Trao đổi với VietNamNet về những điểm mới, điểm nhấn trong dự thảo văn kiện chính thức trình Đại hội XIII tới đây, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 14 vừa qua, Trung ương đã cho ý kiến lần cuối.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước".

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, kết quả lấy ý kiến của nhân dân cho thấy, các tổ chức đảng và nhân dân rất quan tâm, rất hào hứng tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện. 

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan được tổng hợp dày hơn 1.400 trang, Văn phòng Trung ương chắt lọc tất cả các ý kiến của tổ chức đảng và nhân dân còn 191 trang. Văn bản này được gửi cho các Tiểu ban, đồng thời gửi cho các Ủy viên Trung ương dự Hội nghị Trung ương 14. Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận, tiếp thu ý kiến phù hợp, xác đáng của các tổ chức đảng và nhân dân đưa vào dự thảo văn kiện. 

Những ý kiến khác của các tổ chức đảng và nhân dân góp ý kiến mà không đưa vào văn kiện thì bàn giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để nghiên cứu trong lãnh đạo, chỉ đạo.

“Qua tổng hợp, hầu hết các ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân rất khen ngợi dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị bài bản, công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm mới, điểm nhấn thể hiện được tầm nhìn và ý chí, khát vọng vươn lên của dân tộc”, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, một trong những tiếp thu đầu tiên là hoàn thiện chủ đề của Đại hội XIII. Cụ thể, chủ đề trong dự thảo đầu tiên xin ý kiến các cấp là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Chủ đề sau khi được tiếp thu, hoàn thiện là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Giải thích về sự thay đổi này, ông Thông cho hay, ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân tập trung vào thành tố thứ hai và thành tố thứ ba. 

Sau khi tiếp thu, thành tố thứ hai được làm rõ nội hàm của khát vọng và diễn đạt lại là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

Thành tố thứ ba, dự thảo đầu tiên nêu “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững đất nước”. Các tổ chức đảng và nhân dân cho rằng, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững đất nước là một nội dung chủ yếu, cốt lõi của công cuộc đổi mới, nhưng để trở thành một thành tố trong chủ đề Đại hội thì không nên. Tiếp thu ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân, Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận và sửa lại thành là “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.

Tuy chủ đề Đại hội chỉ nói đến “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” nhưng trong nội dung dự thảo văn kiện đầy đủ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Phồn vinh đã thể hiện rõ ngay ở mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

{keywords}
Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận, tiếp thu ý kiến hợp lý, xác đáng của các tổ chức đảng và nhân dân đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, vấn đề của chúng ta không chỉ là nước phát triển có thu nhập cao mà còn là “hạnh phúc”. Bởi thực tế có những nước phát triển, thu nhập cao nhưng dân chưa hẳn đã hạnh phúc. 

Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, thế giới ca ngợi Phần Lan, thu nhập đầu người không phải là cao nhất thế giới nhưng lại là quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới. 

“Việt Nam chúng ta, ngay từ ngày đầu lập nước Bác Hồ đã yêu cầu ghi dưới Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", 6 chữ "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”; và cả cuộc đời của Bác luôn chăm lo, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nói.

Vì vậy, lần này Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc xây dựng đất nước “phồn vinh, hạnh phúc” cũng là thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, bắt kịp xu thế của thời đại.

Dấu ấn nổi bật về phòng, chống đại dịch Covid-19

Về mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045, ông Thông cho biết, dự thảo cũ nêu 2 phương án. Dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân vào ngày 20/10/2020 và một phương án được Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi cơ bản kế thừa dự thảo, nhưng có điều chỉnh phần thu nhập. 

Cụ thể, dự thảo cũ đưa ra mục tiêu đến 2025 là có thu nhập trung bình cao nhưng vì tác động của Covid-19 và thực tế của năm 2020, thu nhập bình quân chỉ đạt được 2.750 USD và dự kiến đến năm 2025 ước đạt từ 4.700 – 5.000 USD, đến năm 2030 ước đạt 7.500 USD, căn cứ vào tiêu chí của thế giới chúng ta điều chỉnh lại thu nhập các mốc 2025 và 2030.

Cụ thể mốc 2025 trước đây là thu nhập trung bình cao thì bây giờ điều chỉnh vượt mức thu nhập trung bình thấp. 

Đến 2030, dự thảo cũ là thuộc các nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao thì bây giờ điều chỉnh lại cho sát thực tế là có thu nhập trung bình cao. Còn đến 2045 là nước có thu nhập cao là giữ nguyên.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông còn cho biết, do đại dịch Covid-19 nên dự thảo mới phải cập nhật lại các số liệu. Ví dụ dự thảo cũ là ước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,8 % nhưng cập nhật số liệu mới chỉ còn 5,9 %. Dự thảo cũ đưa ra quy mô nền kinh tế 2020 ước đạt 300 tỷ USD, cập nhật là có 268,4 tỷ USD; bình quân thu nhập đầu người dự thảo cũ ước đạt 3.000 USD, cập nhật số liệu mới là 2.750 USD…

Ông Thông cũng cho hay, ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân đề nghị bổ sung thêm dấu ấn nổi bật về phòng, chống đại dịch Covid-19. 

Cụ thể dự thảo nêu rõ: “Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ XHCN, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta”.

Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Ngoài ra, dự thảo văn kiện cũng nhấn mạnh đến một số điểm định hướng trên các lĩnh vực. Ví dụ như là về kinh tế, nhấn mạnh về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đến phát triển nền công nghiệp quốc gia, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh. Đồng thời, dự thảo cũng nhấn mạnh đến phát triển kinh tế biển, phát triển ngành dịch vụ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về văn hóa - xã hội, dự thảo văn kiện nhấn mạnh là phải xây dựng, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trong đó có nhấn mạnh đến giải pháp để ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, khẩn trương triển khai xây dựng ngành công nghiệp văn hóa.

Về giáo dục - đào tạo, dự thảo lần này nhấn mạnh đến đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để 2 lĩnh vực này thực sự là quốc sách hàng đầu, thực sự là động lực để tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực khác. 

Một nội dung ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân góp ý trong dự báo già hóa dân số, Hội nghị Trung ương 14 tiếp thu và chính xác hóa lại nhiệm vụ, giải pháp này. Đó là phải tận dụng thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị những giải pháp để ứng phó, thích ứng với điều kiện già hóa, đồng thời thực hiện những giải pháp để đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh. 

“Hiện nay, nước ta càng ngày càng mất cân bằng giới tính khi sinh. Các dự báo đã đưa ra là đến năm 2034 Việt Nam có số nam giới nhiều hơn nữ là 1,5 triệu người; hay nói cách khác thiếu 1,5 triệu nữ giới để kết hôn. Đây là bài toán không dễ mà rất khó, nhiều góp ý cho rằng hệ lụy của nó rất nặng nề”, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nói.

Thu Hằng