Những ngày tháng 7/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch, Hà Nội chính thức quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Các biện pháp chống dịch được TP đưa ra và thực hiện xuyên suốt qua 4 đợt giãn cách như đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ siêu thị, chợ, cơ sở khám chữa bệnh...; tạm dừng vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy…

Các biện pháp phòng, chống dịch của Hà Nội cũng được thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly/khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực.

Còn nhớ, vào tối 4/2, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 là bệnh nhân 1956 (trú tại P2104B chung cư Sky City 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Sau khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng lập tức phong tỏa tạm thời chung cư này.

{keywords}
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Phạm Hải

Các nhân viên y tế đã gấp rút thông báo những người làm việc tại tòa nhà này và những người ra vào tòa nhà phải khai báo y tế. Riêng người dân sinh sống trong chung cư này được yêu cầu khai báo y tế và ở yên trong nhà. 

Ngay trong đêm 4/2, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả cư dân tòa B chung cư 88 Láng Hạ với 934 người.

Việc lấy mẫu và xét nghiệm được lãnh đạo TP yêu cầu phải theo công thức "4 - 6", tức sau khi phát hiện F0 thì tổ chức lấy mẫu trong 4 giờ chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, trả kết quả trong vòng 6 giờ.

Với việc xét nghiệm thần tốc và làm xuyên đêm, chiều 5/2 đã có kết quả xét nghiệm lần 1 với 934 trường hợp âm tính. Dựa trên kết quả này, UBND quận Đống Đa đã dỡ bỏ phong tỏa phía ngoài chung cư 88 Láng Hạ, chỉ thực hiện cách ly y tế tại tầng 10, tầng 21 của chung cư này trong vòng 14 ngày.

Cách làm trên đã góp phần giải tỏa áp lực cho 934 người trong khu nhà chỉ trong vòng 24-32 giờ sau, chỉ giới hạn về cách ly với những người ở tầng 10 và tầng 21 của chung cư. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quyết định phong tỏa cần xác định ở phạm vi hẹp nhất, nhỏ nhất. Đây là phương châm chống dịch tối ưu cả về khía cạnh phân bổ nhân lực lẫn điều kiện chăm lo đời sống cho người dân. 

Một dẫn chứng khác, cuối tháng 7, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận những ca bệnh Covid-19 mới phát sinh. Trước tình hình này, quận cho tạm thời cách ly y tế một phần phường Chương Dương từ ngày 31/7 đến 14/8 để điều tra truy vết xác định các trường hợp liên quan, tức thực hiện cách ly 14 ngày. 

Việc cách ly có mục tiêu 14 ngày với giới hạn chỉ áp dụng với một phần của phường Chương Dương đã giúp chính quyền quận Hoàn Kiếm dễ huy động nguồn lực về cung ứng thực phẩm cũng như nhân lực y tế xét nghiệm thần tốc ngay trong đêm. 

Do quy định cách ly y tế, các gia đình không được phép ra ngoài, nên UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp lương thực thực phẩm lớn với hàng hóa dồi dào, phong phú đưa đến từng gia đình mà không gặp bất cứ trở ngại nào trong khâu tổ chức chăm lo đời sống.

{keywords}
Xe điện vận chuyển hàng hóa được quận Hoàn Kiếm chi viện tại phường Chương Dương. Ảnh: Đoàn Bổng

Ngoài ra, với phạm vi phong tỏa chỉ ở mức một phần phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm còn tổ chức Tổ cung ứng với 80 thành viên đã được tiêm vắc xin sẵn sàng hỗ trợ tới từng nhà, mua giúp các mặt hàng thiết yếu khác khi người dân có nhu cầu. 

Theo đánh giá, với cách chống dịch đưa về quy mô nhỏ, phong tỏa theo từng lớp để sớm thu hẹp khu vực cách ly, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đang triển khai phương châm phong tỏa, cách ly có mục tiêu, có thời hạn sớm này để dập dịch ở những vùng đỏ. 

Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, song vẫn linh hoạt trong cách triển khai của Hà Nội đã đưa số ca mắc trong 4 đợt giãn cách giảm mạnh (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày, đợt 4: 31,3 ca/ngày).

Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, tính đến 14h ngày 21/9 còn 43 điểm phong tỏa với khoảng 21.900 người. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh - vàng, giảm vùng đỏ - cam so với thời điểm ngày 6/9.

Thần tốc với 2 chiến dịch: Tiêm chủng và xét nghiệm

Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại Covid-19. 

Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 6/9. 

Đến ngày 15/9 TP phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác; xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

{keywords}
Người dân Hà Nội đi tiêm vắc xin. Ảnh: Phạm Hải

Triển khai nhiệm vụ này, lực lượng y tế của TP đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vắc xin cho người dân.

Vấn đề xét nghiệm để tầm soát, phát hiện sớm F0, kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là biện pháp cần thiết. Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Kết quả tiêm chủng, đến hết ngày 18/9, TP đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1: 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, Bệnh viện Trung ương tiêm 725.566 mũi), đạt 94,2% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số (trừ những người chống chỉ định). Số mũi 2 đã tiêm là 786.095, đạt 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8-15/9, toàn TP đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch. Qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính. Từ ngày 16-19/9, TP đã lấy 90.977 mẫu thường quy, đã phát hiện 47 dương tính, còn lại âm tính…

Trong hai chiến dịch lớn của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4.000 nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

Xét về khía cạnh quy mô vùng rộng lớn với nhiều tỉnh thành, khi có sự chi viện về lực lượng từ nhiều tỉnh hỗ trợ một địa phương như nhiều tỉnh, thành đã hỗ trợ Hà Nội, những vướng mắc về năng lực của mỗi nơi đã được giải quyết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi nhiều tỉnh chưa có dịch tập trung lực lượng hỗ trợ cho một địa phương dập dịch, các kế hoạch kiểm soát dịch sẽ được triển khai nhanh chóng, việc chuyển màu vùng đỏ cũng sẽ sớm hơn, vùng xanh sớm hình thành trở lại.

Về công tác điều trị, thu dung, ngành y tế tiếp tục thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng; đồng thời chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng đủ hệ thống oxy tại các bệnh viện và sẵn sàng các cơ sở cách ly…

Có thể nói, với quy mô dịch như hiện nay, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã chuẩn bị phương án chống dịch mang tính chủ động, đi trước. Thực tế, dù số ca bệnh, diễn biến dịch ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã được kiểm soát, vốn vẫn là vùng xanh, nhưng 100% các quận, huyện Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án cho các trạm y tế lưu động trên địa bàn. Trong đó chuẩn bị về địa điểm tại các trường học, nhà văn hóa, một số nơi huy động các phòng khám tư nhân vào cuộc; đối với nhân lực huy động nguồn lực từ cán bộ Trung tâm Y tế, cán bộ y tế học đường và cán bộ y tế tư nhân... 

Đối với một số quận, huyện, thị xã có nhiều ca bệnh phải thực hiện khoanh vùng đã tổ chức triển khai như trạm y tế tại phường Văn Chương, quận Đống Đa; 3 trạm y tế lưu động tại quận Thanh Xuân... khi thực hiện các trạm y tế này đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân từ sớm như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị cấp thuốc cho người mắc các bệnh mãn tính.

Bình thường mới theo phương châm: Nhỏ-Nhanh-Cơ động

Qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đánh giá cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 22 quyết định từ 6h ngày 21/9, cho phép thực hiện và điều chỉnh một số hoạt động như mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày…

{keywords}
Đường Trường Chinh ngày đầu áp dụng Chỉ thị 15. Ảnh: Phạm Hải

Dù đạt được một số thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, tuy nhiên, chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô không được chủ quan, Hà Nội chưa thể an toàn khi cả nước chưa an toàn với đại dịch Covid-19. 

Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Kiên định phương châm khoanh vùng hẹp

Hà Nội vừa thực hiện chống dịch vừa rút kinh nghiệm, trên cơ sở không cầu toàn, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định, việc phòng, chống dịch phải có nguyên tắc, phải kiên định mục tiêu mà thành phố đã đặt ra, những công việc đã làm và có kết quả.
“Ví như câu chuyện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc và cách ly tập trung F1 và đưa F0 tới điều trị tại các cơ sở y tế, đây là quan điểm xuyên suốt. Tiếp nữa là phải dựa vào dân, phải dựa vào hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân mang tính chất quyết định. Đây là phương châm chống dịch thành phố Hà Nội đang theo đuổi”, ông Phong dẫn chứng.

Tuy nhiên, từ thực tế chống dịch, cách làm của một số phường, quận, phương châm chống dịch phong tỏa và giãn cách xã hội theo nguyên tắc phạm vi nhỏ - hẹp nhất, xét nghiệm và trả kết quả nhanh nhất, cách ly có mục tiêu 14 ngày và cơ động trong xử lý các tình huống ngay ở phạm vi và lực lượng tuyến xã phường, cần được bổ sung trong kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19, thống nhất thực hiện toàn thành phố.

Về những biện pháp thời gian tới để Hà Nội không phải quay lại giãn cách xã hội như Chỉ thị 16, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh việc Hà Nội cần tiếp tục giám sát, phát hiện những đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ để nếu có có ca bệnh thì phát hiện được ngay bằng cách sớm nhất, truy vết, phong tỏa ổ dịch nhằm dập tắt kịp thời. 

Dịch còn phức tạp trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương,.. vì vậy Hà Nội vẫn phải kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch về. Ngoài ra, xây dựng cuộc sống an toàn.

“Bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, bình thường mới vẫn phải có những phương án, hoạt động nào được mở, những hoạt động nào có nguy cơ thì tiếp tục phải cấm”, ông Phu nói.

Ông cũng lưu ý làm sao để vẫn phải kiểm soát được dịch bệnh khi nới lỏng mà không gây cấm đoán và làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giao dịch.

Người dân tiếp tục thực hiện tốt 5K, có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi ngờ thì phải báo cáo cơ quan y tế và xét nghiệm ngay, nếu không thực hiện dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào, lúc đó lại phải giãn cách lại từ đầu.

Khi có ca bệnh cần thần tốc điều tra truy vết, không để lây lan rộng; xét nghiệm đối tượng vùng nguy cơ cao; phong tỏa phải theo đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, phong toả hẹp, chặt, không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân, đặc biệt đảm bảo tiêm vắc xin sớm đạt miễn dịch cộng đồng…

Các tỉnh thành cùng phong tỏa hẹp, chống dịch sẽ ít tốn kém

Theo các chuyên gia, việc phong tỏa theo nguyên tắc phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...) có thể một số tỉnh, thành cũng đã áp dụng, nhưng đây là vấn đề cần thống nhất thành phương châm chống dịch, thực hiện đồng bộ ở nhiều tỉnh, thành. 

Thứ nhất, khi thực hiện phong hỏa hay giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ, hẹp nhất, chi phí về nguồn lực tài chính và nhân lực sẽ ít tốn kém. Đồng thời, khi phong tỏa ở quy mô nhỏ, có thể cho phép triển khai nhanh các biện pháp kiểm soát dịch, dập dịch.

Thứ hai, khi phong tỏa ở phạm vi nhỏ hẹp có mục tiêu, có thể triển khai giãn cách nhanh trong 14 ngày để kiểm soát dịch, nhanh cả trong thực hiện xét nghiệm, đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng. 

Thứ ba, trong quá trình thực hiện phong tỏa, giãn cách phạm vi hẹp ở quy mô thôn ấp, xã phường, có thể đảm bảo sự cơ động trong huy động, tổ chức lực lượng y tế cộng đồng cấp xã, chăm lo kịp thời tới cấp thôn, hộ gia đình.

Sự cơ động ở cấp, xã phường còn cho phép trong một đơn vị hành chính, vùng xanh có thể hỗ trợ nhanh cho vùng đỏ.

Theo một số chuyên gia, với phương châm rõ như nêu trên, khi thực hiện thống nhất ở các tỉnh, thành sẽ giảm bớt những vấn đề phát sinh trong phong tỏa, giãn cách nếu áp dụng ở phạm vi rộng. Tương tự, việc truy vết, xét nghiệm, trả kết quả cũng được giải quyết trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, phương châm chống dịch phong tỏa, giãn cách ở phạm vi hẹp nhất, truy vết và xét nghiệm nhanh, gọn được xem là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành. Phương châm này cũng giúp cho các địa phương dễ dàng huy động lực lượng tại chỗ, dập dịch nhanh và gỡ phong tỏa sớm.

Thay đổi căn bản trong phòng chống dịch Covid-19

Ngày 15/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Công điện về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Đây là Công điện có sự thay đổi qua đánh giá tình hình thực tiễn, đó là công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Từ thực tiễn kể trên, tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm việc giãn cách; (2) Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; (5) Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Thứ hai, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ.

Thứ ba, tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Thứ tư, thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất, về nhân lực, trang thiết bị, thuốc.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI cho hay, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri và nhân dân hoàn toàn đồng tình với các biện pháp phòng chống dịch mà UBND TP đã ban hành. Đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp mạnh trong thực hiện Chỉ thị số 17, Công điện số 18 và Công điện số 19 của Chủ tịch UBND TP về việc thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Hương Quỳnh

Bí thư Hà Nội: TP luôn chuẩn bị phương án chống dịch ở cấp độ cao hơn

Bí thư Hà Nội: TP luôn chuẩn bị phương án chống dịch ở cấp độ cao hơn

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, TP luôn chuẩn bị phương án phòng chống dịch bệnh ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra.