- Chuyện đối phó tình huống của các cơ quan nhà nước nói chung và của Bộ GTVT nói riêng khiến người ta liên tưởng đến chuyện “bịt lỗ rò” của người nông dân trước đây.

Sau báo Tuổi trẻ, đến lượt VTV đưa lên những hình ảnh “cực kỳ sinh động và ấn tượng” về cảnh cô, trò tại Sam Lang, Nậm Pồ (thuộc tỉnh Điện Biên - nơi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”) qua suối bằng một cách độc nhất, vô nhị là chui vào…túi nilon.

Những hình ảnh “người thật, việc thật” do chính một cô giáo là người trong cuộc quay được đã khiến không ít khán giả nghẹn lòng, rơi nước mắt.

{keywords}

Ảnh cắt ra từ clip. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Người dân thành phố hàng ngày phóng xe vù vù trên những con đường trải thảm phẳng lì, dù có khả năng tưởng tượng phong phú cỡ nào, chắc cũng không thể nghĩ ra một loại phương tiện qua sông “ấn tượng” đến sởn gai ốc như thế!

Ngay sau đó, dù đang đi công tác tận Nhật Bản, Bộ trưởng Thăng cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương triển khai xây dựng cầu treo để phục vụ người dân ở địa phương nói trên. Hi vọng, các cô giáo, học sinh và người dân nơi đây sẽ sớm có một cây cầu vững chãi và câu chuyện qua sông bằng phương tiện đặc biệt…nguy hiểm này chỉ còn lưu lại trong ký ức.

Nói gì thì nói, hành động nhanh nhạy và quyết liệt này của Bộ trưởng GTVT rất đáng được ghi nhận. Mặc dù vậy, câu chuyện này lại khiến người viết không khỏi suy nghĩ và liên tưởng....

Trước đây, ở miền Trung “đất chật, người đông”, các cánh đồng được chia nhỏ thành những mảnh ruộng, lớn thì bằng cái sân kho hợp tác xã, nhỏ thì chỉ bằng vài cái chiếu cộng lại. Để đảm bảo công bằng theo nguyên tắc “có xa, có gần; có thấp, có cao; có xấu, có tốt”, mỗi hộ gia đình được chia vài ba mảnh ruộng manh mún như thế.

Thường do địa hình không đồng đều nên bà con phải đắp bờ xung quanh từng mảnh ruộng được chia để giữ nước. Mỗi khi hạn hán, bà con phải ngày, đêm lo tát nước vào ruộng để cấy lúa. Người dân cực nhọc là vậy nhưng lũ cua đồng thì dường như chẳng có chút động lòng trắc ẩn nào cả. Chúng cứ thi nhau đào lỗ, có khi xuyên cả bờ ruộng khiến bao nhiêu nước cứ theo đó mà chảy hết ra ngoài. Nhiều khi, chiều hôm trước ruộng còn đầy ắp nước nhưng sáng hôm sau đã cạn kiệt. Tiếng địa phương gọi đó là  “lỗ mộng”, tức lỗ rò.

Cũng chính vì vậy, sau khi tát nước đầy ruộng, bà con thường phải đi vòng quanh ruộng, căng mắt tìm cho bằng được các “lỗ mộng” để bịt chúng lại. Khổ nỗi, hễ cứ bịt lỗ này xong lỗ nọ thì lại phát hiện ra lỗ khác nên cuộc “chạy đua” giữa người và cua cứ diễn ra hết ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác.

Ngày nay, ở những nơi đã thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, nỗi khổ bịt lỗ rò của người nông dân đã lùi vào dĩ vãng.

Trở lại câu chuyện Bộ trưởng Thăng chỉ đạo làm cầu. Giá như trước đây, Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT chủ động rà soát thực trạng giao thông của tất cả các địa phương nhằm huy động, cân đối các nguồn lực xã hội để xây dựng cầu ở những nơi cấp thiết cho sinh hoạt hàng ngày của người dân thì chắc đã không có chuyện qua sông, suối bằng cách đu dây hay chui vào túi nilon đầy mạo hiểm như thế.

Trước tết Giáp Ngọ, Hà Nội vừa khánh thành đoạn đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” chỉ dài chưa đến 1km (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) với tổng vốn đầu tư ngót nghét hơn 700 tỉ đồng. Một số tiền lớn như vậy có thể xây được bao nhiều cây cầu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa?

Chuyện đối phó tình huống của các cơ quan nhà nước nói chung và của Bộ GTVT nói riêng khiến người viết liên tưởng đến chuyện “bịt lỗ rò” của người nông dân trước đây. Trên đất nước chúng ra, hiện có bao nhiêu nơi mà người dân phải vượt sông, vượt suối bằng những phương tiện bất đắc dĩ như thế? Hi vọng sau việc này, sẽ không còn có những clip tương tự, để rồi khi  truyền thông lên tiếng, Bộ trưởng Thăng lại phải chỉ đạo “xây cầu ngay”.

Thiết nghĩ, chỉ khi nào các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách của Nhà nước có tư duy, tầm nhìn chiến lược bài bản và khoa học thì mới xử lý triệt để các vấn đề quốc kế, dân sinh. Còn nếu vẫn mang nặng tư duy “bịt lỗ rò”, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ chẳng bao giờ vơi được. Và như thế, chắc hẳn cái đích “trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” sẽ còn rất xa vời.

Độc giả Thái Hưng