Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã nắm bắt đúng thời điểm, thông tin rộng rãi tới cộng đồng DN trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng.

Kênh hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục

Theo ông, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, DN và Cổng dịch vụ công quốc gia là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính.

Đây cũng là kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương. Người dân, DN hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, VPCP cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương vào tháng 12/2019, đến nay trên Cổng đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 232 dịch vụ cho DN.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ.

“Qua tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, các DN có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Cổng còn tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các DN, đồng thời, VPCP cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

Tính đến ngày 18/5, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có 37 triệu lượt truy cập; trên 142 nghìn tài khoản đăng ký, trong đó có 1.149 tài khoản của DN.

Từ ngày 12/5, Cổng cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

"Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vừa qua Cổng đã phát hiện ra việc này”, ông Dũng dẫn chứng.

Đến nay có 96 hồ sơ DN đề nghị hỗ trợ, vì các địa phương mới chủ yếu chi trả cho người có công, người nghèo, còn với người lao động của các DN mới đang thực hiện thủ tục. Với số lượng DN tham gia như vậy là còn rất thấp và chậm. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, đối với những hồ sơ của DN mà trên Cổng hiện lên "báo động đỏ" thì phải xem xét lại cán bộ xử lý hồ sơ đó, thậm chí thay cán bộ.

DN hoạt động trên môi trường trực tuyến sẽ gặp ít xáo trộn hơn

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ phấn khởi trước thành công của Việt Nam trong kiềm chế dịch Covid-19. Theo ông, đây là thời điểm cần nêu bật bài học về sự cần thiết phải số hoá, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng.

Vì vậy, ông đề xuất đẩy mạnh quá trình số hoá: "Covid-19 giống như cuộc gọi thức tỉnh các nhà lãnh đạo DN để đẩy mạnh việc này. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì kinh doanh như thường lệ mà phải số hoá, DN hoạt động trên môi trường trực tuyến sẽ gặp ít xáo trộn hơn”.

{keywords}
 

Ông đề xuất Chính phủ đơn giản hoá các quy trình nghiệp vụ, vì “không cần biết ta cung cấp bao nhiêu dịch vụ, nhưng nếu không giảm chi phí, thời gian cũng không có nhiều ý nghĩa”. Đồng thời, Chính phủ phải đóng vai trò như bệ phóng cho quá trình số hoá của các DN để họ tiếp cận, sử dụng nhanh hơn.

Bà Vũ Thị Tuyến, phó Ban nghiên cứu phát triển thị trường, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT - VinaPhone cho biết, VNPT là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành Cổng và cũng là đơn vị trực tiếp hưởng lợi ở dịch vụ này.

Bà cho biết 3 bước đơn giản khi sử dụng dịch vụ: DN đăng ký cấp quyền chữ ký số, truy cập website dichvucong.gov.vn và khai báo thông tin khuyến mãi.

"Thời gian chúng tôi thao tác chỉ mất tối đa 15 phút. Hoạt động đăng ký cấp quyền chữ ký số cũng rất đơn giản - chỉ điền phiếu đăng ký, cung cấp bản sao giấy đăng ký kinh doanh, bản sao CMND người đại diện và chi phí cho cấp chữ ký số 1,8 triệu/năm (hiện có 12 nhà cung cấp)", bà Tuyến cho hay.

Việc này giúp DN hạn chế đi lại rất nhiều. Trước kia DN phải chuyển fax đến Sở Công thương các tỉnh, còn bây giờ chỉ khai báo điện tử và dùng chữ ký số, nộp hồ sơ duy nhất 1 lần với 63 Sở Công thương.

"Lợi ích thấy rõ nhất là chúng tôi tiết kiệm được thời gian, nguồn lực và công sức. Trong 1 năm chúng tôi thực hiện 300 chương trình khuyến mãi thì tiết kiệm được 200 triệu một đồng. Như vậy, DN trên toàn quốc sẽ tiết kiệm được hơn 1.500 tỷ/năm", bà Tiến thông tin.

Để thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng ứng dụng trên Cổng dịch vụ công, từ ngày 15/5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối Cổng dịch vụ công các cấp.

Đang đi tù vẫn được cấp tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa

Đang đi tù vẫn được cấp tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa

Một đối tượng gây rối trật tự công cộng ở Thanh Hóa đang chấp hành án nhưng vẫn có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ.

Thu Hằng