- Nếu như thời kỳ hưng thịnh của đá đỏ là đỉnh điểm của những vụ thanh trừng, của máu, của những vụ siết có, đâm chém lẫn nhau giữa các bang phái, thì thời kỳ sụp đổ của 'đế chế' này, lại là giai đoạn xuất hiện “phi đội” cò đá đỏ. Không biết bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản vì đá đỏ.

Nhắm mắt cũng lãi tiền tỷ

Trong dòng người đổ xô về mảnh đất Quỳ Châu ngày đó, người ta thấy những chiếc ô tô 4 bánh, chở những người ăn mặc nho nhã, tay xách va ly căng phồng giấy bạc. Họ lặng lẽ đến, lặng lẽ đi, thoắt ẩn, thoắt hiện. Không mấy ai biết rõ họ tên, gốc gác của những người lạ mặt này. Chỉ biết, họ đến đây để buôn giọt máu của lòng đất  - đá Rubi.

Cơn ác mộng ở thủ phủ Quỳ Châu thực sự bắt đầu khi nhóm người lạ mặt này xuất hiện. Sau này, người ta mới vỡ lẽ ra, đây là những đại gia lừa đảo có tiếng.

“Nghề lừa, cũng lắm công phu” -  một đại gia từng làm mưa, làm gió, từng phất lên như diều gặp gió thời kỳ đá đỏ đã chua xót khi thốt lên như vậy.

Cạnh khu vực đồi Tỷ, có một chợ xép, thường gọi là chợ Tôm. Giờ thì chợ Tôm chỉ là vài ba cái quán liêu xiêu dựng bên vách đường. Người dân dựng lên để bán mớ rau trên rừng, con cá dưới suối. Chợ Tôm giờ cũng đìu hiu, giống như Đồi Tỷ vẫn nằm im, rêu phong phủ kín.

Chợ Tôm ngày nay.
 

Thế nhưng, hơn 20 năm về trước, đây là khu vực đông đúc và sầm uất nhất dùng để buôn bán đá đỏ. Thời kỳ đầu, phu đào đá đỏ, nếu đào được lô hàng ít có giá trị thì đưa ra đây, ngồi bệt xuống đường để bán, giống như người ta vẫn thường bán mớ rau ở chợ. Còn người mua, thôi thì đủ loại người từ tứ xứ đổ về. Hà Nội cũng lắm, Sài Gòn cũng nhiều, dân bản địa cũng có. Kẻ bán, người mua, huyên náo cả một quãng đường.

Nhiều người từng nổi danh buôn bán đá đỏ ở đất này bảo rằng: thời kỳ đầu, kiếm tiền dễ lắm. Đá đỏ nhiều đến nỗi nhắm mắt mua đá vẫn lãi tiền tỷ. Chính vì buôn đá lời, nên những kẻ tức thời, có máu mặt thường chuyển từ nghề đâm thuê, chém mướn sang buôn đá đỏ, hoặc là bảo kê, hộ tống cho những ông trùm buôn đá đỏ.

Thời đó, chuyện người mua một viên đá, trị giá dăm ba triệu đồng, sau một đêm tức tốc, phi ra Hà Nội, đã lãi hàng trăm triệu đồng không phải là chuyện hiếm.

Nhiều người ở thủ phủ đá đỏ Châu Bình, còn truyền tai nhau về  cái sự giàu của ông trùm buôn đá đỏ Phan Bá Giang.

Phan Bá Giang, người từng là 'trùm' buôn bán đá đỏ. Giang cũng chính là người sau này bị sạt nghiệp vì đá đỏ.

Một buổi chiều, hai em gái của Giang theo dân bản đi đào và được một số viên đá rất đẹp, trong đó có cả đá rubi. Sau khi nghe các em kể lại, đá đỏ quý hơn vàng... thế là Giang bắt đầu tìm hiểu. Nhờ có thời gian dài đi buôn gỗ mà Giang quen biết được nhiều đầu mối ở Hà Nội, sau đó anh chuyển nghề buôn đá quý.

Sẵn có chút vốn liếng từ tiền bán gỗ, Giang bỏ vào buôn đá. Mấy chuyến đầu, mỗi chuyến mua xong mang ra Hà Nội bán và lời ít nhất 70 đến 100 triệu đồng/chuyến. Được bao nhiêu Giang lại bỏ vào làm vốn buôn chuyến lớn hơn.

Có lần mua viên đá quý của người dân chỉ với giá 32 triệu đồng, sau đó mang ra Hà Nội bán cho một "nậu" khác với giá 72.000 USD. Sở dĩ bán được với giá cao quá sức tưởng tượng như vậy là do "nậu" bị hớ. Đó là khi Giang ra giá "tám mươi"- có nghĩa là "80 triệu đồng", thì phía bên kia (nậu) tưởng Giang đòi "tám mươi" - là 80 nghìn USD. Sau một hồi thương thảo,"nậu" trả Giang "bảy hai" có nghĩa là 72.000 USD, khi ấy Giang mới biết.

Bán được hàng rồi, Giang ôm tiền mua vàng. Giá 1kg vàng hồi đó chỉ tương đương 87 triệu đồng. Ôm được đống tiền khổng lồ, Giang mới thấy giá trị của đá đỏ quê mình. Có vốn rồi, quay về quê quyết định mở một cửa hàng kinh doanh vàng bạc và đá quý ngay trên đất Châu Bình.

Và cũng từ đó, Phan Bá Giang trở thành trùm buôn đá đỏ ở vùng đất này. Thời điểm nhiều tiền nhất là trong khoảng cuối năm 1990 đầu 1991, số tiền trong túi anh đã lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Phi đội cò và sự sụp đổ của 'đế chế đá đỏ'

Nghe đâu, thời hoàng kim của đá đỏ, có người chỉ sau một thời gian dài đã kiếm cho mình gần chục ngàn cây vàng. Có người còn mua được hàng ngàn m2 đất ở ngay Thành phố Vinh. Những cái tên như Mân Côi, Trường Sinh, Phú Nguyên Hải cũng phất lên nhờ cơn sốt đá đỏ.

Thế nhưng, không hiểu vì lẽ gì mà nhiều người trong số các đại gia buôn đá đỏ, rút cuộc lại trắng tay. Người rơi vào vòng tù tội, kẻ thì khuynh gia bại sản. Chẳng ai lý giải được nguyên do, có người thì cho rằng: đá đỏ - đó là giọt máu của thần rừng. Nên ai lỡ đào nó lên, sẽ vướng phải lời nguyền. Lời nguyền đó, nghe đâu cũng huyền bí. Nó bắt đầu xuất hiện từ những vụ sập hầm, từ việc những phu đào đá đỏ bị vùi chôn trong lòng đất.

Chẳng ai có thể phân biệt được đâu là đá Ruby, đâu là đá cồng nghiệp nếu nhìn bằng mắt thường.
 

Đế chế đá đỏ ra làm 3 thời kỳ: thời kỳ sơ khai, thời kỳ hưng thịnh và suy vong. Nếu như thời kỳ hưng thịnh của đá đỏ là đỉnh điểm của những vụ thanh trừng, của máu, của những vụ siết cò, đâm chém lẫn nhau giữa các bang phái thì thời kỳ sụp đổ của đế chế này, lại là giai đoạn xuất hiện “phi đội” cò đá đỏ.

Thời kỳ cuối này đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản vì đá đỏ, vì mắc phải cái bẫy của một nhóm người lạ mặt.  

Những người đàn ông lịch lãm, đi trên những chiếc ô tô sang trọng, tay xách những chiếc va ly căng phồng chẳng hiểu từ đâu bỗng xuất hiện tại thủ phủ Quỳ Châu. Theo chân họ là đám lâu la bản địa.

Lúc đầu, chẳng ai biết những người này là ai, đến đây với mục đích gì. Nhưng, dần dần, dân đào đá đỏ mới hay rằng: họ là những tay buôn đá đỏ cỡ bự.

Nhiều người lân la để làm quen với các đại gia này. Chính cách tiêu tiền như nước và những món lời khổng lồ sau những phi vụ buôn bán đá đã làm một số người bị mê hoặc.

Một số người dân bản địa phất lên nhờ đá đỏ lúc này mới vỡ lẽ: Muốn giàu, phải buôn đá đỏ. Mà muốn buôn đá đỏ, phải lỳ, phải liều. Nghĩ vậy, bao nhiêu vốn liếng, họ vứt vào hùn với các đại gia lạ mặt.

Phi vụ đầu tiên, các đại gia bản địa người ít thì vài ba trăm triệu, kẻ nhiều thì 1 vài tỉ đồng góp chung với các đại gia lạ mặt. Phi vụ đầu tiên kết thúc. Tất cả đều hả hê bởi trong chốc lát đã lãi hàng trăm triệu đồng. Mà nào có mất nhiều thời gian đâu, có khi vừa mua xong một lô hàng cửa trước, ra cửa sau đã bán lãi hàng trăm triệu đồng.

Phi vụ thứ 2, vẫn thế. Số tiền lúc này được dồn vào nhiều hơn. Cộng cả tiền gốc và lãi của phi vụ đầu tiên, rồi huy động anh em, bạn bè, mỗi người cũng giắt lưng ngót nghét vài tỷ để buôn đá đỏ. Và cũng như lần đầu, số tiền lãi sau mỗi phi vụ buôn bán làm họ ngây ngất.

Đại tá Tăng, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát 113, Công an Hà Tĩnh nhớ lại những chiêu thức lừa đảo thời đó.

Lần cuối, nhóm người lạ mặt bỗng dưng triệu tập tất cả các đại gia phố núi trong một khách sạn hạng sang ở Vinh để thông báo: Có người ở Thái Lan, muốn đặt mua một lô hàng lớn, trị giá cỡ vài chục tỉ. Hiện đã gom được gần nửa số hàng trên, mọi người khẩn trương về gom nốt hàng còn lại. Vụ này nếu thành công, mỗi người chắc lãi cả tỷ đồng.  

Cuộc họp kết thúc nhanh chóng. Những đại gia phố núi lại tức tốc về Quỳ Châu để gom hàng. Chẳng hiểu sao, ngay sau hôm đó, lại có thông tin người dân vừa đào được một lô đá đỏ khá lớn, có thể đáp ứng được đơn đặt hàng của vị khách bên Thái Lan. Vậy là bao nhiêu tiền vốn và lãi buôn bán bấy lâu nay, các đại gia phố núi dốc hết để mua lô hàng.

1 ngày, 10 ngày rồi 1 tháng, chẳng thấy ai quay lại để nhận hàng. Lo lắng vì toàn bộ gia sản đã dốc hết để mua lô đá đỏ trị giá hơn chục tỷ, cả nhóm lập tức phi ra Hà Nội để bán bớt đi một ít, lấy vốn để quay vòng.

Đến lúc này, họ mới vỡ lẽ: toàn bộ lô hàng hơn chục tỷ đồng trên đều là đá giả, nếu đem bán tống, bán tháo cũng chỉ mua đủ mấy cân thịt lợn.

Đại tá Tăng, nguyên Trưởng phòng CS 113, công an Hà Tĩnh cho hay: thời đó, dân lừa đảo rất chuyên nghiệp. Họ mang những viên đá công nghiệp màu đỏ mang về Quỳ Châu, rồi trà trộn vào những hầm khai thác đá, ném xuống hố.

Sau đó, cho nguời loan tin về việc có người đào được những viên đá đỏ quý. Một phi đội cò mồi cũng xuất hiện để nâng cao giá trị của viên đá này. Và, không ít nguời đã bị sập bẫy bởi những thủ đoạn hết sức tinh vi này.

  • Hoàng Sang – Quốc Huy

Kỳ tới: Tiết lộ chiêu thức 'biến' đá giả thành đá thật