"Xây dựng kịch bản nếu dịch diễn biến xấu"

Chiều 12/8, phát biểu giải trình tại kỳ họp thứ hai HĐND TP khóa X, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong 7 tháng năm 2021, trên địa bàn TP có 512 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc bị giải thể và 2.017 đơn vị tạm ngừng hoạt động.

Tổng chi phòng, chống dịch và hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn năm 2021 đến nay dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua TP đã có những quyết sách kịp thời, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch, quyết tâm đi nhanh hơn dịch như thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn TP, tạm dừng các hoạt động không cần thiết, không thiết yếu để hạn chế tối đa việc tập trung đông người.

Thành lập 215 chốt kiểm soát trong nội địa để kiểm tra, giám sát việc ra ngoài của người dân. Hơn 1.000 tổ Covid-19 cộng đồng đã kịp thời giám sát chủ động. Huy động lực lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức ở các khu cách ly y tế và tại các cơ quan, công sở tham gia giám sát cộng đồng, địa phương…

Ông Chinh cho biết, hiện nay TP đã chủ động xây dựng các kịch bản và nguồn kinh phí trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và số lượng các ca F0 tăng lên.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại kỳ họp

“Dự kiến nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản như trường hợp có 3.000 ca F0 thì tổng nhu cầu chi gần 1.900 tỷ đồng, nếu 4.000 ca F0 chi gần 2.200 tỷ đồng và 5.000 F0 chi 2.600 tỷ đồng.

Với ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, TP đã thực hiện các giải pháp như rà soát, cắt giảm, sắp xếp các nhiệm vụ chi, sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định”, ông Chinh thông tin.

Theo ông, căn cứ vào phân tích tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay, UBND TP sẽ báo cáo xin ý kiến Thành ủy, HĐND TP về các giải pháp mạnh hơn về cách ly, giãn cách để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

“Với các giải pháp tổng thể quyết liệt được triển khai vừa qua và trong thời gian tới, TP rất mong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cùng thấu hiểu và chia sẻ khó khăn.

Tôi tin chắc rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Đà Nẵng sẽ sớm đẩy lùi dịch Covid-19”, Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.

Sẽ quá tải nếu có hơn 6.000 ca mắc Covid-19

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, TP đã trải qua những ngày rất áp lực với chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Sau khi kiểm soát bằng nhiều biện pháp, dấu hiệu cho thấy chuỗi lây nhiễm này đã đi xuống và thành phố đã thành công trong việc khống chế chùm bệnh này.

{keywords}
Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp để sớm khống chế dịch Covid-19

Tuy nhiên sáng nay (12/8), Đà Nẵng lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp ở chợ đầu mối Hòa Cường, địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho TP.

Bà Yến cho biết, TP có khoảng 2.500 giường thu dung, điều trị bệnh nhân và thiết lập thêm 300 giường hồi sức đủ điều kiện cho bệnh nhân thở máy, các điều kiện cao hơn như lọc máu, ECMO…

"Tuy nhiên, đây đã là những cố gắng hết và tối đa. Với tỉ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca Covid-19, khi TP có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức.

Nếu số ca dương tính tăng hơn nữa thì hệ thống y tế chắc chắn quá tải. Vì thế việc kiểm soát làm sao cho số ca bệnh giảm cần những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị”, bà Yến nêu.

Hồ Giáp

Bí thư Đà Nẵng: Bốn ngày nữa dịch không giảm sẽ áp dụng 'ai ở đâu phải ở đó'

Bí thư Đà Nẵng: Bốn ngày nữa dịch không giảm sẽ áp dụng 'ai ở đâu phải ở đó'

Nếu dịch bệnh không giảm trong 4 ngày tới, thành phố Đà Nẵng sẽ áp dụng phương án không mong muốn, đó là "ai ở đâu phải ở đó", người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, cán bộ, người lao động ở lại nơi làm việc.