Theo trang tin ABC, động thái trên diễn ra cùng thời điểm Bộ Ngoại giao Ukraina cảnh báo người dân nước này không nên đến Nga, và kêu gọi các công dân Ukraina đang ở Nga nên rời đi. Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu rút bớt nhân viên ở các cơ quan ngoại giao của nước này tại Ukraina.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Ukraina, ban đầu chỉ được áp dụng ở các tỉnh Donetsk và Lugansk từ năm 2014, đã được mở rộng ra quy mô toàn quốc theo đề xuất của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tình trạng này cho phép giới chức Ukraina áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển, ngăn chặn biểu tình, thậm chí cấm hoạt động các đảng phái và tổ chức chính trị "vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng".

{keywords}
Binh sĩ Ukraina tham gia tập trận tại một địa điểm chưa được xác định hôm 22/2. Ảnh: Reuters

Tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Ukraina dự kiến sẽ kéo dài 30 ngày, và có thể được gia hạn tùy theo mức độ tình hình. Bên cạnh đó, chính quyền từng khu vực ở nước này còn có thể đưa ra quyết định về việc có nên áp dụng lệnh giới nghiêm và các biện pháp khác hay không.

"Tùy thuộc vào các mối đe dọa có thể xuất hiện ở một số vùng lãnh thổ nhất định, tình trạng khẩn cấp sẽ được tăng cường hoặc nới lỏng hơn”, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraina Oleksiy Danilov cho hay. "Chúng tôi đang nói về các khu vực có chung đường biên giới với Liên bang Nga và Belarus".

Bên cạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Quốc hội Ukraina cùng ngày đã biểu quyết thông qua dự luật cho phép người dân có thể tự trang bị súng và những đồ dùng tự vệ khác. "Việc thông qua dự luật này là hoàn toàn vì lợi ích của nhà nước và xã hội", các tác giả của dự luật cho biết, và nói thêm rằng đây là điều cần thiết do "các mối đe dọa và nguy hiểm hiện có đối với công dân Ukraina".

Ngoài ra, Kiev đã tiến hành một loạt động thái khác, bao gồm huy động các lực lượng dự bị, để chuẩn bị cho kịch bản một cuộc tấn công có thể xảy đến từ phía Nga. Dù vậy, ông Danilov khẳng định Chính phủ Ukraina vẫn chưa có ý định tiến hành tổng động viên.

Cũng trong ngày 23/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, công ty phụ trách lắp đặt và vận hành đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Các lệnh trừng phạt, nhắm vào công ty Nord Stream 2 AG và giới chức công ty, sẽ làm tăng thêm áp lực đối với dự án đường ống trị giá 11 tỷ USD, được thiết kế nhằm tăng gấp đôi công suất vận chuyển dòng khí đốt từ Nga sang Đức.

Hệ thống đường ống gây chia rẽ nhất châu Âu này hiện vẫn chưa thể hoạt động, do cần sự chứng nhận từ phía Đức và Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Chính phủ Đức đã tạm ngưng việc cấp chứng nhận đối với Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi Nga công nhận độc lập các vùng lãnh thổ ly khai phía đông Ukraina.

Mỹ và EU lo ngại rằng, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và bỏ qua việc chi trả phí vận chuyển qua Ukraina, nơi cũng lắp đặt một đường ống dẫn khí đốt khác của Nga.

>>> Cập nhật tình hình căng thẳng tại Ukraine hiện nay trên VietNamNet

Việt Anh

Ukraina sắp ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc

Ukraina sắp ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc

Quan chức an ninh hàng đầu Ukraina cho biết, hội đồng an ninh nước này quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và đang chờ được Quốc hội thông qua.

Ukraina tăng cường quân dự bị, khuyên công dân rời Nga

Ukraina tăng cường quân dự bị, khuyên công dân rời Nga

Ukraina đã bắt đầu huy động người trong độ tuổi từ 18 đến 60 tham gia các lực lượng dự bị, đồng thời yêu cầu công dân ngay lập tức rời khỏi Nga.