- Mức độ tín nhiệm cao chính là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những chức danh lãnh đạo cụ thể. Anh là tư lệnh ngành, có nhiều nỗ lực, quyết đoán, mang lại kết quả rõ rệt thì anh xứng đáng được tín nhiệm cao.

Quốc hội đã xong việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả đã được công bố. Quốc hội nói đây là việc tốt, đầy trách nhiệm, kết quả là khách quan và công bằng. Báo chí cũng đồng điệu. Với việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, chí ít thì đã sáng ra mấy việc.

Một là, cho dù còn mới và khá xa lạ với hệ thống chính trị - nhà nước Việt Nam, việc lấy phiếu tín nhiệm lần hai này đã dần khẳng định tính hợp lý và sự cần thiết của nó.

Trước khi có lần hai, đã có ý kiến nên chăng thôi. Tuy nhiên, mặt nổi trội, tính tích cực của lấy phiếu tín nhiệm đã thắng thế. Ít nhất là thêm một bước, thêm một kênh trong đánh giá cán bộ và như vậy rõ ràng là dân chủ hơn trong hệ thống chính trị Việt Nam. Sâu xa hơn, đó là Quốc hội thực hiện việc này mà qua đó là biểu hiện rất cụ thể của việc kiểm soát lẫn nhau trong thực thi ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được hiến định. Quốc hội thực thi việc kiểm soát đối với tư pháp và hành pháp thông qua thể hiện mức độ tín nhiệm của mình đối với các chức danh lãnh đạo hai ngành này do mình bầu hoặc phê chuẩn.

Hai là và đây là điều đáng tiếc, đáng ra việc lấy phiếu tín nhiệm kiểu này phải trở thành một chế định trong Hiến pháp. Không hiến định thì vẫn làm được, nhưng biết đâu nay mai lại bảo thôi mà thôi là được chính vì không phải là chế định trong Hiến pháp.

Ba là, mức độ tín nhiệm cao chính là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những chức danh lãnh đạo cụ thể. Anh là tư lệnh ngành, có nhiều nỗ lực, quyết đoán, sâu sát công việc của ngành, mang lại những kết quả rõ rệt thì anh xứng đáng được tín nhiệm cao. Bộ trưởng Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước …là những minh chứng rõ rệt qua lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua.

Bốn là, mức độ tín nhiệm thấp là sự cảnh báo đối với những chức danh con người cụ thể, đặc biệt với những ai hai lần đều ở mức tín nhiệm thấp rất cao qua hai lần lấy phiếu. Tư lệnh các ngành y tế, văn hóa, nội vụ và giáo dục đang đứng trước áp lực và thách thức rất lớn làm thế nào cải thiện được mức độ tín nhiệm vào kỳ lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo.

Năm là, và cái thứ năm này mới có ý nghĩa to lớn trong hệ thống chính trị nước ta. Đó là mức độ tín nhiệm tác động không nhỏ tới việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội tới của Đảng. Tất nhiên, chuẩn bị nhân sự cao cấp trong bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…có nhiều tiêu chí chi phối. Chế định phiếu tín nhiệm trong Quốc hội sẽ dần trở thành và cũng cần phải trở thành “chế định" trong công tác cán bộ của Đảng.

Sáu là, có vẻ như người dân quan tâm nhiều hơn tới kết quả tín nhiệm của các chức danh trong Chính phủ. Nếu thế thì cũng là hợp lý, vì chính người dân bị chi phối mạnh bởi những quyết sách, hành động của những vị tư lệnh các ngành giao thông, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, lao động và nội vụ… Mức độ tín nhiệm của các chức danh này cũng như sự quan tâm thực sự của dân chúng đối với các ngành này cần phải được chú ý nhiều hơn trong thời gian tới.

Người dân không thể mãi bằng lòng với kiểu cho rằng đây là những ngành khó, phức tạp, đụng chạm tới dân, doanh nghiệp, rằng các ngành này do lịch sử để lại rất nhiều vấn đề nan giải, không thể nhanh chóng khắc phục được ngay, để rồi phải bằng lòng với mức độ tín nhiệm thấp của các vị tư lệnh và cũng là bằng lòng với những trì trệ, chậm đổi mới, cải cách tác động tiêu cực tới đời sống người dân.

Đinh Duy Hòa