Mặc dù tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh Quảng Nam trong khoảng 2 tuần gần đây tăng mạnh về số ca mắc mới, nhưng người dân bắt đầu nhận thấy việc sống chung với dịch là điều cần thiết đối với tình hình hiện tại.

Đến nay, Quảng Nam đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 982.840 người (đạt 78,6% số người cần tiêm). Trong đó, số người đã tiêm mũi 1 là 715.115 và 267.725 người tiêm mũi 2.

10 ngày ghi nhận 343 ca cộng đồng

Theo Y tế Quảng Nam, trong 10 ngày từ 14-23/11, tỉnh ghi nhận 883 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 343 ca cộng đồng.

Từ 18/7-23/11, tỉnh ghi nhận 2.445 ca. Cụ thể, 634 ca bệnh cộng đồng, 1.413 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 295 ca xâm nhập từ các tỉnh và 103 ca nhập cảnh.

{keywords}
Nhiều người được tiêm vắc xin nên cũng thấy yên tâm hơn 

Trao đổi với VietNamNet trưa 24/11, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) Trầm Quế Hương cho biết, lý do các ca F0 tăng cao trên địa bàn huyện xuất phát từ ca cộng đồng tại xã Tiên Cẩm phát hiện ngày 19/11.

“Ca bệnh này nghi ngờ có tiếp xúc rộng tại chợ và liên quan đến học sinh, nên đã cho xét nghiệm diện rộng toàn xã Tiên Cẩm, qua đó đã bóc tách hầu hết F0 trong cộng đồng, dẫn đến số ca tăng nhanh trong vòng 4 ngày (19-23/11) từ 1 ca lên 65 ca tại xã này”, ông Hương nói.

Thông tin rõ hơn về nguồn lây, ông Hương nhận định, nguồn lây chính theo dự đoán từ ca cộng đồng đầu tiên tại xã Tiên Cẩm vì các dữ liệu đều có liên quan nhau. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây từ ca đầu tiên là từ các chợ tại Tam Kỳ hay huyện Bắc Trà My.

Cũng theo ông Hương, sau khi phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng, huyện đã phong tỏa 2 thôn (Cẩm Lãnh, Cẩm Tây của xã Tiên Cẩm) có nguy cơ cao và qua 2 ngày đã ngăn được ca nhiễm mới.

Ông Hương thông tin thêm: “Cùng với việc phong tỏa, huyện yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không tập trung ăn uống; các trường học có nhiều F1, F2 tổ chức dạy học trực tuyến đến hết tuần này chờ tình hình mới…”.

Người dân xác định sống chung

Số liệu thống kê ca nhiễm mới ở TP Tam Kỳ trong 3 ngày từ 21-23/11 ghi nhận 31 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 23 ca cộng đồng.

Ghi nhận của VietNamNet tại TP Tam Kỳ sáng 24/11, người dân vẫn ra đường nhưng không tập trung quá đông, và chấp hành việc đeo khẩu trang. Tại nhiều cửa hàng mở bán đều thực hiện 5K đầy đủ.

{keywords}
Người dân Quảng Nam đeo khẩu trang khi ra đường

Chị Lê Thị Phượng (40 tuổi, ở phường Tân Thạnh) cho hay, việc sống chung với dịch hiện nay là điều cần thiết để người dân bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường.

“Những ngày qua, tôi thấy TP có nhiều ca bệnh Covid-19, giữa lo lắng và quyết định sống chung với dịch thì tôi vẫn 50-50. Lo lắng vì con còn nhỏ, vẫn chưa ý thức được khi con đi học nhưng suy nghĩ lại thì không thể cứ đóng cửa mãi được.

Mình phải làm việc để còn duy trì cuộc sống, nuôi con nữa. Nhiều người được tiêm vắc xin mình cũng thấy yên tâm hơn phần nào”, chị Phượng bày tỏ.

Còn theo anh Nguyễn Dương (TP Tam Kỳ), TP tập trung khoanh vùng nhỏ, đồng thời tạm dừng các hoạt động không thiết yếu như karaoke, massage, spa… là điều cần thiết.

Anh Dương chia sẻ: “Các quán karaoke là nguồn lây chính trong thời gian qua đã cảnh báo mối hiểm họa gia tăng các ca F0 ở những địa điểm này. Tôi nhận thấy bây giờ cần sống chung nhiều hơn việc quá lo lắng. Hầu hết mọi người đều tiêm vắc xin ít nhất mũi 1 nên ý thức mỗi người nên được đặt lên hàng đầu”.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (21 tuổi, sống tại huyện Phú Ninh, cách TP Tam Kỳ 2km) cho hay, thời gian trước, khi chưa tiêm vắc xin chị cảm thấy lo lắng nhiều, nhưng bây giờ việc lo lắng đó đã giảm xuống đến 80% cho dù các ca bệnh có tăng.

“Khi chưa tiêm vắc xin đúng thật sự mình rất lo lắng cho gia đình và bản thân khi thấy ca bệnh ngày càng tăng. Đến hiện tại, sự lo lắng đó hầu như rất ít, bản thân đã tiêm vắc xin, nên cảm thấy khá an toàn. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, luôn đặt 5K lên hàng đầu khi đến mọi địa điểm”, chị Ngọc nói.

Khoanh vùng kích hoạt các biện pháp phòng chống

Tại cuộc họp sáng 23/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP xác định có 4 nguồn lây nhiễm chính trên địa bàn.

Thứ nhất, nguồn lây nhiễm từ việc tiếp xúc với các F0 Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình); Thứ 2 là nguồn lây từ việc tiếp xúc với nhân viên quán karaoke Anh Quân và Paradise; Nguồn lây thứ 3, người đến từ các địa phương Núi Thành, Hiệp Đức; Nguồn lây thứ 4, người về từ các tỉnh thành phía Nam.

{keywords}
Các quán mở bán hàng đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch
{keywords}
Chị Phượng (người bên phải) vẫn 50-50 giữa lo lắng và quyết định sống chung với dịch Covid-19

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng yêu cầu kích hoạt các biện pháp chống dịch như ở vùng nguy cơ cao nhất.

"Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết. Do vậy, TP xác định dừng một số hoạt động không thiết yếu, xác định từng cấp độ dịch ở quy mô nhỏ nhất để có biện pháp phòng chống phù hợp", ông Hưng nói.

Theo đó, từ ngày 24/11, TP Tam Kỳ tạm dừng các hoạt động không cần thiết là quán bar, quán pub, karaoke, massage, spa, thẩm mỹ viện, internet, game, rạp chiếu phim, bida, phòng tập thể hình (gym), thể dục thẩm mỹ (aerobic), yoga và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, lớp bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu, hoạt động giảng dạy tại nhà...

Riêng nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa bàn với bàn và đóng cửa trước 22h hằng ngày. Các hoạt động hạn chế nêu trên tập trung không quá 30 người tại cùng một thời điểm.

'Bom nước' nửa triệu mét khối treo lơ lửng trên đầu người dân

'Bom nước' nửa triệu mét khối treo lơ lửng trên đầu người dân

Hơn 10 năm qua, cứ vào mùa mưa, 150 hộ dân tại thôn Long Thành (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lại thấp thỏm lo âu vì “quả bom nước” nửa triệu mét khối đang lơ lửng trên đầu có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Công Sáng