Cách đây đúng 10 năm, cả thành phố Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ rung chuyển vì hàng loạt vụ đánh bom và xả súng đẫm máu, khiến hơn 170 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Bất chấp cảnh báo của Nga, 3 tàu hải quân Ukraina 'liều lĩnh' áp sát Crưm

Thiếu nữ vừa hát, vừa được phẫu thuật não

Lúc khoảng 21h30 tối 26/11/2008, một nhóm gồm 10 tay súng lạ mặt mang theo nhiều quả lựu đạn và súng tự động đã tấn công dân thường ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả ga tàu hỏa Chhatrapati Shivaji, quán cà phê nổi tiếng đông khách Leopold, hai bệnh viện và một rạp hát tại khu vực phía nam Mumbai, thuộc bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ.

Mặc dù hầu hết các vụ tấn công nói trên kết thúc sau vài tiếng đồng hồ, nhưng thảm kịch khủng bố vẫn tiếp diễn tại 3 địa điểm có xảy ra bắt cóc con tin, gồm hai khách sạn cao cấp Oberoi Trident, Taj Mahal và tòa nhà Nariman - nơi đặt một trung tâm truyền giáo của người Do Thái.

{keywords}
Ảnh: NYT

Vào thời điểm vụ tấn công ở tòa nhà Nariman kết thúc tối 28/11/2008, 6 con tin bị thiệt mạng và 2 nghi phạm khủng bố bị nhà chức trách tiêu diệt. Trong khi đó, tại hai khách sạn hạng sang, hàng chục vị khách và nhân viên đã trở thành nạn nhân của đạn pháo từ các tay súng khủng bố hoặc bị chúng bắt giữ làm con tin.

{keywords}
Lính đặc nhiệm Ấn Độ tiếp cận tòa nhà Nariman. Ảnh: Reuters

Các lực lượng an ninh Ấn Độ rốt cuộc cũng trấn áp được nhóm khủng bố và chấm dứt tình trạng khủng hoảng tại khách sạn Oberoi Trident vào giữa ngày 28/11 và tại khách sạn Taj Mahal vào sáng ngày tiếp theo.

{keywords}
Khói và lửa bốc cao tại khách sạn Taj Mahal sau khi các tay súng khủng bố tập kích nơi này. Ảnh: Reuters
{keywords}
Lính cứu hỏa đang tìm cách đưa các nhân viên và khách lưu trú tại khách sạn Taj Mahal thoát khỏi nơi bọn khủng bố chiếm giữ tối 26/11/2008. Ảnh: Reuters

Tổng cộng đã có ít nhất 174 người, bao gồm cả 20 nhân viên an ninh và 26 người ngoại quốc, mất mạng trong các sự cố nói trên. Hơn 300 nạn nhân khác bị thương. Nhà chức trách đã tiêu diệt 9 tên khủng bố và bắt giữ một tên còn lại.

Bất chấp các đồn đoán liên quan đến danh tính của những kẻ khủng bố, một nhóm vô danh tự xưng là Mujahideen Hyderabad Deccan đã đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trong một bức thư điện tử gửi nhà chức trách Ấn Độ và giới truyền thông. Tuy nhiên, các nhà điều tra phát hiện, bức thư điện tử được gửi từ một máy tính ở Pakistan và nhóm Mujahideen Hyderabad Deccan thực tế không tồn tại.

{keywords}
Một địa điểm bị đánh bom trên đường phố Mumbai. Ảnh: Boston.com
{keywords}
Bên ngoài một cửa hàng ở Mumbai bị bọn khủng bố gài mìn phá hủy. Ảnh: Boston.com

Cách mà những kẻ khủng bố phân tách những người mang quốc tịch các nước phương Tây tại hai khách sạn cao cấp và tòa nhà Nariman cũng khiến một số người tin mạng lưới khủng bố al-Qaeda có thể dính líu đến sự cố. Song, suy đoán này bị bác bỏ sau khi Ajmal Amir Kasab, nghi phạm khủng bố duy nhất bị bắt giữ, cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến việc lập kế hoạch và thực hiện các vụ tập kích.

Kasab, người gốc tỉnh Punjab (Pakistan), khai với các nhà điều tra rằng hắn và 9 tòng phạm đã trải qua khóa huấn luyện chiến tranh du kích dài ngày ở các trại huấn luyện của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba khét tiếng ở Pakistan. Kasab cũng tiết lộ, nhóm của hắn có một thời gian lưu lại trụ sở của nhóm nổi dậy Jamaat-ud-Dawa ở thành phố Muridke, tỉnh Punjab trước khi rời đến thành phố cảng Karachi (Pakistan) và lên đường tới Mumbai bằng đường biển.

Sau khi ra khơi trên một tàu chở hàng cắm cờ Pakistan, nhóm của Kasab đã cướp một chiếc thuyền đánh cá của Ấn Độ và giết chết toàn bộ thủy thủ đoàn. Sau đó, khi tiến gần bờ biển Mumbai, chúng đã sử dụng các xuồng nhỏ để tới công viên Badhwar và bến cảng Sassoon của thành phố Ấn Độ.

{keywords}
Một bức ảnh chụp Kasab vác súng nghênh ngang đi lại khi gây án tại ga tàu ở Mumbai. Ảnh: NYT

Theo Kasab, 10 tên khủng bố chia thành các nhóm nhỏ để tấn công những mục tiêu khác nhau ở Mumbai. Hắn chịu trách nhiệm về nhiều hành động tội ác của nhóm, kể cả thảm sát và phát động chiến dịch. Song, vào tháng 4/2009, khi nhà chức trách Ấn Độ đưa Kasab ra xét xử, hắn đã thay đổi toàn bộ lời khai. Phiên tòa xử hắn cũng bị trì hoãn nhiều lần, kể cả một lần bị đình chỉ do nhà chức trách xác thực, Kasab đã hơn 18 tuổi và do đó không thể bị xử tại một tòa án dành riêng cho tội phạm vị thành niên.

Mặc dù Kasab đã nhận tội vào tháng 7/2009 nhưng phiên tòa xử hắn vẫn tiếp tục. Đến tháng 12, bị cáo một lần nữa đổi lời khai và quả quyết mình vô tội. Tuy nhiên, vào tháng 5/2010, tòa tuyên Kasab có tội và kết án tử hình hắn vì tấn công khủng bố và thảm sát. Hắn chính thức bị hành quyết 2 năm sau đó.

{keywords}
Người dân Ấn Độ bật khóc khi hay tin về hàng loạt vụ tấn công khủng bố Mumbai. Ảnh: Reuters

Tháng 6/2012, cảnh sát Delhi đã bắt giữ Sayed Zabiuddin Ansari (hay còn gọi là Syed Zabiuddin), đối tượng bị tình nghi là một trong những kẻ huấn luyện nhóm khủng bố và chỉ dẫn cho chúng trong quá trình gây án ở Mumbai. Trước đó, vào năm 2011, David C. Headley, một người Mỹ gốc Pakistan cũng thú nhận đã giúp nhóm của Kasab lên kế hoạch tấn công và bị một tòa án liên bang Mỹ kết án 35 năm tù giam vào tháng 1/2013.

Sự cố đã làm trầm trọng hóa mối quan hệ giữa New Delhi và Islamabad, đặc biệt sau khi các nhà điều tra Ấn Độ có trong tay bằng chứng cho thấy âm mưu khủng bố bắt nguồn từ bên trong lãnh thổ Pakistan. Ngay lập tức, quá trình hòa đàm giữa hai nước láng giềng bị ngưng trệ. Ấn Độ hủy chuyến thi đấu giao hữu của đội bóng cricket quốc gia ở Pakistan trong các tháng 1 - 2/2009.

Nỗ lực của Ấn Độ nhằm gây sức ép buộc Pakistan triệt phá các tổ chức khủng bố bên trong lãnh thổ nước này đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ và Anh. Theo yêu cầu của chính quyền New Delhi, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chính thức áp lệnh cấm vận đối với hai nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba và Jamaat-ud-Dawa.

Pakistan cũng tuyên bố bắt giữ Zaki-ur-Rehman Lakhvi, một thủ lĩnh cấp cao của nhóm Lashkar-e-Taiba bị cáo buộc là chủ mưu vụ khủng bố Mumbai năm 2008, vào tháng 12 cùng năm. Quân chính phủ Pakistan cũng thực hiện nhiều vụ vây ráp, lùng diệt các phần tử Jamaat-ud-Dawa trên khắp đất nước. Tuy nhiên, Islamabad từ chối dẫn độ 20 người tình nghi có dính líu đến nhiều vụ tấn công khủng bố trên đất Ấn Độ theo yêu cầu của New Delhi.

{keywords}
Các học sinh ở thành phố Ahmedabad, phía tây Ấn Độ ngày 27/11/2008 đã tổ chức dâng nến cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố Mumbai. Ảnh: Reuters

Giới phân tích chỉ ra rằng, thảm kịch khủng bố Mumbai để lộ những sơ hở trong hệ thống an ninh mà Ấn Độ áp dụng để chống khủng bố kiểu mới, đặc trưng bằng những vụ tấn công vào nhiều địa điểm khác nhau, mang tính biểu tượng tại các đô thị với khả năng gây thương vong cao.

{keywords}
 

Một số báo cáo về sau hé lộ, nhà chức trách Ấn Độ từng nhận được nhiều cảnh báo khủng bố trước sự cố, từ các nguồn tin tình báo của nước này cũng như của Mỹ nhưng rốt cuộc đã phớt lờ chúng. Hơn thế nữa, sự thiếu phối hợp giữa nhà chức trách bang Maharashtra với chính quyền New Delhi cũng như sự chậm trễ trong việc triển khai lực lượng vệ binh quốc gia tinh nhuệ tới Mumbai gần 10 tiếng sau khi bọn khủng bố ra tay, cũng được coi là nguyên nhân khiến khiến hậu quả sự cố càng thảm khốc.

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Shivraj Patil đã đứng ra nhận trách nhiệm về các sơ suất và đệ đơn từ chức vào ngày 30/11/2008. Chính phủ Ấn Độ sau đó đã thành lập các cơ quan mới cũng như cơ chế luật pháp mới nhằm tăng cường khả năng chống khủng bố.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Chấn động vụ xử các lãnh đạo Đức Quốc xã

Ngày này năm xưa: Chấn động vụ xử các lãnh đạo Đức Quốc xã

Ngày 20/11/1945, tòa án quân sự đặc biệt của Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô bắt đầu xét xử 24 cựu quan chức Đức Quốc xã vì các tội ác trong Thế chiến thứ hai. 

Ngày này năm xưa: Hải chiến đẫm máu ở châu Âu

Ngày này năm xưa: Hải chiến đẫm máu ở châu Âu

Ngày 11/11/1940, Hải quân Anh bất ngờ tấn công đội tàu chiến Italia tại cảng Taranto. Trận đánh úp ác liệt được ví von như trận "Trân Châu Cảng của châu Âu".

Ngày này năm xưa: Bê bối bầu cử chấn động lịch sử Mỹ

Ngày này năm xưa: Bê bối bầu cử chấn động lịch sử Mỹ

Ngày 7/11/2000, cả nước Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Song, không ai ngờ, sự kiện rốt cuộc lại trở thành bê bối nghiêm trọng nhất lịch sử bầu cử Mỹ.