Sau khi các địa phương trên toàn quốc được nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để “thích ứng an toàn” với dịch Covid-19, nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng trở lại. Kéo theo đó, các dịch vụ vận tải hoạt động sôi động trở lại.

Với sản lượng xi măng lớn nhất cả nước, lượng vật liệu xây dựng từ Hà Nam tỏa đi các tỉnh khiến địa bàn này trở thành “điểm nóng” về hoạt động xe quá tải. Bất chấp các quy định hiện hành, nhiều doanh nghiệp vận tải tìm cách nâng tải trọng cho xe bằng cách cơi nới thành thùng.

{keywords}
Những chuyến xe có dấu hiệu quá tải xuất hiện tại khu vực nhà máy xi măng VICEM Bút Sơn, huyện Kim Bảng

Theo ghi nhận của phóng viên vào đầu tháng 12/2021, tình trạng trên xuất hiện khá phổ biến tại tuyến QL 1A, đường 21 và các tuyến đường tỉnh, đường tránh của Hà Nam, nhất là dọc QL 1A bắt đầu từ huyện Thanh Liêm kéo dài gần 17km tới TP Phủ Lý. 

Bằng mắt thường không khó để nhận thấy các dấu hiệu xe quá tải, quá trình vận chuyển các thùng hàng không được che chắn khiến vật liệu rơi vãi, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Là các huyện có nhà máy xi măng quy mô lớn hoạt động (nhà máy xi măng Xuân Thành, nhà máy xi măng VICEM Bút Sơn) mỗi ngày tuyến QL 1A đoạn qua huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có hàng nghìn chuyến xe chở vật liệu xây dựng đi qua.

Các phương tiện chủ yếu là xe tải nhiều trục. Thành thùng của các xe tải này bằng mắt thường không khó để nhận thấy có dấu hiệu được cơi nới, che chắn tạm bợ.

{keywords}
Xe chở vật liệu không được che chắn tại khu vực nhà máy xi măng Xuân Thành, huyện Thanh Liêm

Sau nhiều ngày ghi nhận, PV nhận thấy xe quá tải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải, quá khổ thấy lực lượng chức năng sẽ tìm cách báo tin cho nhau, để dừng xe hoặc đi vào các đường tránh. 

Trước thực trạng trên, lực lượng CSGT thuộc Công an tỉnh Hà Nam lập nhiều chốt chặn để kiểm tra, xử lý vi phạm. Các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên các tuyến giao thông thuộc tỉnh Hà Nam.

{keywords}
Nhiều xe chở vật liệu không che chắn, có dấu hiệu quá tải trên QL 21

Đơn cử, vào chiều 13/12, tại chốt kiểm soát trên QL 1A (đoạn tránh TP Phủ Lý), CSGT Công an tỉnh Hà Nam ra hiệu dừng xe ô tô mang BKS 90C-90.XXX. Quá trình thực hiện công tác nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định chủ xe vi phạm lỗi chở quá trọng tải 100% và tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe. Với lỗi vi phạm trên, đơn vị chức năng ra quyết định xử phạt hành chính với mức tiền hơn 54 triệu đồng. 

Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, tính từ ngày 1/12 đến nay, lực lượng CSGT phát hiện, xử lý 125 trường hợp xe quá khổ quá tải. Đặc biệt từ ngày 1/12 đến nay đã phát hiện, xử lý 125 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 400 triệu đồng.

Trong năm nay, thực hiện chuyên đề xử lý ô tô chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam phát hiện hơn 1.500 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 4 tỷ đồng. 

{keywords}
Hình ảnh xe quá tải hoạt động về đêm đoạn giáp ranh qua Hà Nam sang huyện Thường Tín (Hà Nội)
và hình ảnh xe quá tải hoạt động trên tuyến QL 1A (ảnh phải)

Không chỉ lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam, Cục CSGT Bộ Công an cũng vào cuộc xử lý nhiều trường hợp xe quá tải đi từ hướng Hà Nam vào Hà Nội.

Theo đó, cùng ngày 13/12, tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, lực lượng thuộc Cục CSGT, Bộ Công an ra hiệu dừng xe tải BKS 90C-10.XXX kéo theo rơ móc BKS 90R-00.XXX do lái xe thuộc doanh nghiệp có trụ sở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt lái xe 900 nghìn đồng, chủ xe bị phạt 6 triệu đồng, tước phù hiệu xe đầu kéo hai tháng với lỗi vi phạm chở quá trọng tải hơn 29%.

{keywords}
Chiếc xe kéo theo rơ moóc 90R-00XXX trước khi bị Cục CSGT xử lý

Tiếp đó, lực lượng thuộc Cục CSGT dừng xe của anh Phạm Văn P. điều khiển xe tải mang BKS 90C-093XX kéo theo rơ moóc 90R- 004.XX. Lái xe thuộc sở hữu Công ty TNHH Xuân Trường (Huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xử phạt lái xe 600 nghìn đồng và chủ xe 6 triệu đồng và tước phù hiệu xe đầu kéo 2 tháng với lỗi chở quá trọng tải 13%. 

Đáng chú ý, tình trạng xe quá tải tại tỉnh Hà Nam diễn ra đúng thời điểm cuối tháng 11/2021, Bộ GTVT ra văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022. 

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT, công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

{keywords}
CSGT tỉnh Hà Nam vào cuộc xử lý cả trăm trường hợp vi phạm về tải trọng trong tháng 12/2021

Gắn trách nhiệm chủ tịch tỉnh khi để xảy ra vi phạm

Liên quan đến việc quản lý, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, năm 2016, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 32. Sau 5 năm ban hành, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây ban hành kế hoạch về việc tổng kết 5 năm thực hiện.

Kế hoạch yêu cầu các bộ ngành liên quan và địa phương đánh giá toàn diện tình hình, xác định rõ tồn tại, bất cập. Việc báo cáo phải đi vào thực chất, hiệu quả và tránh hình thức. 

Đồng thời kế hoạch cũng yêu cầu gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn. 

Đoàn Bổng

Gặp thanh tra giao thông, lái xe chốt cửa ngủ trong cabin để chống đối

Gặp thanh tra giao thông, lái xe chốt cửa ngủ trong cabin để chống đối

Lái xe chở quá tải đã lên cabin ngủ từ 2h đến 7h sáng khi Thanh tra giao thông (TTGT) Hải Dương yêu cầu kiểm tra tải trọng.