Xung quanh ý kiến tại Hội thảo xây dựng dự án Luật an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an tổ chức hôm 14/3, trong đó có ý kiến đề cập đến việc quy định độ tuổi được cấp GPLX hiện chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy GPLX để đi xe 50-175cc (hạng A01). 

{keywords}
Hiện nay đối tượng dưới 18 tuổi là học sinh đi xe máy dưới 50cc khá phổ biến. Do vậy cần quy định đào tạo cấp bằng lái cho đối tượng dưới 18 tuổi để tham gia giao thông an toàn (Ảnh: KTĐT)

Tuy nhiên thực tế, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông đầy đủ vì chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50cc. Sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. 

Do vậy, cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A01.

Đồng quan điểm của ông Hiểu, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc cấp GPLX thấp hơn so với độ tuổi hiện nay (18 tuổi) là cần thiết, bởi thực tiễn cho thấy học sinh 15 -16 tuổi sử dụng xe máy, xe điện khá phổ biến. Do vậy nếu cơ quan chức năng không cấp bằng lái thì học sinh vẫn điều khiển phương tiện trên đường.

“Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý cấp các loại giấy phép lái xe cần quy định phù hợp với thực tiễn để đảm bảo cho người tham gia giao thông an toàn. Trong đó cần phải quy định rõ, loại GPLX cho phép điều khiển đến công suất bao nhiêu, chương trình học thế nào… các cơ quan chức năng nên nghiên cứu trước khi ban hành”, ông Quyền nói.

Đồng tình với quan điểm nên trẻ hoá cấp bằng lái, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam lưu ý cần phải tính toán quy định đối với từng loại bằng lái cho phù hợp, xe điện hoặc xe gắn máy dưới 50CC có thể cấp cho các đối tượng học sinh, nhưng với xe phân khối lớn thì cần rất thận trọng.

"Không ai khuyến khích học sinh đi xe phân khối lớn, do vậy khi trẻ hoá cấp bằng lái cần phải giám sát chặt, xử lý nghiêm học sinh đi xe phân khối lớn quá quy định, bởi nếu không sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường”, ông Thanh lưu ý.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước đây khi chưa có chủ trương tách luật, trong Dự thảo sửa đổi Luật giao thông Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo đã đề xuất cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện, xe dưới 50cc cho đối tượng học sinh từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo do Bộ Công an xây dựng nên các ý kiến sẽ được Bộ Công an tiếp thu, xây dựng.

 

Tách Luật Giao thông đường bộ nhìn từ chức năng các cơ quan quản lý chuyên ngành

Tách Luật Giao thông đường bộ nhìn từ chức năng các cơ quan quản lý chuyên ngành

Luật Giao thông đường bộ đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng tách làm 2 luật mới là Luật Đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (hay Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ).

Vũ Điệp