Hơn 40 năm công tác trong ngành Ngoại giao, trong đó có nhiều năm làm việc dưới sự dẫn dắt của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ông Nguyễn Đình Bin - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao đánh giá ông Thạch là nhà lãnh đạo tài năng toàn diện.

Nguyễn Cơ Thạch – Bậc thầy về nghiên cứu, tham mưu chiến lược, năng động, sắc bén trong hành động thực tiễn
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Vân Hồ)

Tấm gương tự học

Điều ông Bin ấn tượng nhất về thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là tinh thần tự học, tự rèn luyện. Học tiếng Pháp ở cao đẳng tiểu học (thường gọi là trường Thành chung) ở Nam Định và sau này tự học tiếng Anh, ông Thạch sử dụng cả hai ngoại ngữ này một cách thông thạo.

Không chỉ ngoại ngữ, công cụ tối cần thiết cho bất cứ nhà ngoại giao nào, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng thường xuyên trau dồi các kiến thức về lý luận chính trị, về sự nghiệp cách mạng, về các lĩnh vực nói chung, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới, quan hệ quốc tế và kinh tế quốc tế.

Ông Thạch học qua sách vở, qua thực tiễn công tác, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, lắng nghe ý kiến của cấp dưới… để trang bị cho mình vốn hiểu biết uyên thâm về nhiều lĩnh vực.

Ông Bin nhớ lại, vị thủ trưởng cũng thường xuyên nhắc nhở các cán bộ ngoại giao thường xuyên đọc sách, cập nhật kiến thức để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công việc.

Bậc thầy về nghiên cứu và tham mưu chiến lược

Là người xem trọng công tác nghiên cứu, ông Thạch yêu cầu cán bộ ngoại giao muốn làm tốt nhiệm vụ thì phải nghiên cứu và phải xuất phát từ những việc cơ bản nhất .

Nguyễn Cơ Thạch – Bậc thầy về nghiên cứu, tham mưu chiến lược, năng động, sắc bén trong hành động thực tiễn
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đông Giang, các Đại sứ Mai Văn Bộ, Phạm Bình và một số Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao, tháng 4/1985. (Ảnh tư liệu)

Trong ký ức của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, ông Thạch đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi chép Đại sự ký và yêu cầu cán bộ ngoại giao phải thường xuyên thực hiện việc này.

Vào thời kỳ không có máy vi tính, chủ yếu là viết tay nhưng các cán bộ ngoại giao duy trì việc ghi chép tất cả thông tin quan trọng để làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, hỗ trợ cho việc tổng hợp, nhìn nhận vấn đề, đánh giá xu hướng và triển vọng.

“Bộ trưởng Thạch cực kỳ thông minh, rất nhạy bén, có con mắt nhìn nhận vấn đề, đánh giá tình hình và dự báo triển vọng rất sắc sảo.

Trên cơ sở đó, với tinh thần luôn chủ động, tiến công và tài thao lược, ông đã có công rất lớn trong việc tham mưu, hoạch định các chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại của nước ta ở những thời điểm lịch sử, có tính bước ngoặt trong các thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ XX.

Cụ thể là trong các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh xâm lược của Mỹ, trong cuộc đấu tranh phá bao vây, cấm vận, giải quyết vấn đề Campuchia vô cùng nan giải, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ”, ông Bin nhận xét.

Tiên phong triển khai

Không chỉ là một bậc thầy nổi bật trên các lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu chiến lược, hoạch định các chủ trương, đường lối và chính sách, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn là một vị tướng thao lược, thiện chiến trên mặt trận ngoại giao, với tinh thần luôn tiên phong, xông xáo, tả xung hữu đột trên tuyến đầu, trực tiếp chiến đấu.

Ông Bin điểm lại một số thành tựu mang tính đột phá, thể hiện tư duy nhạy bén, nhìn xa trông rộng và tài ngoại giao của ông Thạch.

Tại các cuộc hòa đàm cam go, dai dẳng nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại ở Paris, ông Thạch đã hỗ trợ đắc lực cho cố vấn Lê ĐứcThọ với vai trò trợ lý đặc biệt.

Sau thống nhất đất nước, tài thao lược của Tư lệnh ngành Nguyễn Cơ Thạch càng tỏa sáng trong cuộc đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp để phá vòng vây cấm vận, thù địch, mở lối dẫn tới đa dạng, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước nhà.

Trong mặt trận mới này, mũi đột phá chiến lược là giải quyết vấn đề Campuchia, từ đó mới mở ra được các hướng chiến lược có vai trò cơ bản nhất, quyết định nhất là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ và thiết lập khuôn khổ quan hệ với EU.

Cùng với các lãnh đạo Bộ Ngoại giao vào thời đó là Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Lê Mai, ông Thạch góp công rất lớn trong việc gỡ thành công nút thắt Campuchia cũng như trong các thành tựu gặt hái được trên các hướng chiến lược nói trên.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã kế thừa, tiếp tục phát huy và đưa đến thành công tốt đẹp trong thập niên 1990, mở ra một vị thế quốc tế mới, lần đầu tiên đạt được trong lịch sử nước nhà, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Phải giải quyết được vấn đề Campuchia thì ta mới phá được thế bị bao vây, cô lập, bình thường hóa được quan hệ với các nước. Cùng với giải quyết thành công vấn đề Camphuchia kéo dài 10 năm, Bộ trưởng Thạch là người đi đầu, kiên trì thúc đẩy phá băng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với các nước ASEAN mặc dù nội bộ ta thời kỳ đó còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi rất khâm phục đồng chí Thạch ở điểm này”, ông Bin nhấn mạnh.

Cần nói rõ hơn cống hiến to lớn của ông Thạch trên lĩnh vực tham mưu chiến lược, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới không chỉ về đối ngoại mà cả về kinh tế.

Trước bối cảnh đất nước bị bao vây về chính trị, cấm vận về kinh tế, đồng chí Thạch khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã có công đầu đề xuất chủ trương đổi mới đối ngoại và kinh tế tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Sau Đại hội, chủ trương đổi mới đối ngoại đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Nghị quyết này dưới sự chủ trì soạn thảo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã được thảo luận, thông qua và ban hành vào tháng 5/1988, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới, từng bước đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập, bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Ông Thạch cũng có vai trò rất lớn trong công cuộc đổi mới về kinh tế. Ông chính là người đi đầu, vào cuộc rất quyết liệt, chỉ đạo các cán bộ trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài gặp gỡ các chuyên gia để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế; chủ động viết đề án, dịch sách về lý luận kinh tế thị trường, một chủ đề húy kỵ thời kỳ đó, để báo cáo Bộ Chính trị tham khảo.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bin thường xuyên nói về sự ngưỡng mộ, tri ân đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, người đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và hành động của ông.

Những tháng ngày không quên trước cuộc tấn công biên giới tháng 2/1979

Những tháng ngày không quên trước cuộc tấn công biên giới tháng 2/1979

Với những bài học đau thương đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ mong ước sao hòa bình sẽ mãi luôn ngự trị giữa hai dân tộc láng giềng. 

Theo báo Thế giới & Việt Nam