Loại bom mới ký hiệu GBU-43M này có tên là Massive Ordnance Air Blast (MOAB) - “Bom nổ khối hạng nặng”. Tên tắt MOAB được các phóng viên Mỹ gọi lái đi là Mother Of All Bomb (mẹ của tất cả các loại bom).

Trong lần thử nghiệm đầu tiên, bom MOAB được ném từ may bay MC-130 (máy bay vận tải quân sự Hercules cải tiến) của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Bom đặt trong khoang tải, trên một xe chở đặc biệt, được máy bay thả xuống bằng dù. Sau đó, MOAB tách khỏi xe chở, cơ động một đoạn trong không trung và bay tới mục tiêu.

Theo số liệu của Lầu Năm góc, MOAB nặng 9.761 kg, có chiều dài 9,17 m, đường kính 102,9 cm, bán kính nổ phá là 137,61m, sóng xung kích được tạo ra trong không khí có thể san bằng tới 9 khu nhà trong thành phố. Bom có sải cánh không lớn, có thể cơ động về tầm. Phần đuôi lắp bốn cánh ổn định kiểu cụp xoè và các vòi phun giống như của tên lửa Tochka hay PBB-AE của Nga.

{keywords}
Bom MOAB. Ảnh: Wikipedia

Sự hiện hữu của khối này khẳng định rằng bom có hệ thống điều khiển sử dụng tín hiệu của hệ thống dẫn đường vệ tinh NAVSTAR. Khối lượng thuốc nổ nhồi trong bom là 8.172 kg, rõ ràng là khá lớn. Để so sánh: bom nổ-khối ODAB-500 của Nga có lượng nổ là 193 kg, trọng lượng bom là 520 kg.

Ngày 13/4/2017, lần đầu tiên một quả bom MOAB được sử dụng trên chiến trường, khi được thả vào một khu hang động phức hợp của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Sức công phá của quả bom làm ít nhất 90 phiến quân thiệt mạng, đồng thời phá hủy hệ thống hầm trú ẩn kiên cố, các đường ngầm và nhiều bãi mìn dày đặc, tạo điều kiện để quân đội Mỹ tục chiến dịch tấn công ở nam Nangarhar

Bom MOAB được nghiên cứu và phát triển theo một dự án công nghệ của không quân Mỹ, là hậu duệ của bom BLU-82/B Daisy cutter. Bom BLU-82/B chế tạo vào cuối thập niên 1960. 

BLU-82/B được thiết kế cho mục đích riêng: dùng để chuẩn bị các bãi cất-hạ cánh cho máy bay trực thăng. Tác dụng của loại bom nổ-khối này là ở chỗ sau khi nổ không tạo ra hố bom, mà cả một mảng rừng bán kính 80 mét sẽ biến mất. Ngoài ra, bom BLU-82/B nổ sẽ kích nổ mìn nên có thể sử dụng để phá mìn trên địa hình ở các hướng tiến công của bộ binh.

Trọng lượng của bom BLU-82/B là 6.810 kg, trọng lượng thuốc nổ (hỗn hợp nitrat amoni, bột nhôm và heli polistioron kết dính) là 5.715 kg. Lầu Năm góc đã mua 225 bom loại này với giá 27.000 USD một quả.

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc, Không quân Mỹ đã sử dụng 11 quả bom BLU-82/B, chủ yếu để dọn đường qua bãi mìn. Theo đánh giá của các chuyên gia Bộ Quốc phòng Mỹ, độ lệch xác suất là 30 m. Đối với đạn không điều khiển, có được kết quả cao như vậy là nhờ các máy móc dẫn đường và lấy đường ngắm rất hoàn hảo của máy bay MC-130.

Trong một số trường hợp, việc ngắm và thả bom được tiến hành nhờ các radar mặt đất. Các chuyên gia nhận xét rằng, sử dụng BLU-82/B gây ra hiệu ứng rất mạnh, làm cho quân đội Iraq mất tinh thần.

Không quân Mỹ cũng đã sử dụng BLU-82/B trong chiến dịch chống lực lượng Taliban ở Afghanistan. Giống như bom nổ khối của Liên Xô những năm 1980, nó dùng để diệt sinh lực đối phương trong các khe núi và hang động rất có hiệu quả, nơi mà tác dụng sát thương của đạn phá-sát thương không lớn do sóng xung kích và mảnh đạn bị chướng ngại vật địa hình che chắn.

Khác với MOAB, bom BLU-82/B có kết cấu đơn giản hơn: một ống thép hình trụ thành mỏng với đầu hình chóp. Trên đường bay được ổn định bằng dù và không có các mặt điều khiển khí động. BLU-82/B được kích nổ nhờ ngòi nổ tiếp xúc (cần dài 1,24 m phần mũi bom), nổ vào thời điểm khi bom đã đâm sâu xuống đất.

Ngòi nổ của MOAB tất nhiên hoàn thiện hơn: cửa sổ nhỏ ở phần mũi bom được lắp một xen-xơ không tiếp xúc có thể chụp ảnh. Theo đánh giá, BLU-82/B có thể tiêu diệt tất cả sinh lực lộ trên địa hình trong bán kính 100 m.

Môi trường sử dụng của bom nổ khối hạng năng bị hạn chế. Chẳng hạn, chỉ có thể sử dụng chúng đánh các mục tiêu không có hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa bảo vệ. Máy bay ném bom mặt trận không thể mang nổi loại bom như vậy nên phải dùng máy bay MC-130H - loại máy bay rất dễ bị bắn hạ bằng bất cứ loại vũ khí phòng không nào.

Thực ra, kết cấu của MOAB cho phép giả định rằng chúng được chế tạo phù hợp với kích thước khoang bom máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Vì vậy, tất cả các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đều phải tính đến sự hiện hữu trong kho máy bay ném bom chiến lược những loại bom hàng không có điều khiển, có khả năng được ném xuống từ độ cao lớn bằng máy bay tàng hình.

MOAB không phải là loại bom lớn nhất trong lịch sử. Trong chiến tranh Thế giới thứ hai, không quân Mỹ và Anh đã sử dụng bom 10,4 T để đánh quân Đức. Trong quá trình chiến tranh, Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm bom T-12 trọng lượng 18 T, dùng để phá huỷ các hầm bê tông của Đức, nhưng chưa kịp sử dụng.

Sau khi bom MOAB ra đời, Nga đã chế tạo và thử nghiệm quả bom có tên Cha của các loại bom ("Father of All Bombs") và công bố nó mạnh hơn gấp 4 lần bom MOAB.

>>> Đọc tin quân sự mới nhất trên VietNamNet

Nguyên Phong

Sức mạnh ‘Thiên nga trắng’ được Nga điều tới Belarus

Sức mạnh ‘Thiên nga trắng’ được Nga điều tới Belarus

Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã điều hai oanh tạc cơ Tu-160 tới Belarus, trong bối cảnh tình hình biên giới Belarus-Ba Lan khá bất ổn.

Giải mã chiến cơ Trung Quốc bị nghi được điều tới sát biên giới Ấn Độ

Giải mã chiến cơ Trung Quốc bị nghi được điều tới sát biên giới Ấn Độ

Truyền hình Trung Quốc hôm 11/11 đưa hình ảnh máy bay H-6K bay ở một vùng núi đầy tuyết. Tờ SCMP dẫn lời giới phân tích cho rằng, điều này ám chỉ H-6K đã được điều đến vùng núi Himalaya.