Cấp giấy đi đường mã QR Code rất dễ dàng

Sáng 9/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thông tin về việc thực hiện 3 phần mềm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Liên quan đến việc những ngày vừa qua, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường tại TP Hà Nội, Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó C06 cho biết đơn vị sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội khi có yêu cầu. 

Theo ông Dũng, việc cấp giấy đi đường bằng mã QR Code đã được TP Đà Nẵng áp dụng và phát huy hiệu quả. Mới đây, Công an TP Hà Nội có buổi làm việc với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để bàn giải pháp về cấp giấy đi đường mới. 

"Khi TP Hà Nội có yêu cầu thì chúng tôi triển khai ngay, việc dùng mã QR Code thay cho giấy đi đường hiện nay thực hiện rất dễ dàng vì những thông tin người dân ở trên giấy đi đường hiện tại đã có sẵn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi TP Hà Nội cung cấp danh sách những người đủ điều kiện, C06 sẽ thực hiện và đáp ứng nhanh chóng", Thượng tá Tô Anh Dũng thông tin. 

{keywords}
Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó Cục C06 chủ trì buổi thông tin báo chí sáng 9/9

Thượng tá Dũng nhấn mạnh: "Cục C06 đã tính toán kỹ và tối giản hóa các thủ tục, đơn giản các quy trình giúp người dân được cấp giấy đi đường bằng mã QR Code nhanh nhất, chính xác và hiệu quả. Việc dùng mã QR Code sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh vì việc tiếp xúc qua tờ giấy đi đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng".

Trước thực tế TP Hà Nội nhiều lần thay đổi việc cấp giấy đi đường, Thượng tá Dũng cho biết Cục C06 từng nhiều lần chạy thí điểm mô hình áp dụng giấy đường bằng mã QR Code.

"Việc cấp giấy đi đường bằng mã QR Code đã được thí điểm tại nhiều địa phương như TP.HCM, Quảng Ninh và đặc biệt là tại TP. Hà Nội. Quan điểm của Cục C06 là hỗ trợ về mặt giải pháp, kỹ thuật, còn việc ứng dụng hay không là do các địa phương lựa chọn. Bộ Công an không ép dùng các phần mềm của Bộ", Thượng tá Dũng thông tin. 

{keywords}
Hà Nội kiểm tra giấy đi đường bằng cách thủ công tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo

Ba phần mềm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Đối với phần mềm quản lý công dân vùng dịch, C06 cho biết, đến nay, có gần 17.000 tài khoản cán bộ sử dụng, hơn 6.600 chốt kiểm soát và 5.263.863/5.310.217 (tỷ lệ 99.1%) tờ khai qua chốt; hơn 26.500 shipper (hoạt động tại TP.HCM).

Phần mềm trên còn dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu như siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát. Đồng thời, phần mềm sử dụng trên nhiều nền tảng như thông qua điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng có kết nỗi internet trên địa chỉ web htfps://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Đặc biệt, mới đây Bộ Công an triển khai ứng dụng VN-ElD sử dụng trên điện thoại di động của hai hệ điều hành IOS và Android, kết hợp đọc mã QR Code bằng camera tại các chốt giảm tải việc tiếp xúc dịch và tăng hiệu quả kiểm soát. 

Trong thời gian tới, Cục C06 sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án kiểm soát người nước ngoài vào Việt Nam để truy vết và quản lý cư trú với người nước ngoài.

Nhằm xác minh nhanh chóng thông tin công dân, đặc biệt là công dân tạm trú, lưu trú lang thang cơ nhỡ thuộc diện hỗ trợ, C06 Bộ Công an thiết kế phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ Covid-19 thiết kế trên hệ thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

{keywords}
Giao diện phần mềm VNEID của Bộ Công an. Ảnh: Chụp màn hình

C06 cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng phần mềm nêu trên, lực lượng công an xã, phường, thị trấn phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện cập nhật thông tin 547.748 trường hợp thuộc diện chính sách Covid-19 tại nơi cư trú và phát tiền trợ cấp cho 486.942 trường hợp nơi cư trú.

Ngoài hai phần mềm nêu trên, C06 đang triển khai phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm Covid-19. Phần mềm này giúp dễ dàng thực hiện cập nhật tình trạng nhiễm và nguy cơ nhiễm Covid-19. Phần mềm này có sẵn trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được ứng dụng ngay trên toàn quốc, không phát sinh chi phí đào tạo, chuyển giao và người vận hành.

Đến nay, công an địa phương thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống với hơn 6.300 trường hợp F0, hơn 5.000 trường hợp F1 và gần 7.000 F1.

Cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm để phục vụ kiểm soát việc giải quyết đi lại, thống kê nhanh, chính xác tổng số công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý. Đáng chú ý, phần mềm phục vụ kiểm soát tình trạng người dân khi tham gia giao thông và quản lý di biến động dân cư, đặc biệt đối với người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. 

Đoàn Bổng 

Bộ Công an triển khai app khai báo y tế điện tử

Bộ Công an triển khai app khai báo y tế điện tử

Ứng dụng VIEID vừa được Bộ Công an xây dựng giúp người dân khai báo y tế điện tử trên điện thoại ở các hệ điều hành Android và IOS.