XEM CLIP:

Tương truyền, vùng đất xóm 2, xã Nghi Thịnh xưa kia là một trong nhiều căn cứ địa bí mật của nghĩa quân Lam Sơn. Nơi đây có quần thể 5 cây thị to lớn, được nghĩa quân dùng làm cọc để buộc voi chiến.

Năm 1788, trên đường tiến quân ra Thăng Long đánh giặc Thanh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ dừng chân tại Nghệ An để tuyển quân. Đội tượng binh (voi chiến) của nghĩa quân Tây Sơn cũng được buộc tại 5 gốc thị này.

{keywords}
Cây thị Họ có thân hình đồ sộ

 

{keywords}
Gốc thị Hồng được Tư lệnh Quân khu 4 dùng làm hầm trú ẩn

Là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Lê, ông Lê Minh Thưởng (SN 1940, chủ nhân 5 cây thị) cho biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những cây thị trở thành hầm trú ẩn của nhân dân và bộ đội.

Mỗi thân cây rỗng trở thành một căn hầm, dưới đất một hệ thống giao thông hào được đào liên hoàn.

{keywords}
Cây thị từng được nghĩa quân Lam Sơn dùng để buộc voi

Dưới mưa bom bão đạn đó, 5 cây thị to lớn vẫn nguyên vẹn, không một mảnh bom nào chạm được vào thân cây. Người dân địa phương truyền tai nhau, trong cây thị có "ma" nên không bom đạn nào động đến được.

Ông Thưởng cho biết, dù đã gần 700 năm tuổi, nhưng 5 cây thị vẫn đơm hoa kết trái, mỗi cây lại có đặc điểm riêng.

Trong số 5 cây thị, cây lớn nhất gọi là thị Họ, thân cây to 6-7 ôm. Bên ngoài thân sần sùi, gân guốc, rễ cây cắm sâu chạy khắp cả khu vườn, tán cây xòe rộng. Vỏ cây mốc meo với nhiều loại cây tầm gửi, trong đó có cả hoa phong lan sinh sống.

{keywords}
Quả cây thị có màu vàng ươm như mỡ gà

 

{keywords}
Vỏ cây có nhiều loại thực vật bám rễ sinh sống

Hàng năm, thị ra hoa vào tháng 3, đến giữa tháng 6 thì quả chín. Quả thị Họ rất to, nặng khoảng 6-7 lạng/quả, tỏa hương thơm ngát cả một vùng.

Ông Thưởng kể lại, trong thân cây thị Họ rỗng ruột, có một khoảng không rất lớn. Trước đây, các binh lính vi phạm kỷ luật thường bị phạt bỏ vào hốc cây, ai cũng khiếp sợ.

Cũng giống cây thị Họ, cây thị Hồng to lớn, chi chít những hốc, những khối u sần sùi. Bên trong thân cây rỗng đủ cho 1-2 người ngồi. Theo ông Thưởng, gốc cây thị Hồng ngày xưa được Tư lệnh Quân khu 4 dùng làm hầm trú ẩn, trực tiếp chỉ huy, lãnh đạo quân đội đánh giặc.

Cây thị cho quả gần bằng quả cam, quả lúc chín có màu phớt hồng nên được gọi là thị Hồng.

{keywords}
Bên trong thân cây như một hang động bí hiểm

Cho quả nhỏ hơn là 3 cây thị Bần. Thân cây to lớn 4-5 người ôm. Quả thị Bần là nhỏ nhất, chỉ bằng quả quýt nhưng không có hạt, mọc thành từng chùm, chi chít quả. Khi chín, thị cho mùi thơm rất dễ chịu, ăn vào ngọt lịm.

Bạc tỷ không bán

Ông Thưởng cho biết, vào giữa tháng 6 quả thị bắt đầu chín, người dân đến xin hái quả về thắp hương. Trẻ con trong làng đến chơi trò trốn tìm trong các hốc cây và hái thị ăn. Do cây lớn cho quả rất nhiều nên hái không xuể, quả chín rụng khắp mặt đất.

Kỳ lạ thay, quả thị chỉ ăn được vào trước ngày rằm tháng 7, để sau rằm thì quả nào cũng có giòi. Theo người dân địa phương, sau lễ cúng cô hồn, những hồn ma chưa được siêu thoát, không người cúng viếng sẽ đến ăn những quả thị này, khiến quả có giòi.

{keywords}
Quả thì có mùi thơm rất đặc trưng, gắn liền với nhiều tuổi thơ của nhiều người ở nhiều miền quê khác nhau

Năm 2008, một vị đại gia từ miền Nam ra tham quan. Quá thích thú 5 cây thị nên người này đòi mua cả đất vườn cùng cây với giá 12 tỷ đồng để làm khu du lịch sinh thái.

Hồi đó, nếu bán vườn thị thì có thể xây lại nhà thờ họ từng bị Mỹ ném bom cháy trong chiến tranh, hoành tráng nhất làng, xây được nhiều nhà cho người nghèo trong họ.

Ông Thưởng và những người trong dòng họ Lê lúc bấy giờ cũng đắn đo, đánh đổi giữa giữ cây chứa đầy kỷ niệm, ký ức cả dòng tộc, làng xã hay cầm lấy số tiền lớn chưa từng thấy ở mảnh đất nghèo khó này.

Ông nghĩ, tiền rồi cũng tiêu hết, mất 5 cây thị thì coi như con cháu mình mất cây, mất gốc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rồi mọi người cùng nhất quyết không bán.

{keywords}
5 gốc thị gần 700 năm tuổi được trả 12 tỷ đồng nhưng không ai dám bán

Những ngày cuối năm, dù đã lớn tuổi nhưng ông Thưởng vẫn tự tay làm cho mình một cây cờ Tổ quốc cắm ở đầu ngõ để đón Tết. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về lại có rất nhiều thế hệ trong dòng họ Lê Văn đi làm ăn xa trở về, đến thắp hương cho tổ tiên.

Đây là dịp để con cháu về thăm vườn thị, kể cho nhau nghe những câu chuyện lịch sử từng gắn liền dòng tộc và những cây thị.

Ông Lê Văn Lưu – Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh cho biết, thấy được giá trị sinh học và lịch sử của 5 cây thị cổ thụ, mỗi năm xã đều có tờ trình lên cấp trên, xin hỗ trợ để gia đình ông Thưởng có điều kiện chăm sóc cây tốt hơn.

“Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho gia đình ông Thịnh 17 triệu đồng. KCứ đến dịp xuân về, lãnh đạo xã Nghi Thịnh lại đến chúc Tết vợ chồng ông Thưởng”, ông Lưu chia sẻ.

Cận cảnh 5 cây cổ thụ khủng ở An Giang

Cận cảnh 5 cây cổ thụ khủng ở An Giang

An Giang có 5 cây cổ thụ “khủng” được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản (Viet Nam Heritage Tree).

Phạm Tâm - Quốc Huy