Tiêm 100 ngàn liều mỗi ngày
Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa có thông báo kết luận các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó, Bình Dương sẽ đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân trong thời gian tới.
Người dân Bình Dương tiêm vắc xin Covid-19 |
Đến hết ngày 3/8, ngành y tế đã tiêm được cho gần 83 ngàn người, trong đó 75 ngàn người tiêm mũi 1, hơn 7 ngàn người tiêm mũi 2. Theo kế hoạch, từ ngày 2 đến 10/8, ngành sẽ tổ chức tiêm đợt 9 và 10 cho các đối tượng đã lập danh sách. Số vắc xin dự kiến tiêm trong 2 đợt này là 140 ngàn liều.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung tiêm vắc xin ở những vùng đỏ trong vòng một tuần, sau đó đến các ngõ, hẻm. Bộ Y tế cũng đang điều động nhân lực hỗ trợ tỉnh để đạt hiệu quả tiêm tốt nhất.
Đồng thời, Bộ vừa cấp thêm cho Bình Dương 80 ngàn liều vắc xin các loại Moderna, AstraZeneca và sẽ tiếp tục phân bổ khi tiếp nhận thêm vắc xin. Như vậy, đến nay tỉnh đã được phân bổ hơn 568 ngàn liều.
Cùng với đó, UBND tỉnh gửi văn bản xin Bộ Y tế đồng ý cho Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh tham gia “Chương trình tiêm thí điểm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3” với số lượng khoảng 200 ngàn người.
Từ những điều kiện sẵn có, Bình Dương đang tăng tốc triển khai tiêm hết vắc xin trên diện rộng, không giới hạn số lượng với chỉ tiêu đạt tối thiểu tiêm 100 ngàn liều/ngày).
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai tiêm lưu động tại các đơn vị sản xuất trong tỉnh, bảo đảm trên 90% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.
Hỗ trợ tiền cho công nhân, người lao động
Để đảm bảo đời sống cho người bị ảnh hưởng dịch bệnh, Liên đoàn lao động tỉnh khẳng định những công nhân ở lại ngoài việc được tiêm vắc xin sẽ được hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm, không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Tỉnh đã thống nhất các chính sách đối với toàn bộ công nhân, người lao động không về quê. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, ngành chức năng sẽ hỗ trợ cho khoảng 21 ngàn người, hiện đã chi số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Liên đoàn lao động tỉnh đã chi hỗ trợ cho gần 4.500 trường hợp với tổng số tiền gần 5,6 tỷ đồng, các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 83 đơn vị tuyến đầu phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng. Tổng chi hỗ trợ gần 8,2 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn ngân sách công đoàn hơn 6,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ cho công nhân đang ở trọ bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Người lao động ở lại Bình Dương sẽ được hỗ trợ tiền, lương thực thực phẩm thiết yếu |
Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ số tiền 500 ngàn đồng/người, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và tiền mặt. Số tiền ngành chức năng dự định chi cho đối tượng ở trọ khoảng 260 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, xem xét giảm tiền điện, nước cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Vận động các chủ nhà trọ, người cho thuê nhà miễn giảm tiền.
Bình Dương hiện là một trong những địa phương tập trung nhiều công nhân, người lao động tạm trú với số lượng khoảng hơn 1,2 triệu người (chiếm một nửa dân số toàn tỉnh).
Trong đợt dịch này, nhiều công ty, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch nên số lượng công nhân, người lao động bị mất việc làm khá lớn. Hiện các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng này.
Tiêm vắc xin cho công nhân ở TP.HCM bằng xe lưu động
Xe tiêm vắc xin lưu động dừng lại tại số 48 đường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP Thủ Đức. Tại đây, hàng trăm công nhân đã xếp hàng đợi sẵn để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Xuân An