- Đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ chia sẻ điều xảy ra trong quan hệ Việt -Mỹ 20 năm qua mà chính ông là người trong cuộc cũng không dám ngờ tới.

Trao đổi với báo chí bên hành lang hội thảo "Việt Nam - Hoa Kỳ: Thêm 20 năm thành công nữa" tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng chia sẻ quan hệ hai nước có những điều mà chính ông là người trong cuộc cũng không ngờ tới.

'Một rừng khó khăn'

20 năm qua, có những mốc quan trọng nào trong quan hệ hai nước, thưa ông?

Mốc đầu tiên là năm 1991, khi Tổng thống George H. W. Bush cho phép các công ty Mỹ đặt văn phòng đại diện ở VN. Mốc thứ hai là khi Tổng thống Bill Clinton ngày 3/2/1994 quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận đối với VN. 

Mốc thứ ba quan trọng hơn là năm 1997 khi hai nước chính thức trao đổi đại sứ. Mốc tiếp theo là năm 2000, hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương. Tất nhiên sau đó còn nhiều mốc quan trọng khác trong quá trình hai nước phát triển quan hệ.

{keywords}

Để đạt được kết quả bình thường hóa quan hệ năm 1995, hai nước đã trải qua những khó khăn thử thách gì?

Đó là một rừng khó khăn. Đầu tiên là sau chiến tranh, VN thực hiện tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), trao trả tiền, tài sản mà người Mỹ để lại... 

Rồi hội chứng chiến tranh VN ở Mỹ. Họ yêu cầu VN giúp họ vượt qua... Tất cả những việc đó đều rất khó, chúng ta rất cố gắng. Nhưng chúng tôi đều nghĩ truyền thống của VN là hòa hiếu sau chiến tranh.

Vai trò MIA thúc đẩy quan hệ

Vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích sau chiến tranh (MIA) trở thành yếu tố thúc đẩy quan hệ hai nước như thế nào?

Khi Mỹ thi hành chính sách không thân thiện với VN, những năm 1980-1985, gia đình những người Mỹ mất tích đòi hỏi phải có sự tìm kiếm. 

Sau năm 1986, Mỹ thay đổi chính sách, nhưng những gia đình này biến vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích thành ưu tiên quốc gia, yêu cầu Chính phủ nước họ giải quyết xong, tìm hết tù binh, hài cốt, thông tin của những người mất tích thì mới bình thường hóa quan hệ. 

Việc đó đã mất 20 năm, từ 1975 đến 1995, và tiếp tục đến nay vẫn chưa thể hết được, nhưng yêu cầu này hiện đã giảm bớt đi.

Tại sao lại có sự giảm bớt đó, thưa ông?

Có thể thấy chúng ta đã làm hết sức mình. Có những lúc, trong căn phòng này đây (nhà khách Chính phủ - PV), họ sang đàm phán và nói rằng sẽ tự tìm thông tin để tìm kiếm người Mỹ mất tích, không yêu cầu phía VN cho biết địa chỉ trước mà chỉ cần cung cấp trực thăng. 

Họ lên máy bay rồi mới chỉ địa điểm, nhưng đến nơi không tìm thấy gì. Những việc như thế chứng minh cho họ thấy rằng thông tin của họ sai và VN vô cùng chân thành. Họ thừa nhận vấn đề đã được giải quyết.

Nhắc đến vấn đề MIA không thể không nhắc đến một vấn đề hậu chiến tranh khác đó là tiến trình giải quyết dioxin. Điều này diễn ra trong quan hệ giữa hai nước ra sao?

Tôi nghĩ đây là vấn đề rất khó khăn với Mỹ. Tôi nhớ khi ở Mỹ, những năm 1990 mà nói đến vấn đề này, họ không nghe, coi như không biết, hoặc trốn tránh. Chúng ta đấu tranh mãi Mỹ mới bắt đầu nghe và dần đi đến cung cấp tài chính cho VN. Đây là vấn đề khó ở phía Mỹ, nhưng là vấn đề chính đáng ở phía VN. 

Chúng ta có hàng vạn người chịu hậu quả của chất độc đó. Đến giờ, Mỹ đã cung cấp tài chính để giúp đỡ đã là một vấn đề khá lớn trong nội bộ của họ. Đây cũng là điểm họ đánh giá rất tích cực.

Bất ngờ 16 nghìn du học sinh VN

Là Đại sứ đầu tiên tại Mỹ, sau 20 năm, ông đánh giá thế nào về quan hệ hai nước?

Trong 20 năm qua, tôi là người trong cuộc mà cũng có những điều tôi không ngờ. Ví dụ việc Mỹ gỡ bỏ một phần cấm bán vũ khí cho VN.

Kim ngạch thương mại hai nước hiện nay là 30 tỷ USD, hồi tôi ở đó thời gian đầu chỉ khoảng 1 tỷ thôi. Hay việc có đến 15-16 nghìn học sinh VN đang học tại Mỹ. Nhưng quan trọng hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Có những điểm nào hai bên đã đặt ra, mong đợi, mà đến giờ vẫn chưa đạt được?

Có nhiều vấn đề nhưng tôi có thể nhắc đến hai việc. Thứ nhất là hội chứng chiến tranh VN. Phía Mỹ hàng năm vẫn đưa ra nghị quyết về dân chủ nhân quyền VN, đòi trừng phạt VN, đưa quan hệ với VN tụt xuống chứ không nâng lên tiếp. 

Ở VN cũng có hội chứng Mỹ, vẫn còn những người nghĩ rằng quan hệ với Mỹ chưa chắc đã tốt. Đây là những hội chứng mà tôi cho rằng cần vượt qua để hai nước tiến lại gần nhau hơn nữa, có lợi cho nhân dân cả hai nước.

Theo ông đâu là bài học rút ra sau 20 năm? Còn vấn đề gì trong quan hệ kinh tế giữa hai nước?

Có 3 bài học. Thứ nhất, hai nước đều có những lợi ích chiến lược của nhau. Có những lúc khác nhau về lợi ích chiến lược nên đấu tranh kịch liệt, nhưng đến giờ các lợi ích chiến lược đã thống nhất nên xích lại gần nhau.

Thứ hai là vượt qua hội chứng chiến tranh VN, thứ ba là vượt qua hội chứng Mỹ. Nếu ba việc này chúng ta làm tốt, quan hệ hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Như tôi vừa nói, 30 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương là một con số đáng mừng. Nhưng cũng có những điểm Mỹ cần làm tốt hơn, như cá basa, tôm. 

Phía Mỹ cứ hay nêu ra để đánh thuế nhưng không thấy rằng đó là lợi thế của người nông dân VN chứ không phải Chính phủ VN hỗ trợ doanh nghiệp. 

Như thế là người Mỹ chưa thông cảm với người VN, từ đó làm quan hệ hai nước chưa tốt lắm. Trong quan hệ kinh tế, tôi cho rằng những việc nhỏ nhỏ như thế phía Mỹ cũng nên nghĩ cho kỹ trước khi đưa ra các lệnh áp giá và trừng phạt.

Chung Hoàng (ghi)