Chiều nay (28/6), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tham dự còn có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT, Sở Y tế, Sở GD&ĐT.

Ông Dương Anh Đức cho biết, tuần vừa qua là khoảng thời gian đặc biệt khi thành phố cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ nặng nề. Đó là vừa tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử, vừa căng sức chống lại sự hoành hành của virus SARS-CoV-2 biến chủng mới.

830.000 người đi tiêm chủng, đáng tự hào 

Theo ông Đức, chiến dịch tiêm chủng được tổ chức khẩn trương, gói gọn trong 1 tuần với hơn 800.000 liều.

"Dù chỉ có chưa đầy 2 ngày để chuẩn bị, nhưng đến nay, chúng ta có thể vui mừng nói rằng thành phố đã thành công trong chiến dịch này", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.

Ông Đức cũng nhìn nhận, do việc chuẩn bị thời gian ngắn nên cũng có những vấn đề nhất định, sau đó ổn định lại và hoàn thành tiêm an toàn.

{keywords}
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19

"Nói một cách thẳng thắn thì chậm hơn một ngày. Nhưng so với tốc độ bình thường của bất cứ đợt tiêm nào khác thì nhanh hơn gấp 10 lần. Tôi rất khâm phục nỗ lực của lực lượng y tế, lực lượng vũ trang và các địa phương", Phó chủ tịch TP nói.

Ông Đức cũng nhấn mạnh: “Khoảng 830.000 người đi tiêm, con số lớn như vậy cũng không dễ để làm, nên phải tự hào”.

Đến nay, hơn 730.000 người đã được tiêm vắc xin. Hơn 96.000 người sau khi khám sàng lọc chưa đáp ứng được để tiêm. Thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp sốc phản vệ cấp độ 4, đã được lực lượng y, bác sĩ cứu chữa thành công. TP.HCM cơ bản hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử.

Về góc độ chuyên môn, Phó GĐ Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ thêm, công tác tiêm chủng là công việc rất lớn, không chỉ của ngành y tế, mà còn của rất nhiều lực lượng. Phải huy động đội ngũ tiêm chủng rất lớn, các trung tâm, cơ sở y tế tham gia.

Sau đó, để đảm bảo tiến độ, thành phố đề xuất Trung ương tăng cường hỗ trợ cho đội tiêm, với yêu cầu nghiêm ngặt về mặt an toàn. 

Ông Hưng cho biết, tin phấn khởi là với chiến dịch tiêm lớn như vậy mà những phản ứng (phụ thuộc cơ địa mỗi người), không có bất kỳ trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, những ngày đầu hơi chệch choạc là do khung giờ một số nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến có nơi đến quá đông, nơi thì ít, sau đó thành phố điều chỉnh thì ổn định.

Đối với khu vực khu chế xuất-công nghiệp, cơ bản chuẩn bị tốt, do có sự điều phối của các Ban quản lý. 

Theo ông Hưng, việc tiêm này, thành phố sẽ rút kinh nghiệm vì chắc chắn thời gian tới còn nhiều đợt tiêm, để làm tốt hơn.

Phân loại địa bàn chống dịch theo 3 nhóm nguy cơ

Ông Dương Anh Đức cho biết, thành phố đông dân, rộng nên có nhiều thành phần khác nhau, phải áp dụng các biện pháp linh hoạt để bảo đảm cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con, vừa bảo đảm an toàn chống dịch.

Thành phố đã áp dụng nơi giãn cách theo Chỉ thị 15, một số nơi thực hiện cơ bản như Chỉ thị 16 và một số nơi khác là phong tỏa toàn diện để đảm bảo khoanh vùng nơi có nguy cơ cao nhất.

Song song đó là chiến lược tầm soát diện rộng, test có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố đã xây dựng được hệ thống sàng lọc tại các bệnh viện, cơ sở y tế rất tốt.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức thông tin, sáng nay họp thành phố phân loại các địa phương theo các nguy cơ ở mức khác nhau với ba nhóm: rất cao, cao và có nguy cơ.

Trong quy định Bộ Y tế chia bốn nhóm, nhưng thành phố chia ba nhóm và không để địa phương nào có nguy cơ thấp, tránh sự chủ quan.

Căn cứ vào các chỉ đạo, sẽ xây dựng các kế hoạch phù hợp, mỗi địa phương cũng đánh giá, phân loại xuống tận phường.

Ông Đức nêu ví dụ, TP Thủ Đức có ba vùng thì có sự đánh giá khác nhau, nơi Thủ Đức cũ có phức tạp hơn vì có các khu chế xuất - công nghiệp, chưa kể còn là nơi giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và có sự giao lưu nhiều. Thứ hai, rà soát lại các biện pháp, kiểm soát kỹ việc thực hiện Chỉ thị 10 của TP.

Nội dung của Chỉ thị 10 rất cụ thể, căn chứ trên hai Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, trong đó có nội dung áp dụng giống 15 và 16, nhưng có một số tiêu chí mạnh hơn. Ví dụ, khi áp dụng phong tỏa là biện pháp mạnh nhất để thực hiện.

Ông Đức cho biết, đây là tuần quan trọng, cùng lúc họp báo thì Chủ tịch TP cũng đang chủ trì cuộc họp nghe Sở Y tế báo cáo về phân công 22 đội đặc nhiệm xuống 22 địa phương hỗ trợ để làm tốt hơn Chỉ thị 10.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10

Các báo đặt câu hỏi, thời gian qua dù áp dụng biện pháp mạnh nhưng số ca nhiễm vẫn tăng mạnh, thành phố, ngành y tế đánh giá đâu là nguyên nhân chính?. Đến hết ngày 29/6 hết giãn cách, thành phố sẽ có quyết định biện pháp gì tiếp theo?

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, biến chủng Delta xuất phát từ Ấn Độ lây lan rất kinh khủng, trong gia đình có ca nhiễm thì gần như nhiễm hết. Dù đã có những biện pháp, nhưng chưa ngăn chặn được chuỗi lây lan.

Từ lây lan nhanh, thành phố tiến hành nhiều biện pháp hơn, nhưng vẫn chưa chặn được, nên sáng nay trong cuộc họp, thành phố yêu cầu tiếp các biện pháp chống dịch với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 10.

Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức cũng cho biết, thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị 10, và Chỉ thị 10 theo ông là không có thời gian. 

Liên quan đến việc tụ tập đông người ở chợ tự phát, ông Dương Anh Đức cho biết, hiện thành phố thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh việc này. Trong đó, có lực lượng đặc biệt là công an thành phố.

Hiện nay, đã thực hiện cấm các chợ tự phát; chợ truyền thống chưa đảm bảo chống dịch cũng tạm dừng hoạt động. Chợ đầu mối Hóc Môn đã đóng cửa, vì không đảm bảo an toàn.

Theo ông Đức, TP áp dụng nhiều biện pháp để giám sát, trong đó có ứng dụng các biện pháp công nghệ, nhưng quan trọng hơn cả là sự hợp tác của người dân.

Mục tiêu 2/3 người dân được tiêm vắc xin

Chia sẻ thêm về việc lựa chọn đối tượng tiêm vắc xin đợt này, ông Dương Anh Đức cho biết, thành phố phải tuân thủ theo các quy định, quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, thành phố cũng lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm theo đặc tính vắc xin.

"Lý do chưa tiêm cho các bệnh nhân có bệnh nền hay người trên 65 tuổi là vắc xin của TP.HCM có đợt này chưa khuyến khích tiêm cho những nhóm đối tượng trên. Bên cạnh đó, loại vắc xin này cũng chưa cho phép tiêm cho người dưới 18 tuổi.

Nếu sắp tới có loại vắc xin khác, thành phố sẽ dựa trên đặc tính và tiếp tục cân nhắc kỹ đối tượng ưu tiên để triển khai hiệu quả", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định thời gian tới, theo đúng tiến độ nhập khẩu vắc xin của Bộ Y tế, sẽ sớm đạt mục tiêu cho 2/3 người dân trên địa bàn. Lúc đó, vấn đề ai là người được ưu tiên không còn quá quan trọng.

{keywords}
Ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã vượt con số 3.000 và diễn biến dịch còn đang rất phức tạp. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Trước đó, tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, đây là ngày thứ 12 liên tiếp thành phố ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên đến 3 con số mỗi ngày.

"Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo Sở Y tế, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua các trường hợp có triệu chứng đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh (tăng 32-42 ca). Đây là những ca chỉ điểm, từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần phân tích khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện một cách toàn diện.

Theo ông Nên, thành phố phải chống dịch với quyết tâm cao nhất, để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.

“Phải mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố”, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Tính đến 12h trưa nay (28/6), TP.HCM có 3.372 trường hợp nhiễm trong cộng đồng.

Hồ Văn - Đ.Bảo

                        >>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất 

 

Bí thư TP.HCM: Mở chiến dịch xét nghiệm toàn thành phố để tìm F0

Bí thư TP.HCM: Mở chiến dịch xét nghiệm toàn thành phố để tìm F0

Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố.