- Thay vì quản lý chồng chéo giữa 3 Bộ Y tế - Nông nghiệp - Công Thương, UBND cấp huyện, xã sẽ được toàn quyền ra thanh tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tại hội nghị thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ngày 16/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) rất được quan tâm song hoạt động thanh tra chưa phát huy hiệu quả.

Do đó Chính phủ đồng ý thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường, tận dụng nhân lực có sẵn. Từ 15/11 tới, Hà Nội và TP.HCM sẽ bắt đầu thí điểm triển khai mô hình này.

{keywords}
Thời gian qua thanh tra, kiểm tra ATTP chưa hiệu quả do chồng chéo giữa 3 Bộ Y tế - Nông nghiệp - Công Thương. Ảnh: B.Hân

Chủ tịch UBND cấp quận, phường có quyền ra quyết định thanh tra và có toàn quyền xử phạt vi phạm hành chính ngay tại chỗ với cả 3 lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương. Các địa phương được giữ lại 100% số tiền phạt.

"Đây là vấn đề hoàn toàn mới. Bộ Y tế rất kỳ vọng sự thay đổi này sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực ATTP tại nước ta", ông Long kỳ vọng.

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình mới sẽ chấm dứt tình trạng quản lý ATTP chồng chéo giữa 3 bộ, tuy nhiên việc cho phép địa phương giữ lại 100% tiền xử phạt cần phải cân nhắc vì có thể xảy ra tình trạng lạm dụng, làm khó doanh nghiệp.

Hiện tại, Hà Nội cho biết đã lựa chọn được 5 quận tham gia thí điểm gồm: Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín. Tại TP.HCM, Sở Y tế cho biết đã đào tạo được 38 cán bộ và đang tiếp tục chuẩn hóa.

9 tháng có 20.000 đoàn thanh tra ATTP

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có trên 20.000 đoàn thanh kiểm tra trong lĩnh vực ATTP. Tổng số tiền xử phạt là hơn 24 tỷ đồng. Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu cả nước về số cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên việc xử lý chưa kiên quyết. Bằng chứng cho thấy có tới 83% số cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở trong số gần 65.000 cơ sở. 9 tháng chỉ có 7.000 đơn vị bị phạt tiền, trong đó gần 700 cơ sở bị đình chỉ, hơn 4.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy.

Thúy Hạnh