Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và sức dân

{keywords}
 Tiếp nhận hồ sơ BHXH, BHYT

Từ năm 2016, công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành BHXH Việt Nam ngày càng thuận tiện, các thủ tục hành chính (TTHC) về BHXH, BHYT đã giảm đáng kể so với trước kia. Cụ thể: Đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 32 thủ tục (năm 2016) và còn 27 thủ tục (năm 2019).

Nhiều TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết như: Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn không quá 5 ngày; cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Đặc biệt, việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi trả thì số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm.

Cùng với đó, BHXH các địa phương cũng công khai danh mục các TTHC mới trên Cổng Thông tin điện tử; cập nhật lên CSDL Quốc gia về TTHC, đảm bảo giúp cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi giải quyết công việc. Cùng với đó, vận hành hiệu quả Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, huyện...

Những kết quả cải cách TTHC trên không những được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao, mà còn giúp BHXH Việt Nam liên tục xếp thứ hạng cao trong khối các bộ, ngành có dịch vụ công.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng chất lượng dịch vụ

Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ngành BHXH Việt Nam còn chú trọng ứng dụng CNTT trong các mặt nghiệp vụ như: Hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH; hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN với cơ quan BHXH; hệ thống giao dịch BHXH điện tử cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot) trong trả lời, giải đáp các câu hỏi của người dân, DN về chế độ, chính sách BHXH; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc số hóa văn bản, tài liệu trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; kịp thời cập nhật, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số. BHXH Việt Nam đã và đang cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và liên tiếp 3 năm (2017, 2018, 2019) giữ vững vị trí đứng đầu trong Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ…

Chia sẻ về triển khai dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết: Từ năm 2015, toàn hệ thống BHXH đã triển khai những dịch vụ công của Ngành để cung cấp cho người dân và DN. Đầu tiên là CCHC, sau đó triển khai dịch vụ công trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam. Vừa qua, Ngành đã quyết liệt triển khai và cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 10 dịch vụ công theo Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ- hoàn thành đúng tiến độ, đúng thời hạn và rất thành công; 3 dịch vụ công triển khai trong đợt dịch COVID-19 bùng phát để hỗ trợ người dân, DN hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước (triển khai trong thời gian rất ngắn, khoảng 2 tuần) và phải phối hợp với nhiều bộ ngành cùng Văn phòng Chính phủ. Còn lại 2 dịch công mới nhất là dịch vụ công thứ 998 (đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN) và dịch vụ công thứ 999 (liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động) phải liên kết giữa BHXH Việt Nam, NLĐ và đã thực hiện thành công.

Theo đánh giá, việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã đem lại nhiều lợi ích. Đơn cử như chỉ cần một lần kê khai nhưng người dân có thể thực hiện được dịch vụ ở nhiều cơ quan cung cấp khác nhau- đây là xu hướng văn minh, liên quan đến nhiều bộ ngành nên thay vì phải đi nhiều cơ quan thì chỉ cần đến một địa điểm và chỉ cần một lần đến. Những dịch vụ này được giám sát, theo dõi bởi Văn phòng Chính phủ và tất cả những ý kiến đều phải được phản hồi, trả lời công khai.

“Thời gian qua, chúng tôi đã trả lời 179 câu hỏi của người dân, chúng tôi phải trả lời trực tiếp, đúng thời hạn và đúng quy định. Chúng ta muốn làm sao để mọi thứ tốt hơn và công khai, minh bạch thì đương nhiên phải làm tốt”- ông Phương khẳng định.

Thúy Ngà