(TuanVietNam) - Tôi chưa bao giờ biết tên Hi Lạp của ông, một người trở thành bộ đội Việt Nam rồi thành đảng viên cộng sản ở Việt Nam từ năm 1949, ở lại Việt Nam sau những ngày chiến tranh trở thành công nhân lái máy kéo ở nông trường Cờ Đỏ (Nghệ an), rồi thợ máy ở nhà in Tiến Bộ...
Tháng 6.2008, trong nhà hàng trên tầng cao nhất của khách sạn Grande Bretagne, Hy Lạp, chúng tôi cùng bác Lập ngồi ăn sáng. Bác Lập được các anh làm công tác Việt Kiều ở sứ quán Việt Nam tại Roma kiêm nhiệm Hy lạp mời cùng tham gia chuyến đi thăm cố đô Nafplio ở bán đảo Peloponnese với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Biết có Chủ tịch nước cùng ăn sang ở bàn gần đấy, bác Lập muốn đến chào Chủ tịch nước.
Sau khi nghe tôi xin phép để bác Lập đến chào, Chủ tịch nước nói ngay "Để chú đến chào Cụ chứ sao lại để Cụ đến chào chú" và đứng dậy ngay, đi đến bàn của chúng tôi và ngồi nói chuyện với bác Lập gần 15 phút. Chủ tịch nước sau đó đã yêu cầu mọi người trong đoàn bố trí để bác Lập cùng đi với đoàn chính thức và trong chuyến đi đến Endeavors, Nemea và Nafplio trong ngày hôm ấy và trong suốt chuyến đi, Chủ tịch nước và bác Lập đã nói chuyện cùng nhau khá nhiều và trong bữa trưa ở Nafplio, Chủ tịch mời bác cùng ngồi ăn trưa trong nhà hàng bên bờ vịnh Argotic...
Năm 2009, trong dịp bác Lập về Việt Nam dự lễ kỷ niệm thành lập trung đoàn 803 và đón danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bác đã được đề nghị mang quốc tịch Việt Nam. Và việc này đã trở thành hiện thực năm ngoái, khi bác được mời đến Phủ Chủ tịch và nhận quốc tịch Việt Nam do chính Chủ tịch nước trao trong một buổi lễ trang trọng.
Những câu chuyện về bác có lẽ đã được nói đến khá nhiều ở các báo Việt Nam, nhất là trong vài năm gần đây, khi bác về Việt Nam khá thường xuyên, lúc thì để dự Hội nghị Việt kiều, lúc thì nhân dịp thành lập các đơn vị cũ hoặc để tham dự một chương trình. Có một điều, ít ai gọi bác bằng cái tên Hy lạp Kostas Sarantidis, ngay cả những người Việt Nam ở Hy lạp cũng gọi bác bằng cái tên Việt Nam than mật là bác Lập.
Bác Lập cùng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và đại sứ Nguyễn Văn Nam ở Endeavros, Hy Lạp. Tháng 6.2008. Ảnh của PQV. |
2. Tôi hay nói đùa với một số bạn bè, là bác Lập yêu đất nước Việt Nam có lẽ còn nhiều hơn tất cả chúng tôi cộng lại. Trở thành bộ đội Việt Nam rồi thành đảng viên cộng sản ở Việt Nam từ năm 1949, ở lại Việt Nam sau những ngày chiến tranh trở thành công nhân lái máy kéo ở nông trường Cờ Đỏ (Nghệ an), rồi thợ máy ở nhà in Tiến Bộ, cũng đã từng phải chịu khá nhiều chuyện không vui vì những ấu trĩ của một thời, mà nếu chuyện như thế xảy ra với người Việt nam có thể thậm chí sinh ra hận thù. Nhưng có lẽ bác Lập chưa bao giờ quên dành cho đất nước Việt Nam này một tình yêu vô điều kiện đến như vậy.
Trở về Hy Lạp mấy chục năm nay, nhưng bây giờ, bác Lập nói tiếng Việt còn tốt hơn chính cả vợ bác, một người phụ nữ Hà Nội chính hiệu đã nhiều năm ở Hy Lạp.
3. Dưới đây là nguyên văn một đoạn ghi chép của tôi trên trang Facebook cá nhân hồi tháng 3 năm ngoái về bác Lập.
"Thực ra tôi chưa bao giờ hỏi tên Hy Lạp của Bác. Khi tôi đặt chân đến Athens lần đầu tiên, thì tôi cũng đã được giới thiệu với Bác, một người đàn ông hồn hậu, vui vẻ hiếm thấy. Bác đến khách sạn Pentelikon, ôm chầm lấy tôi ở dưới sảnh, dù tôi lần đầu tiên được gặp Bác.
Câu chuyện của Bác từ những ngày đầu tiên ở biên giới Hy Lạp - Thổ, kéo tôi qua Đông Dương, rồi trở thành người lính chiến đấu ở quân khu 5, rồi thành thợ lái máy kéo ở nông trưởng Cờ Đỏ, làm thợ ở nhà máy in Tiến Bộ. Câu chuyện của Bác kể cho tôi vừa thấm đẩm những ký ức về đất nước Việt Nam một thời vất vả, vừa đầy sự phóng khoáng của mộ người đàn ông Nam Âu đầy gió nắng.
Những lần sau trở lại Hy Lạp, tôi đều cố gắng đến chơi hay hẹn gặp Bác, khi nhận ra Bác yêu đất nước Việt Nam này còn nhiều hơn cả chính những người đồng bào Việt Nam của tôi. Bác làm mọi thứ có thể để giúp đỡ cho đất nước Việt Nam "của bác".
Tôi nhớ lúc ngồi chờ bác ở ga Kiffisias, bác xách đến cho tôi một cây olive nhỏ, để tôi đem về Việt Nam một phần nhỏ của Hy Lạp, và kể cho tôi nghe câu chuyện bác đặt "in lậu" cuốn sách của bác viết về những tháng năm làm Việt Minh, đem đi bán ở các ga tàu, và gom tiền ấy gửi về Đà Nẵng tặng cho những người đồng bào nghèo khó của mình. Sẽ là khó hiểu, nếu tôi nói với các bạn rằng, chính bác và bác gái cũng sống khá vất vả ở Athens với mức lương hưu rất khiêm tốn. Và món tiền mấy nghìn Euro bác có được từ bán sách là một món tiền lớn với chính cuộc sống của bác ở đây...
Chưa một lần tôi thấy Bác kêu ca hay than phiền. Tình yêu của Bác dành cho Việt Nam trong sách và vô điều kiện tới mức, tôi chưa một lần dám than phiền với bác về mọi thứ ở nhà, chỉ ngại bác buồn lòng.
Hôm qua nói chuyện với bà đại sứ Hy Lạp, nghe nói lương hưu của người Hy Lạp sẽ bị cắt giảm, người đầu tiên tôi nghĩ đến là bác Lập.
Nếu tôi có một ước mơ, thì có lẽ đó sẽ ước mơ có được sự lạc quan và một tình yêu lớn lao như bác Lập đã dành cho đất nước Việt Nam của tôi.
4. Tháng trước tôi đến Hy lạp, nghe anh Vũ Bình, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hy lạp cho biết, bác Lập đã giúp anh chị em người Việt thành lập được Hội những người Việt Nam ở Hy lạp, nhưng bác đề nghị đăng ký tên gọi chính thức là Hội hữu nghị Hy lạp Việt Nam, bởi vì, bác nói "Nên có chỗ cho những người Hy lạp yêu quý Việt nam cùng tham gia".
Gần 90 tuổi với mái tóc bạc phơ, bác vẫn luôn là một công dân Việt Nam đáng kính mà mỗi lần đến Hy Lạp, tôi muốn được ngồi bên cạnh để cảm nhận về tình yêu lớn lao bác dành cho đất nước tôi....
Phạm Quang Vinh