Hôm nay, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải có cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 của QH.

Cử tri Nguyễn Văn Tuấn (phường Hạ Đình) phản ánh tình trạng nhiều sông hồ nước bị ô nhiễm nặng, bờ sông còn tập trung nhiều rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường.

{keywords}
Cử tri Nguyễn Văn Tuấn

Để giải quyết nguồn nước ô nhiễm ở sông Tô Lịch, ông Tuấn đề xuất về lâu dài cần ứng dụng công nghệ hiện đại để làm sông Tô Lịch trở lại xanh đẹp, để người dân đi dạo mát sớm chiều, có thể tổ chức bơi lội, du thuyền trên dòng sông.

Về vấn đề cung cấp nước sạch, cử tri đề nghị TP cần tìm ra biện pháp căn cơ, hữu hiệu, không để lặp lại tình trạng như nhà máy nước sạch sông Đà vừa qua.

“Đó là mới nhiễm dầu thải, chứ nhiễm thuốc độc thì thật sự nguy hại”, ông Tuấn nói.

Cử tri Tạ Hữu Kiện (phường Thanh Xuân Trung) đề nghị cơ quan chức năng công khai kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông. Ông cũng đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm trong nội thành.

Đề cập đến tiến độ chậm của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, cử tri Nguyễn Hồng Thuận (phường Thượng Đình) nói, lỡ hẹn đôi lần còn chấp nhận được, chứ lỡ hẹn 8 lần thì “ngán ngẩm quá". 

Ông đề nghị TP chỉ đạo quyết liệt, sớm đưa tuyến đường sắt này đi vào vận hành, giải quyết cho tuyến đường Nguyễn Trãi đang trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông.

Giải đáp các ý kiến của cử tri, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, những vấn đề tồn tại như cháy ở nhà máy Rạng Đông, chất lượng nước, thì trong quá trình phát triển không bao giờ hết. Vấn đề là thường xuyên chúng ta phát hiện ra những mặt trái, tồn tại đó để khắc phục, từng bước đi lên.

{keywords}
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải

Về việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi các quận nội thành, theo Bí thư Hà Nội, qua rà soát, hiện có 117 cơ sở sản xuất ở 12 quận không đáp ứng quy hoạch và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần di dời.

Ông cho rằng cần phải có giải pháp tổng thể hơn. Tuy nhiên đây là việc vô cùng khó khăn, khi đưa cơ sở ô nhiễm ra thì phải giải quyết nguồn vốn cho họ.

“Trước đây TP cũng đã có quy định các cơ sở khi di dời thì lấy lại làm công cộng hết, bố trí giao thông tĩnh, chỗ đỗ xe, công viên, hồ nước…

Nhưng vấn đề là ngân sách TP phải đủ để đáp ứng cho DN đó họ đi ra, họ lo cho công nhân. Đi ra thì đồng thời họ phải nâng cấp thiết bị máy móc lên. Nguồn vốn chúng ta để đáp ứng vấn đề này là hết sức khó khăn”, ông Hải nói.

Về tiến độ chậm trễ của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Hà Nội nói: “Chúng tôi xin nhận lỗi với cử tri là chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và nhu cầu phát triển của đô thị”.

Theo ông, nếu không giải quyết được hệ thống tuyến tàu điện ngầm và trên cao thì không cách gì giải quyết được giao thông của TP, kể cả chúng ta hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đưa phương tiện công cộng lên.

“Nhưng các dự án vừa ngầm và trên cao triển khai rất chậm, vướng mắc rất nhiều, trong đó quy phạm pháp luật vướng, bản thân TP vướng, bản thân chúng tôi có lỗi, vướng trong chế độ chính sách giải phóng mặt bằng…”, lãnh đạo Thành uỷ bày tỏ.

Hé lộ kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Hé lộ kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường vừa cho biết sơ bộ về kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Hương Quỳnh