Cuộc đời của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela là một câu chuyện vĩ đại, là nguồn cảm hứng bất tận khuyến khích con người sống tốt và vượt qua mọi nghịch cảnh.

{keywords}
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (8/7/1918 – 5/12/2013)

Trở lại mốc thời gian tháng 7/1963, 10 thủ lĩnh của Đại hội Dân tộc Phi - phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid của nhân dân Nam Phi, viết tắt là ANC – bị bắt tại Rivonia, ngoại ô Johannesburg. Cùng với nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Mandela (đã bị bắt vào tháng 8/1962 và đang thụ án 5 năm tù), họ bị buộc tội phá hoại, tiếp tay cho các thế lực nước ngoài. 

Khi đối mặt với án tử hình vì tội âm mưu lật đổ chính quyền khi đó, từ ghế của bị cáo tại phiên tòa ở Rivonia, Nelson Mandela đã có bài phát biểu để đời này. Thay cho những lời trình bày chứng thực, ông chỉ ra những bất công của xã hội và của hệ thống luật pháp Nam Phi, đồng thời cố gắng thể hiện rõ chương trình chính trị và đạo nghĩa của ANC.

Được biết, bài phát biểu đã được Nelson Mandela chuẩn bị trong nhiều tuần trước phiên tòa. Ông đặc biệt quan tâm đến mục đích làm cho nó thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhằm tạo dư luận quốc tế ủng hộ cho sự nghiệp của ANC.

"Tôi là bị cáo đầu tiên. Tôi có bằng cử nhân nghệ thuật và đã làm luật sư ở Johannesburg vài năm trong sự hợp tác với Oliver Tambo. Tôi là một tù nhân bị kết án và đã thụ án 5 năm vì rời khỏi đất nước mà không có giấy phép và vì xúi giục mọi người đình công vào cuối tháng 5 năm 1961", Nelson Mandela mở đầu bài phát biểu, nhắc đến Oliver Tambo, nhà cách mạng và chính trị gia chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nổi tiếng ở Nam Phi khi đó.

Khẳng định ý kiến cho rằng cuộc đấu tranh ở Nam Phi chịu ảnh hưởng từ nước ngoài là hoàn toàn không chính xác, ông Mandela lý giải bản thân đã hành động vì những trải nghiệm của mình ở Nam Phi và vì gốc rễ châu Phi vốn khiến ông cảm thấy rất tự hào. 

Nelson thẳng thắn thừa nhận đã lên "kế hoạch phá hoại", nhưng tuyên bố ông không làm điều đó với tinh thần liều lĩnh hay thích bạo lực. "Tôi đã lên kế hoạch đó như kết quả của quá trình đánh giá rất bình tĩnh và tỉnh táo về tình hình chính trị xuất phát từ nhiều năm dân tộc tôi bị người da trắng bạo ngược, bóc lột và áp bức".

Nhà cách mạng lập luận, tất cả các biện pháp bất bạo động đều đã được thử nhưng chỉ dẫn đến gia tăng các hạn chế và giảm bớt tự do cho người dân châu Phi. Đề cập đến vụ xả súng ở Sharpeville và một số hành động bạo lực khác của chính phủ nhằm vào người biểu tình, ông tuyên bố "chính phủ sử dụng vũ lực để hỗ trợ chế độ cai trị dạy cho tầng lớp bị áp bức dùng vũ lực để chống lại chính nó".

"Tôi đi đến kết luận rằng bạo lực ở đất nước này là không thể tránh khỏi, nên sẽ không thực tế nếu tiếp tục rao giảng hòa bình và bất bạo động. Kết luận này không dễ dàng đạt được. Chỉ khi tất cả những cách khác đã thất bại, khi tất cả các kênh phản đối ôn hòa đã bị cấm, chúng tôi mới quyết định dấn thân vào các hình thức đấu tranh chính trị bạo lực. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi cảm thấy có nghĩa vụ về mặt đạo đức để làm những gì tôi đã làm", ông lý giải. 

Nelson Mandela cho biết, sau khi tham dự Hội nghị của Phong trào Tự do liên Phi vào đầu năm 1962 ở Addis Ababa (Ethiopia), ông đã có chuyến đi thành công tới nhiều nước châu Phi. "Ở bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nhận được sự cảm thông cho chính nghĩa của chúng tôi cùng với những lời hứa giúp đỡ. Tất cả châu Phi đã đoàn kết chống lại vị thế của người Nam Phi da trắng. Ngay cả ở London (Anh), tôi cũng nhận được sự đồng cảm lớn của các nhà lãnh đạo chính trị, chẳng hạn như ông Gaitskell và ông Grimond".

Gaitskell, tên đầy đủ là Hugh Todd Naylor Gaitskell, là lãnh đạo Công đảng Anh từ năm 1955 đến khi ông qua đời năm 1963, còn Grimond, tên đầy đủ là Joseph Grimond, Lãnh đạo đảng Tự do Anh trong 11 năm từ 1956 đến 1967.

"Ngay từ đầu, tôi đã luôn coi mình là một người châu Phi yêu nước", ông Mandela khẳng định.

Trích đoạn bài phát biểu:

"Nam Phi là quốc gia giàu nhất châu Phi và có thể là một trong những quốc gia giàu nhất toàn cầu. Nhưng, nó là một vùng đất của những trái ngược quá rõ. Người da trắng được hưởng những gì có thể là mức sống cao nhất trên thế giới, trong khi người châu Phi chìm trong nghèo đói và khốn khổ. Nghèo đói đi đôi với suy dinh dưỡng và bệnh tật. Bệnh lao, bệnh pellagra và bệnh scorbut dẫn đến những cái chết và hủy hoại sức khỏe.

Tuy nhiên, lời phàn nàn của người châu Phi không chỉ là vì họ nghèo và người da trắng giàu, mà là luật do người da trắng tạo ra để duy trì tình trạng này. Có hai cách để thoát khỏi đói nghèo. Thứ nhất là bằng giáo dục chính quy, và thứ hai là do người lao động có được kỹ năng tốt hơn trong công việc của mình, từ đó hưởng mức lương cao hơn. Nhưng như nhiều người châu Phi quan ngại, cả hai con đường này đều bị luật pháp tước đoạt một cách chủ ý".

Theo Nelson Mandela, tình trạng "người châu Phi thiếu phẩm giá con người là kết quả trực tiếp từ chính sách người da trắng thượng đẳng" và chính sách này bao hàm vị trí thấp kém của người da đen, và người châu Phi phải làm những công việc như của đầy tớ.

Tiếp tục bài phát biểu, ông Mandela phản ánh mong muốn của người châu Phi được trả một mức lương đủ sống và muốn thực hiện những công việc có đủ khả năng làm, muốn được phép sở hữu đất ở nơi họ làm việc, và không bị buộc phải sống trong những ngôi nhà thuê mà họ "không bao giờ có thể gọi là của riêng mình".

"Người châu Phi muốn có một phần công bằng trong toàn bộ đất nước Nam Phi trọn vẹn; họ muốn an ninh và đóng góp vào xã hội", ông khẳng định. 

"Trên tất cả, chúng tôi muốn có các quyền chính trị bình đẳng, bởi vì nếu không có, chúng tôi sẽ mãi bất lực. Tôi biết điều này nghe có vẻ mang tính cách mạng đối với những người da trắng ở đất nước này, bởi vì đa số cử tri sẽ là người châu Phi. Chính điều đó khiến người da trắng sợ hãi nền dân chủ. Nhưng nỗi sợ hãi này không thể nào được phép cản trở giải pháp duy nhất mà sẽ đảm bảo sự hòa hợp chủng tộc và tự do cho tất cả mọi người".

{keywords}
Ông Nelson Mandela lĩnh án chung thân tại phiên tòa ở Pretoria

Mandela khẳng định đó là những gì mà ANC đang chiến đấu. "Cuộc đấu tranh của họ là một cuộc đấu tranh dân tộc thực sự. Đó là một cuộc đấu tranh của người dân châu Phi, được truyền cảm hứng từ nỗi đau của chính họ và kinh nghiệm của chính họ. Đó là một cuộc đấu tranh cho quyền được sống".

Khép lại bài phát biểu, ông nói lên ý nguyện của bản thân bằng những ngôn từ làm lay động lòng người:

"Suốt cả cuộc đời mình, tôi đã luôn cống hiến bản thân cho cuộc đấu tranh này của người châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da đen. Tôi đã ấp ủ lí tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó mọi người đều sống bên nhau trong hòa thuận và với những cơ hội bình đẳng. Đó là một lí tưởng tôi hy vọng có thể sống vì nó và đạt được nó. Nhưng, nếu cần, tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đó".

Nelson Mandela (18/7/1918 – 5/12/2013) là Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, là biểu tượng của cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và là một trong những nhân vật chính trị xuất chúng của thế kỷ 20.

Ông từng bị cầm tù 27 năm vì chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, cho tới khi được thả vào năm 1990. Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình này đã có 67 năm đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc.

Năm 2009, Liên Hợp Quốc lấy ngày sinh của ông - 18/7 - làm Ngày Quốc tế Nelson Mandela.

Thanh Hảo

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh – Bài diễn văn đỉnh cao của thuật hùng biện

Hẹn hò với định mệnh là bài diễn văn nổi tiếng của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập, tập trung vào những khía cạnh có thể làm đổi dòng lịch sử nước này.