Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau 1 tuần cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, DN hưởng gói hỗ trợ do đại dịch Covid-19, mới tiếp nhận được 96 hồ sơ là quá chậm. Trong đó, có 2 hồ sơ chuyển đến cấp huyện, 31 hồ sơ chuyển BHXH, 63 hồ sơ thiếu thông tin.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Chủ nhiệm VPCP lưu ý: Đã 1 tuần mà hồ sơ vẫn ở huyện thì bao giờ đến tỉnh? Nếu như vậy biết bao giờ DN nhận được tiền? Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nói rõ việc này.

Bà Trần Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ LĐ-TB-XH giải thích, quy trình hướng dẫn chưa được chính thức do liên quan đến báo cáo tài chính DN.

“Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính về mẫu biểu tài chính rút gọn để cơ quan chức năng thẩm định, ấn định. Thời hạn trả lời chậm nhất trước 10h ngày 8/5 nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời”, bà Liễu cho hay.

Liên quan tới thời gian thẩm định, bà Liễu cho biết, đối với cấp huyện và cấp tỉnh mốc thời gian được giữ nguyên theo Quyết định 15 về hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Riêng thủ tục thẩm định, xác nhận của cơ quan bảo hiểm đã được rút gọn chỉ trong 1 ngày làm việc.

Bà Liễu cho biết: Vì chưa có hướng dẫn chính thức nên Bộ không được tham gia trực tiếp trong quá trình xử lý hồ sơ. Vì vậy Bộ không biết tắc nghẽn ở đâu và vì sao lại có chuyện này. Theo quy trình, khi hồ sơ về Cổng sẽ được chuyển về cấp huyện, cấp huyện thẩm định rồi chuyển lại về Cổng, sau đó chuyển về tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh ra quyết định phê duyệt danh sách người lao động và DN được hỗ trợ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề: “Cơ quan chủ trì nói vậy, nếu tôi là DN thì không biết hỏi ai? Phải làm thế nào để có biểu mẫu đơn giản hóa, giải quyết nhanh thủ tục. Cơ quan chủ trì lại bảo chưa có hướng dẫn thì làm sao DN, người dân lấy được tiền?”.

{keywords}
Bà Trần Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ LĐ-TB-XH

Bà Liễu tiếp tục giải thích: “Bộ đã thiết kế biểu mẫu tài chính rút gọn, Bộ không thể đơn phương đưa mẫu riêng. Đồng thời, đề nghị VPCP sớm có ý kiến với Bộ Tài chính để thống nhất mẫu biểu, từ đó Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp và báo cáo VPCP".

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, đúng là Bộ Tài chính có chậm trễ.

Hiện BHXH, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất quy trình, quy định để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia và hồ sơ đang nằm trên Cổng.

Một số trường hợp do kê khai của DN chưa chuẩn nên đề nghị DN bổ sung, những hồ sơ đạt yêu cầu thì đã chuyển về huyện và qua Cổng dịch vụ công quốc gia đều theo dõi được.

Xin 1 mã vạch chờ gần 1 tháng

Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc công ty MBI chia sẻ trải nghiệm của mình: “Tôi thấy có rất nhiều dịch vụ cần lại không có. Ví dụ, tôi đăng ký dịch vụ xuất khẩu mã vạch nhưng không làm được. Trong lúc dịch Covid-19, chỉ xin 1 cái mã vạch tôi mất 2 lần chuyển tiền và chuyển phí, sau đó 1 lần phí đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch. Thời gian chờ mất gần 1 tháng”.

Cũng theo ông Quang, một số thủ tục vẫn phải làm bằng giấy, mất rất nhiều thời gian.

{keywords}
Ông Phan Vinh Quang: Trong lúc dịch Covid-19, chỉ xin 1 cái mã vạch tôi mất 2 lần chuyển tiền và chuyển phí

Ông Vinh cũng gặp khó khăn với thủ tục xin giấy lý lịch tư pháp trên cổng thông tin của Bộ Tư pháp.

“Tôi lên trực tiếp Sở Tư pháp Hà Nội để được hướng dẫn, làm xong chờ nửa tháng sau hồ sơ trả lại và nói rằng cần thêm xác thực chữ ký. Sau đó tôi phải nhờ dịch vụ chứ làm chắc khó, chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí chính thức”, ông kể.

Ngoài ra, khi làm thủ tục lắp điện mặt trời, ông làm theo quy định nhưng đến thủ tục đấu điện, xin lắp công tơ hai chiều thì nhân viên điện lực yêu cầu phải có chứng nhận invertor đạt chuẩn.

“Cái này khi nhập về Việt Nam có tất cả chứng chỉ, chứng nhận xuất xứ nhưng tôi vẫn phải làm dịch vụ đó, mất thêm 2,5 triệu, thôi thì qua sông thì phải lụy đò, tôi cũng vẫn phải làm”, ông Quang than.

Theo ông, cực chẳng đã DN mới phải xin hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu Chính phủ hỗ trợ thì DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tập trung vào kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng và công ăn việc làm.

“Thủ tướng đã nhắc đến virus trì trệ, thông qua Cổng dịch vụ công này, chúng tôi sẵn sàng chỉ ra ở đâu, chỗ nào có những con virus trì trệ. Nếu chúng tôi có những kênh như vậy thì các anh sẽ phát hiện ra ngay con virus này. Đây chính là cách Chính phủ tận dụng chất xám của cộng đồng DN, người dân”, ông Vinh hiến kế về 1 cuộc thi hay phong trào tìm kiếm "virus trì trệ".

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn “Chính phủ là bà đỡ cho DN và người dân”. Tuy nhiên theo bà có những điều hiện nay muốn làm nhưng rất khó.

“Bộ trưởng nói chúng ta chỉ cần 1 chữ ký số nhưng thực tế chưa phải như thế. DN phải dùng 1 chữ ký để nộp thuế, 1 chữ ký để nộp BHXH, 1 chữ ký để làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở 2 nơi trở lên buộc phải tự quyết toán. Muốn quyết toán thuế nộp trực tiếp trên mạng phải có chữ ký mà người ta mua chữ ký số 2,5 triệu cho 1 lần quyết toán thì rất đắt”, bà Cúc dẫn chứng.

Thu Hằng

Phát hiện trục lợi, khai gian gói hỗ trợ Covid-19 nhờ Cổng dịch vụ công quốc gia

Phát hiện trục lợi, khai gian gói hỗ trợ Covid-19 nhờ Cổng dịch vụ công quốc gia

VPCP sáng nay tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho DN.