- Sinh sống ở cái xóm nhỏ ven sông Hậu, 40 năm qua ông Tư Hài được nhiều người biết đến khi đã cứu sống hàng trăm nạn nhân chìm tàu và nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
“Kình ngư” sông Hậu
Đến ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh (Vĩnh Long) hỏi thăm nhà ông Dương Công To - Đội trưởng Đội dân phòng tự quản phòng chống tội phạm trên sông ai cũng biết.
Người dân nơi đây, còn gọi ông To bằng những cái tên thân mật như: ''Tư Hài'' hay ''Tư cứu người''.
Ông Tư Hài năm nay đã 75 tuổi |
Ông Tư Hài quê gốc ở xã Cái Ngang, huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Đây là vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Sau khi học xong trung học kỹ thuật, ông tham gia phong trào đấu tranh trong sinh viên, học sinh. Trong những năm tham gia phong trào, ông gặp một người phụ nữ quê xứ bưởi năm roi Mỹ Hòa và nên duyên chồng vợ.
Sau khi đất nước giải phóng, ông Tư về quê vợ sống và mưu sinh bằng nghề đóng đáy trên sông Hậu. Lúc bấy giờ, giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân chủ yếu sử dụng ghe tàu làm phương tiện đi lại và buôn bán hàng hóa.
Tuy nhiên, những lúc mưa to lại gặp gió chướng thổi mạnh, ghe tàu chìm hàng loạt và cướp đi nhiều sinh mạng. Thấy đau thương liên tục xảy ra trên đoạn sông gần nhà, ông Tư nảy ra ý tưởng thành lập đội cứu hộ - cứu nạn trên sông.
Cây cầu Cần Thơ, nơi đã có 34 người nhảy sông tự tử và ông Tư đã cứu được 8 người |
Dần dà, đội cứu hộ của ông Tư có 6 thành viên, đều là những người chuyên đi đóng đáy và bơi lội giỏi như “kình ngư”. Từ đó, một đoạn sông Hậu dài gần 5km, đội cứu hộ của ông đã “chăm sóc” kỹ càng cả ngày lẫn đêm.
“Mỗi khi thấy mưa to, gió lớn là tôi ra chiếc chòi lá dưới sông nhìn ngược xuôi khắp sông Hậu, chờ cứu người. Cứ nhìn thấy bóng đen ngập lặn ngoài khơi hay nghe tiếng âm thanh lạ dưới sông, tôi liền lấy chiếc tù ra thổi gọi các thành viên trong đội, chèo ghe ra cứu. Từ đó đến nay, chúng tôi đã cứu sống hàng trăm người trên khúc sông này”, ông Tư kể lại.
Do ông bơi giỏi, cứu sống nhiều người gặp nạn trên sông nên người dân trong xóm đặt cho ông những biệt danh gắn liền với sông nước như: ''rái cá'' hay ''kình ngư trên sông Hậu''.
Nghe những cái tên mọi người đặt cho mình, ông Tư chỉ vui vẻ cười thật to, rồi tiếp tục chuyện chèo ghe đi cứu người trên sông.
Vui buồn chuyện cứu người tự tử
Năm nay đã 75 tuổi, nhưng ông Tư vẫn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông kể, từ khi cầu Cần Thơ khánh thành, đến nay, đã có 34 người nhảy cầu tự tử. Trong đó, ông đã cứu sống được 8 người (4 nam, 4 nữ).
“Đa phần những người nhảy cầu tự tử vì buồn chuyện tình cảm, gia đình hoặc làm ăn thất bại. Tuy nhiên, người chết hay sống đều có điểm chung là da trên cơ thể đều bị lột vì sức ép của nước quá mạnh. Có trường hợp được cứu sống nhưng cũng phải sống trong cảnh tật nguyền vì bị dập gan, lá lách, gãy xương…”, ông Tư nói.
Cuốn sổ thống kê danh sách người nhảy cầu Cần Thơ |
Do người nhảy cầu tự tử quá nhiều, ông Tư phải dùng đến cuốn sổ để ghi chép lại những thông tin của các nạn nhân. Cuốn sổ này ông Tư gọi vui là “sổ tử thần”, vì nó ghi lại tất tần tật các chi tiết nhỏ nhất như: tên tuổi nạn nhân, số thứ tự, giờ giấc nhảy cầu và phát hiện tử thi…
Ông Tư còn nhớ rất rõ, trường hợp nhảy cầu Cần Thơ đầu tiên là một đôi nam nữ yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm.
“Cầu mới khánh thành được 4 ngày, đôi nam nữ chạy xe đến và cùng nhau tự tử. Khi nam thanh niên lao xuống nước thì cô bạn gái bất ngờ ngất xỉu do hoảng sợ nên may mắn sống sót. Thi thể nam thanh niên, mấy ngày sau mới tìm thấy. Và cứ 1-2 tháng lại xảy ra các trường hợp nhảy cầu tự tử tương tự” - ông Tư nhớ lại.
Câu chuyện khiến ông Tư Hài cảm thấy ''vừa vui vừa giận'' là trường hợp 2 thanh niên nắm tay nhau nhảy xuống sông tự tử. Rất may, do nhảy trúng vào đám lục bình lớn trôi trên sông nên cả hai thoát chết. Nhìn thấy sự việc, ông Tư nhanh chóng chạy ghe ra cứu hai nam thanh niên vào bờ.
“Tôi vừa đưa chúng nó tới bờ, chưa kịp hỏi nguyên nhân vì sao làm chuyện dại dột như thế, chúng đã nhanh chân chạy mất, không nói một lời cảm ơn. Lúc đó, tôi cũng giận lắm, nhưng nghĩ lại mình đã cứu được hai mạng người nên bỏ qua tất cả” - ông Tư kể lại.
Cũng có lúc ông Tư cảm thấy chạnh lòng, khi nghe người khác nói việc làm của mình là... bao đồng.
“Việc làm có nhiều người khen chê khác nhau. Có người nói tôi làm chuyện tào lao. Họ nói sao tôi rảnh quá, người ta muốn chết thì cho toại nguyện đi, tại sao cứ cãi mệnh trời chi cho khổ. Nghe xong cũng buồn, nhưng nhìn thấy người khác gặp nạn mà không cứu hhì còn gì là tình nghĩa con người với nhau”, ông Tư bộc bạch.
Ngoài việc cứu người trên sông, ông Tư còn tham gia đội săn bắt cướp giúp chính quyền địa phương ổn định tình hình trật tự. Ông Tư đã tham gia bắt giữ, khống chế nhiều tên giang hồ hay các đối tượng nghiện ma túy.
Sau nhiều năm cứu người và cống hiến cho đời, ông Tư được trao tặng nhiều bằng khen của các sở ban ngành tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an tuyên dương về phong trào đấu tranh săn bắt cướp.
Hoài Thanh - Q.Huy