Trung úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992) là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Anh là người trẻ nhất trong số 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc đảm bảo an ninh, trật tự ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 9/1.
Nằm sâu trong con hẻm cuối ngõ 173, đường Hoàng Hoa Thám (phường Ngọc Hà, Ba Đình) là căn nhà 35m2 của mẹ con Trung úy Quân. Trời mùa đông gió thổi hun hút, căn nhà nhỏ không đủ chỗ ngồi, bà con hàng xóm, bạn bè, đồng đội đến chia buồn đành lần lượt từng tốp nhỏ vào thăm hỏi.
Bà Lê Thị Bích (mẹ của chiến sĩ Quân) không kìm được nước mắt mỗi khi nhắc tới con trai |
Trung úy Quân là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em. Bố anh tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi bị thương nặng, trở về địa phương, sức khỏe suy giảm, ông mất khi anh mới 2 tuổi.
Chị gái anh đã lập gia đình, sống ở Cổ Nhuế. Anh và mẹ nhiều năm nay vẫn nương tựa vào nhau mà sống. Chàng trai 28 tuổi được nhận xét là người hiền lành, sống tình cảm.
Bà Lê Thị Bích (58 tuổi, mẹ Quân) khóc cạn nước mắt, giọng bà lạc đi đến mức phải ngồi thật gần mới nghe rõ bà đang nói gì. Ngồi bần thần trước bàn thờ, bà mở chiếc điện thoại đã phai màu ngắm nhìn từng bức ảnh chụp anh khi còn học tập, công tác.
Mỗi lần nhắc về con trai, mắt bà đều ánh lên niềm hào. Bà kể: "Đây là bằng tốt nghiệp loại khá do trường Sỹ quan Chính trị ở Bắc Ninh cấp, cháu mất bao nhiêu năm tháng, công sức để học tập, rèn luyện, mới ra trường đi làm được hơn 1 năm nay".
"Còn đây là cháu hồi học ở trường THPT Việt Đức, lớp chỉ có 9 đứa con trai, cháu nổi tiếng là hiền lành, hay giúp đỡ các bạn nữ, được giáo viên chủ nhiệm và các bạn yêu quý", bà Bích tâm sự.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến chia buồn với gia đình Trung úy Dương Đức Hoàng Quân. Ảnh: TTXVN |
Lời hứa chưa trọn vẹn
Câu chuyện dừng lại đột ngột, bà lại bật khóc. Mấy hôm nay bà Bích không ăn uống được gì, hết vào nhà bếp lại ra phòng khách nhìn bàn thờ con, mắt lúc nào cũng rơm rớm lệ.
Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo bán hàng trên phố Hàng Hòm, nuôi hai con ăn học.
Năm 2018, Quân tốt nghiệp, về nhận công tác tại Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, mẹ anh là người vui nhất. Bà tự hào vì anh đã đi tiếp con đường người cha từng chọn, càng vui hơn khi đó chính là ước mơ của anh thành hiện thực.
Biết con trai làm nghề nguy hiểm, phải đối mặt với nhiều rủi ro nên bà luôn cầu mong con được khoẻ mạnh, an lành. Một tuần trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Đồng Tâm, vì tính chất công việc phải giữ bí mật nên Trung úy Quân không chia sẻ gì với gia đình, người chiến sĩ trẻ chỉ hứa với mẹ sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về cùng mẹ lo sắm sửa đón Tết. Bà Bích ở nhà dọn dẹp, mang rất nhiều quần áo của anh ra giặt giũ, phơi phóng để chờ anh.
Ngày anh mất, bà đang làm việc thì có người gọi về nhà gấp. Bà phóng xe một mạch từ phố cổ về thì đã thấy lãnh đạo đơn vị, quận, thành phố đứng đầy ngoài cửa. Quá sốc trước tin dữ, bà đứng không vững, mọi thứ trong bà dường như sụp đổ.
Khi bệnh viện Quân y 103 tổ chức nhận dạng 3 chiến sĩ hy sinh, gia đình Trung úy Dương Đức Hoàng Quân nhờ có chiếc vòng bạc anh hay đeo nên nhận ra thi thể anh, nhưng để chắc chắn gia đình đã quyết định cho xét nghiệm ADN.
Những ngày này đông đảo bạn bè, hàng xóm, đồng đội đến chia buồn cùng gia đình trung úy Quân |
Tang lễ của chiến sĩ Quân và 2 đồng nghiệp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 16/1 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Sau đó thi thể sẽ được mang đi hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển. Nguyện vọng của gia đình Trung úy Quân là đưa anh về nơi an nghỉ tại quê nội ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Bữa cơm vội của Phó Trung đoàn trưởng hy sinh ở Đồng Tâm
Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh và vợ chỉ kịp nắm tay nhau, ăn bữa cơm vội và dặn dò đôi điều trước khi anh làm nhiệm vụ rồi hy sinh ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).
Thành Nam