiều điều về âm mưu ghê rợn này: “Những con bọ chét được dùng cho mục đích bảo tồn mầm bệnh, sẽ mang theo vi khuẩn dịch hạch và lây nhiễm trực tiếp vào con người”.

Chú thích ảnh

Chỉ huy Đơn vị 731, Tướng Nhật Shiro Ishii, người đã sống yên ổn nốt cuộc đời thời hậu chiến nhờ quyền miễn trừ của Mỹ để đổi lấy các nghiên cứu của ông. Ảnh: Wikimedia Commons

Sự ra đời của Đơn vị 731 - nghiên cứu vũ khí sinh hoá

Sau khi Công ước Geneva cấm chiến tranh vi trùng vào năm 1925, các quan chức Nhật Bản cho rằng một lệnh cấm như vậy chỉ xác nhận mức độ mạnh mẽ của loại vũ khí này. Tư tưởng đó đã dẫn đến chương trình vũ khí sinh học của Nhật Bản vào những năm 1930 và sự ra đời của sư đoàn chiến tranh sinh học, với cái tên Đơn vị 731.

Quân đội Nhật nhanh chóng bắt dân thường Trung Quốc tham gia các thí nghiệm tàn khốc của mình. Sau khi chiếm đóng những vùng đất rộng lớn của Trung Quốc vào đầu những năm 1930, quân đội
Nhật đóng quân ở Cáp Nhĩ Tân gần Mãn Châu, đuổi hết dân cư ở tám ngôi làng và lập ra cơ sở vũ khí sinh học Cáp Nhĩ Tân khét tiếng. Những gì xảy ra ở đây nằm trong số những hoạt động vô nhân đạo nhất trong thế kỷ 20.

Chú thích ảnh

Cơ sở vũ khí sinh học Cáp Nhĩ Tân, Mãn Châu thời bị quân Nhật chiếm đóng. Ảnh: Wikimedia Commons

Những nghiên cứu rùng rợn tại đây bao gồm nhốt các đối tượng vào buồng kín và tăng áp suất không khí cho đến khi mắt nạn nhân bật khỏi hốc, hoặc xác định cần bao nhiêu lực G (lực gia tốc hướng tâm) để gây ra cái chết...

Đến tháng 10/1940, các lực lượng Nhật Bản chuyển sang nghiên cứu chiến tranh dịch hạch. Chúng bắn phá thành phố Ninh Ba ở miền Đông Trung Quốc và Thường Đức ở phía Bắc miền Trung Trung Quốc bằng bom chứa bọ chét nhiễm bệnh. Qiu Mingxuan, người sống sót sau vụ đánh bom khi 9 tuổi, sau này trở thành một nhà dịch tễ học, ước tính rằng ít nhất 50.000 người đã thiệt mạng do những vụ đánh bom này.

“Tôi vẫn còn nhớ sự hoảng loạn trong dân chúng”, ông Mingxuan nói. “Mọi người đều đóng chặt cửa, sợ ra ngoài. Các cửa hàng, trường học cũng đóng cửa. Nhưng đến tháng 12, máy bay Nhật Bản thả bom gần như mỗi ngày. Chúng tôi không thể tiếp tục đóng chặt khu cách ly. Những người sống bên trong bỏ chạy về nông thôn, mang theo mầm bệnh dịch hạch”.

Sau những thử nghiệm thành công ở Trung Quốc, công thức “pha chế” tử thần của Đơn vị 731 đã sẵn sàng cho chuyến đi dài xuyên Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh

Lực lượng đổ bộ đặc biệt của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, đeo mặt nạ khí độc, chuẩn bị tiến công trong trận Thượng Hải vào tháng 8/1937.Ảnh: Wikimedia Commons

Chiến dịch “Hoa anh đào đêm” 

Nhật Bản ban đầu dự định tấn công Mỹ bằng những quả bom khinh khí cầu lớn. Họ phóng thành công khoảng 200 quả bom như vậy. Bom được cho là giết chết 7 người Mỹ, mặc dù Chính phủ Mỹ đã kiểm duyệt các báo cáo về con số thiệt mạng.

Chiến dịch "Hoa anh đào đêm" lẽ ra đã chứng kiến các phi công cảm tử (kamikaze) lần đầu tiên tấn công tại bang California. Một chỉ huy tân binh của Đơn vị 731 là Toshimi Mizobuchi đã lên kế hoạch đưa 20 trong số 500 lính Nhật vừa đến Cáp Nhĩ Tân vào năm 1945, tới bờ biển phía Nam California trên một chiếc tàu ngầm. Sau đó, họ sẽ lên máy bay cảm tử tới San Diego.

Theo kế hoạch, hàng ngàn con bọ chét mang vi khuẩn dịch hạch sẽ thoát xuống đất Mỹ khi những đội quân này tự kết liễu đời mình bằng cách lao máy bay xuống lãnh thổ kẻ thù.

Chú thích ảnh

Các nhà nghiên cứu của Đơn vị 731 tiến hành thí nghiệm vi khuẩn trên trẻ em bị giam cầm ở huyện Nongan, phía đông bắc Trung Quốc, tháng 11/1940. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chiến dịch được ấn định vào ngày 22/9/1945. Với những nhân chứng còn sống sót và chỉ huy lực lượng tấn công, Ishio Obata, sứ mạng này “rối ruột” đến mức khó có thể nhớ lại hàng thập kỷ sau đó. “Đó là một ký ức tồi tệ đến mức tôi không muốn nhớ lại”, Obata nói. “Tôi không muốn nghĩ về 731. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ sau chiến tranh. Xin hãy để tôi giữ im lặng”. 

May mắn thay, âm mưu “Hoa anh đào đêm” không bao giờ thành hiện thực.

Thất bại của âm mưu chống Mỹ

Một chuyên gia của Hải quân Nhật Bản tuyên bố Hải quân sẽ không bao giờ phê chuẩn sứ mạng này, đặc biệt là vào nửa cuối năm 1945. Vào thời điểm đó, việc bảo vệ các đảo giá trị nhất của Nhật Bản quan trọng hơn nhiều so với tiến hành các cuộc tấn công vào Mỹ.

Đến ngày 9/8/1945, đất nước bắt đầu "nổ tung" càng nhiều bằng chứng về thí nghiệm trên người của Đơn vị 731. Điều được biết đến nhiều nhất là trong một cuộc họp quan trọng vào tháng 7/1944, Tướng Hideki Tōjō, Thủ tướng Nhật, đã từ chối sử dụng chiến tranh vi trùng chống lại Mỹ. Ông ta nhận ra rằng thất bại của Nhật Bản rất có thể sắp xảy ra và việc sử dụng vũ khí sinh học sẽ chỉ làm leo thang sự trả đũa của Mỹ.

Chú thích ảnh

Máy bay Nhật ném bom Trùng Khánh từ năm 1938 - 1943. Ảnh: Wikimedia Commons

Trong khi đó, trước khi chết vì ung thư vòm họng vào năm 1959, Shiro Ishii, chỉ huy của Đơn vị 731, vẫn sống yên ổn nhờ được Mỹ trao quyền miễn trừ để đổi lấy các nghiên cứu hoá - sinh học mà ông ta nắm được.

Rốt cuộc, có lẽ chỉ có sự can thiệp của Hideki Tōjō mới ngăn chặn cái chết hàng loạt của thường dân Mỹ. Hơn một tuần sau khi Nhật Bản đầu hàng, Tōjō đã tự tử bằng một khẩu súng lục, nhưng được cứu sống. Cái chết của ông ta diễn ra 3 năm sau đó khi Hideki Tōjō bị toà án quốc tế tuyên án treo cổ vì tội ác chiến tranh.

Theo baotintuc.vn