Xe khách "nóng" các tuyến ngắn

Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh có xe chuyên chạy tuyến Hà Nội – Vinh, Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này vé cao điểm Tết Nguyên đán đã được đơn vị bán hết cả trước và sau Tết.

Do lượng khách đi lại đông nên đơn vị đã lập kế hoạch tăng cường thêm xe. Cụ thể, mỗi ngày đơn vị sẽ bố trí khoảng 30 xe chạy để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách.

Ông Văn cũng cho biết, dù là cao điểm Tết nhưng đơn vị vẫn không tăng giá vé. Mức giá 250.000 đồng/ người/ lượt vẫn được công ty duy trì từ nhiều năm nay, ngày lễ cũng như ngày thường. 

{keywords}
Cao điểm Tết lượng người đi xe khách tập trung chủ yếu ở các tuyến ngắn

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài nên việc phục vụ hành khách đi lại đối với bến xe sẽ “không đáng ngại”. 

Lượng khách đi lại sẽ được chia đều trong 10 ngày, đợt nghỉ ông Công ông Táo 23/12 âm lịch (5/2 dương lịch) đa số là sinh viên về quê, sau đó đến 25-26/12 lao động tự do về trước và 27-28/12 công nhân viên chức về. Việc về dàn trải sẽ không gây nên tình trạng quá tải, thiếu xe.

Ông Thành cũng thông tin, cao điểm Tết nhu cầu đi lại chỉ “nóng” các tuyến ngắn như Hà Nội -Thanh Hoá/Nghệ An/Hà Tĩnh/ Ninh Bình, Quảng Bình… còn các tuyến dài đi TP.HCM/Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên rất ít khách do đa số lựa chọn đi máy bay. 

Giá vé tăng không quá 60%

Trong khi đó, tại TP.HCM, ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông dự báo những ngày cao điểm từ 24 đến 29/12 âm lịch (ngày 5 đến 10/2/2021), khách qua bến đạt 45.000-49.000 khách, thấp hơn 2.000-3.000 người mỗi ngày so với Tết năm ngoái. 

Dù lượng khách giảm nhưng dự báo giá vé dịp Tết sẽ tăng 40-60% so với ngày thường tùy chặng và thời điểm. Khách đi càng cận Tết, giá vé càng cao. 

{keywords}
Các nhà xe không được tăng giá vé quá cao dịp Tết

Lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết từ ngày 12/1 họ đã bán vé cho khách nhưng sức mua còn thấp. Hiện lượng khách đổ về bến mua vé không đông như mọi năm. Nguyên nhân có thể do chưa đến cao điểm hay các nhà xe bán qua kênh trực tuyến.

Bến xe cũng khuyến cáo khách mua vé bên ngoài cần tìm hiểu giá, nhà xe và thông tin chuyến đi. Bến xe yêu cầu các nhà xe bán đúng giá niêm yết, phụ thu không vượt 60% giá vé.  Trường hợp phát hiện nhà xe thực hiện tăng giá vé sai quy định sẽ xử lý nghiêm.

Tương tự, tại bến xe Miền Tây (TP.HCM), năm nay dự báo lượng khách cũng giảm 10-15% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vé dự kiến tăng tối đa 40% trong 5 ngày cao điểm, từ 8/2/2021 đến 13/2/2021 (tức 27/12 đến 2/1 âm lịch). 

Để đảm bảo công tác phục vụ hành khách đi lại, hai bến xe lớn nhất TP.HCM đã lên phương án điều động ô tô từ chặng ít khách qua chặng nhiều để phục vụ khách. 

Vẫn còn hơn 70.000 vé tàu

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong 10 ngày cao điểm Tết, Tổng công ty phát hành 200.000 vé để phục vụ khách đi lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có khoảng 70.000 vé chưa bán hết.

Giá vé tàu Tết cũng được Tổng công ty chia làm nhiều phân khúc, trong đó cao nhất là hơn 2,6 triệu đồng/vé/ người; thấp nhất là 330 ngàn đồng/ người/ vé ghế ngồi cứng.

{keywords}
Vé tàu Tết vẫn còn nhiều

Tổng công ty Đường sắt cũng đưa ra nhiều chính sách giảm giá vé với hành khách đi tàu. Ngoài miễn phí hoàn toàn cho trẻ em dưới 6 tuổi, đơn vị cũng giảm 50% giá vé cho trẻ em từ 6-10 tuổi. Sinh viên và công nhân khu công nghiệp chế xuất cũng được giảm từ 5-10%. Ngoài ra, nếu hành khách mua vé khứ hồi cũng được giảm 10%.

Ngoài 10 đôi từ chạy cao điểm Tết, trước Tết từ 18/12 đến 29/12 và sau Tết từ 2-12/2, Tổng công ty cũng bố trí thêm nhiều tàu khu đoạn như: Sài Gòn - Vinh/ Đồng Hới/Quy Nhơn/ Nha Trang/ Phan Thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Tránh mua vé máy bay Tết quá cao, nhiều khách chọn bay “lệch” cao điểm

Tránh mua vé máy bay Tết quá cao, nhiều khách chọn bay “lệch” cao điểm

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, để giảm chi tiêu, nhiều hành khách đành phải lựa chọn phương án bay “lệch cao điểm” để bớt áp lực giá vé máy bay tăng cao dịp Tết.

Gia Văn – Như Sỹ