Tính từ thời điểm được tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tư vấn về việc phải ra đời một phần mềm quản lý công nhân để hỗ trợ công tác truy vết dịch Covid-19, Sở TT&TT Bắc Giang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ và gấp rút hoàn thành trong vỏn vẹn 2 ngày. Phần mền bắt đầu vận hành từ ngày 14/6.
"Anh em đều "trực chiến" tại Sở để gấp rút hoàn thiện phần mềm dưới sự tư vấn của Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế", Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Nguyễn Gia Phong chia sẻ với VietNamNet về phần mềm hữu ích về quản lý công nhân.
Ông Nguyễn Gia Phong (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm cán bộ thực hiện phần mềm |
Theo ông Phong, trước thực tế tình hình dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp với hàng nghìn ca mắc trong công nhân khiến việc truy vết gặp khó khăn. Khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động trong điều kiện mới đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về công nhân, từ đó việc truy vết nếu có trường hợp F0 chỉ tính bằng giây.
Cụ thể, phần mềm trên yêu cầu các doanh nghiệp tại khu công nghiệp và cụm công nghiệp cung cấp các trường thông tin bao gồm: Mã số công nhân, họ và tên, ngày sinh, số căn cước công nhân, địa chỉ, tên công ty, bộ phận/phân xưởng, tổ/nhóm làm việc và trường thông tin về việc tiêm phòng vắc xin.
Khi có các thông tin nêu trên, Sở TT&TT tổ chức nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm quản lý. Phần mềm này cho phép chính quyền quản lý công nhân bài bản và khoa học khi có thể nhận định, khoanh vùng một nhóm công nhân trong một doanh nghiệp cụ thể.
"Trường hợp một công nhân A mắc Covid-19 tại một công ty, chúng tôi chỉ cần nhập tên hoặc mã công nhân thì phần mềm sẽ hiển thị danh sách những người làm cùng phân xưởng; bộ phận có liên quan đến ca bệnh trên. Quá trình này rất nhanh, chỉ tính bằng giây", ông Nguyễn Gia Phong dẫn chứng.
Theo ông Phong, việc đi vào vận hành phần mềm trên giúp ích cho doanh nghiệp trong việc cập nhật người lao động, thông tin biến động về người ở cùng công nhân, thông tin về phương tiện di chuyển. Chính quyền sẽ chủ động trong việc nắm bắt về tình hình lao động trên địa bàn và truy vết Covid-19 nhanh chóng khi có ca F0.
Giao diện phần mềm quản lý và truy vết Covid-19 cho các doanh nghiệp tại Bắc Giang |
Ngay sau khi hoàn thiện phần mềm, từ ngày 3/6 đến nay, Sở TT&TT được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thí điểm tại một số doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện phần mềm.
"Chúng tôi liên hệ với đầu mối của UBND các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để lựa chọn các doanh nghiệp triển khai ứng dụng thí điểm. Có 5 doanh nghiệp với hơn 7.000 công nhân đã được cập nhật lên hệ thống", ông Phong thông tin kết quả bước đầu.
Quy trình cập nhật thông tin sẽ được Sở TT&TT gửi biểu mẫu bằng tệp excel, sau khi các doanh nghiệp cập nhật vào và gửi về, Sở sẽ thực hiện thao tác cập nhật lên hệ thống. Quá trình này bước đầu sẽ tốn thời gian vì các thông tin về chỗ ở, phương tiện và bộ phận/phân xưởng là yêu cầu mới. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho VietNamNet biết, việc xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý công nhân được tỉnh ưu tiên khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt trong điều kiện mới, phần mềm đảm bảo an toàn cho công nhân và doanh nghiệp khi sản xuất trở lại.
"Tỉnh đã có văn bản cho phép Sở TT&TT làm đầu mối chính thức triển khai phần mềm trên diện rộng từ hôm nay. Việc triển khai áp dụng phần mềm là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn khi sản xuất", ông Mai Sơn khẳng định.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Bắc Giang đặt mục tiêu từ nay đến ngày 20/6 sẽ thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu của người lao động trong công ty theo biểu mẫu được cung cấp.
Đoàn Bổng
Mô hình "kiểu mẫu" thích ứng với đại dịch của Bắc Giang vận hành ra sao?
6h30 sáng, chị Nguyễn Thị Quế (công nhân công ty Fuhong, KCN Đình Trám) rời khỏi ký túc xá của công ty rồi đến phân xưởng làm việc sau khi trải qua các bước đo thân nhiệt, sát khuẩn tay...