Những chia sẻ của ông Huỳnh Văn Cang (còn gọi là Tư Cang) - từng làm thư ký cho ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (sau này là Thủ tướng),  cựu Chủ tịch UBND Quận 11, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - là người được điều về nội đô Sài Gòn chuẩn bị cho ngày thống nhất - như 1 lát cắt lịch sử để hiểu thêm về ngày 30/4 của 45 năm trước.

Ký ức không bao giờ quên

Theo nhận định tình hình, khi nghe tin quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tâm trạng người dân khá lúng túng, hoang mang. Họ vừa mừng, vừa cả sợ nữa, nhưng không biết phải làm gì. Lúc này rất cần có người chỉ dẫn, trấn an.

Ông Tư Cang cho biết: “Lúc đầu chúng tôi định làm cờ, nhưng thấy không kịp. Sau mua giấy màu xanh đỏ vàng, hướng dẫn bà con làm cờ dán trước cửa, chứng tỏ đất nước được giải phóng, nhà nhà được giải phóng.

Lá cờ được coi như bùa hộ mạng, trấn an cho các gia đình liên quan đến chế độ cũ mà phần lớn ở khu Lữ Gia, gần trường đua Phú Thọ, quận 11”.

{keywords}
Ông Huỳnh Văn Cang kể lại chuyện ngày 30/4 lịch sử. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Một việc làm nữa mà đến giờ ông Cang vẫn còn nhớ gần như nguyên vẹn. Đó là, ông mượn chiếc xe Jeep của thầy giáo ở trường ĐH Bách khoa chạy phát loa tại trường đua, kêu gọi binh sĩ về nhà.

Ông Cang kể: “Khi đó, ở trường đua có khoảng 2 đại đội. Tôi chuẩn bị 1 đoạn thông báo để đọc loa. Đại ý là: “Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng nên anh em binh sĩ hãy hạ vũ khí, gom súng lại và cởi áo lính ra, nắm tay nhau về nhà”.

Cứ thế, thầy giáo chạy xe vòng quanh trường đua và đọc, rất thuyết phục. Binh lính nghe thế mừng lắm, liền bỏ súng, cởi áo lính và lũ lượt ra về, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút”.

Ông Cang nói thêm, sự việc này sau đó được Sở VH-TT TP xác nhận chỉ có bộ phận của ông là làm được việc phát loa kêu gọi binh sĩ buông súng thành công.

Theo ông Cang, ngày giải phóng tâm trạng người dân cũng rất khác, vừa mừng nhưng cũng vừa lo, một số người suy nghĩ cực đoan, nên khi có người chỉ dẫn là thấy được an tâm, bớt lo lắng.

{keywords}
Một khu dân cư ở quận 3, Sài Gòn treo cờ chào đón Quân Giải phóng. (Ảnh: Herve Gloaguen/Gamma-Rapho -st)

Ông Cang cũng kể, có vị linh mục ở nhà thờ trên đường Nguyễn Thị Nhỏ thuộc quận Tân Bình biết ông lãnh đạo khởi nghĩa trường đua nên - mời đến nói chuyện với giáo dân.       

“Sáng hôm sau, tôi đến nhà thờ nói chuyện và chỉ nói “vo”. Tôi nói: “Nay là ngày toàn thắng của Việt Nam thắng đế quốc Mỹ. Toàn thể dân tộc Việt Nam thắng Mỹ ở Việt Nam. Người có đạo hay không có đạo, nhiều hay ít, đã góp công vào thắng lợi này. Dù ai có làm gì cho ngụy quân, ngụy quyền thì cũng là bị ép buộc, chứ không ai muốn tiếp tay, không ai muốn cầm súng đi chống lại cách mạng”, ông Cang chia sẻ.

Lúc đó giáo dân đứng xung quanh nghe rất đông, tràn hết ra ngoài cửa. Toàn dân mừng, không chỉ những người đi kháng chiến.

“Sau buổi nói chuyện, tôi gặp lại vị linh mục. Ông khoác áo choàng mà các giáo dân nói phải dịp rất đặc biệt, long trọng lắm ông mới mặc. Ông bắt tay tôi nói: Cảm ơn cách mạng đã giải phóng Sài Gòn hầu như không có tiếng súng, rất êm ả, rất đặc biệt”, ông Cang xúc động nhớ lại. 

Cơ may được vào nội đô Sài Gòn 

Nhớ lại cơ may được ở Sài Gòn đúng ngày trọng đại của đất nước, ông Tư Cang cho biết, tháng 11/1965, sau 10 năm tập kết ra Bắc, ông trở lại miền Nam công tác ở Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định khối nông thôn.

Sau đó, năm 1967, Khu ủy rút ông qua làm Thư kí cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Gần 1 năm sau, ông Võ Văn Kiệt về miền Tây, còn ông ở lại tiếp tục làm thư kí cho các lãnh đạo ở khu.

{keywords}
Ông Cang lần giở những trang sách, tìm lại kí ức những ngày sau giải phóng xây dựng đất nước. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Khoảng tháng 3/1975, khi đang làm thư kí văn phòng cho ông Mai Chí Thọ (Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định), ông nhận lệnh vào nội thành Sài Gòn cùng 2 người nữa, phụ trách khu cạnh trường đua.

“Ông Mai Chí Thọ ra lệnh cho tôi đi, tình hình nước sôi lửa bỏng, giải phóng đến nơi rồi, “vô để giúp đồng bào khởi nghĩa , đón quân giải phóng”. Lập tức tôi gọi cô giao liên công khai để 1 tiếng sau lên đường. Khi đó ông Mai Chí Thọ cười hỏi vui tôi: “Sao đi gấp vậy”. Tôi nói: “Tôi sợ anh đổi ý”. Nhớ lại chuyện cũ, ông Tư Cang bật cười.

Ông Cang cho biết, ông nhờ em rể đang làm quân y trong nội thành lo thu xếp đi theo xe bồn chở xăng. Theo cậu em, ông nhìn giống Việt Cộng quá, đi bình thường vào sẽ bị bắt. Nhờ đó, ông vào nội thành trót lọt và về nhà em rể ở đường Lữ Gia, cũng là nơi các sĩ quan và lính Việt Nam cộng hòa ở rất đông.

{keywords}
Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về ngày 30/4 cách đây 45 năm, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

“Sau giải phóng, em rể tôi kể lại, Liên gia trưởng (người theo dõi địa bàn) có nói, thấy tôi đi vô nghi ngay là Việt Cộng, nhưng không kêu lính bắt vì thấy đại cuộc thua rồi, không gây thêm tội ác nữa”, ông Cang chia sẻ.

Thời gian ở nội đô, ông xây dựng các mối quan hệ, kêu gọi tinh thần yêu nước của những người có thế lực như thầy giáo, hải quan,… thành phần không ai dám xét nhà bao giờ, để tìm nơi ẩn náu cho người của ta chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

“Khi ông Dương Văn Minh chính thức nhận chức Tổng thống ngày 28/4, thì biết khả năng giải phóng rất cao, chúng tôi rất mừng. Và sau đó tình hình diễn ra rất nhanh chóng”, ông Cang nói.

Hòa giải dân tộc theo tinh thần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông Tư Cang cho biết, ở nội thành chỉ biết quân mình đã bao vây, nhưng tấn công là ngày nào thì không biết. Chỉ biết qua tuyên bố của Dương Văn Minh “các binh sĩ hạ súng đứng yên, chờ lệnh mới”.

{keywords}
Hình ảnh đi vào lịch sử của dân tộc, khi ông Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn ra trước đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN

“Chúng tôi sẵn sàng ngồi đây chờ quân giải phóng vô để bàn giao, lời tuyên bố của Dương Văn Minh, tôi là người trong cuộc thấy tinh thần và công của ông đáng được xem xét lắm”, ông Cang bày tỏ.

Sau này, cách đánh giá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ông Dương Văn Minh là có công. Khi ông Minh chưa kêu gọi binh sĩ buông súng, rất nhiều lực lượng chống lại. Nếu họ nổ súng thì ta cũng sẽ buộc phải nổ súng. Khi ấy, chắc thành phố tan hoang. Sự chuyển biến lúc đó là như vậy.

{keywords}
Người dân Sài Gòn đổ ra đường vẫy chào quân Giải phóng ngày 30/4. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nếu ta chỉ nói thua nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải đầu hàng thì chưa thật sự thỏa đáng. Nên chăng, rất cần có sự đánh giá cho đúng về vấn đề này. Cần có cái nhìn đầy đủ hơn về việc tuyên bố đầu hàng của ông Minh khi đó. Trước hết là vấn đề bảo toàn tính mạng cho người dân và các công trình của thành phố khi ta vào tiếp quản.

Ông Dương Văn Minh sau này cũng nói. Ông ở lại vì nhận thấy cách mạng còn cần ông, cần ông tuyên bố buông súng. Có nhiều người cấp dưới nói: “Chúng tôi sẵn sàng nổ súng, sao lại đầu hàng?”. Ông nói: “Vì đồng bào, vì xương máu của người dân và anh em nên tuyên bố vậy", để mọi người nhận thấy một sự thật đang hiện hữu.

{keywords}
Ông Tư Cang cho rằng, tinh thần và công của ông Dương Văn Minh đáng được xem xét. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ông Tư Cang cũng nhìn nhận: “Ông Kiệt cũng từng nói: Chiến thắng nói qua ai cũng biết. Vì giải phóng có 1 triệu người vui nhưng cũng có 1 triệu người buồn. Những người có thân nhân tham gia chế độ cũ, sao vui được. Nên hiểu tâm trạng người phía bên kia, người ta cũng đau xót. Nên nói vừa thôi. Đây là cái nhìn thấu đáo và rất mới, rất hay của ông Võ Văn Kiệt khi còn giữ trọng trách”.

“45 năm đã qua, lịch sử đã đủ độ dài cần thiết để các thế hệ hôm nay nhìn lại cuộc chiến kỳ lạ và đau thương của dân tộc. Ngày 30/4 là ngày không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Đó là ngày non sông thu về một mối, là ngày mà sự chia ly của biết bao gia đình người Việt được hàn gắn và đoàn tụ. Lịch sử ngày 30/4 sẽ còn mãi là vết son nhưng phía trước, một tương lai mới đã và đang mở ra cũng rất cần có một cái nhìn mới, mở ra cùng sự phát triển của đất nước”, ông Tư Cang tâm sự.

Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn

Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn

 Đại tá Đào Chí Công chia sẻ kỷ niệm trong thời kỳ hoạt động ở Trại Davis - “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn những ngày tháng lịch sử năm 1975.

Bảo Anh