Phát biểu đề dẫn hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng hôm nay (22/10), PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, đất nước ta bước vào nhóm đang phát triển có thu nhập trung bình thấp…
Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược chưa thật sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để.
PGS.TS Vũ Văn Phúc |
Cụ thể, đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dù hệ thống pháp luật từng bước được bổ sung nhưng chưa đồng bộ, hoàn thiện. Việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế tuy đã đạt kết quả bước đầu song sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại một cách dai dẳng khó xóa bỏ ở nhiều cấp độ đang là rào cản lớn đối với sự phát triển.
Những căn bệnh cũ của nền hành chính nhà nước vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản… Thêm vào đó là tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân.
Đột phá về nguồn nhân lực thì giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển…
Theo ông Phúc, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII nêu ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung các khâu đột phá cụ thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển.
Vì vậy, ông Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào việc xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược trong các giai đoạn: 2021 – 2025, 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tôi sợ nhất những người ăn theo nói leo
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học cho rằng, cuộc Cách mạng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang đặt chúng ta trước thách thức lớn nhất của thời đại.
“Nếu chúng ta còn chậm nữa thì không bao giờ có thể đuổi kịp chứ chưa nói là vượt mức thu nhập khá”, GS, Chuẩn nhấn mạnh.
Chính vì vậy, đột phá đầu tiên không phải là kinh tế thị trường, vì đó là mảng phải làm, không thể khác được mà quan trọng là tổ chức như thế nào? Theo ông Chuẩn, đột phá đầu tiên phải là đột phá về nhân lực chất lượng cao, giới tinh hoa.
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học |
Ông đặt hàng loạt vấn đề “chúng ta đã có tầng lớp đó chưa?. Một người làm khoa học suốt đời lĩnh lương không bằng một anh mới ra trường thì phải tính đến việc đầu tư như thế nào?.
Nguyên Viện trưởng Viện Triết học lưu ý, không có tầng lớp tinh hoa đừng nói đến cách mạng nào hết, kể cả trong nghiên cứu khoa học và trong các cơ quan đầu não.
“Tôi sợ nhất những người ăn theo nói leo và không bao giờ dám nói ý kiến ngược gì với ý kiến số đông hoặc đã được đưa ra. Những ví dụ này nhiều lắm chứ không phải ít”, ông Chuẩn nêu thực tế và nhấn mạnh, không có sáng tạo đất nước không lên được.
Đề cập đến tình trạng đề tài khoa học có thể tiêu tốn mấy tỷ nhưng thực tế tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp nhà nước, ông phát hiện ra những trường hợp chép nguyên xi ở một công trình nào đó.
“Có đề tài dù tôi ngồi hội đồng nhưng chép nguyên xi bài của tôi vừa mới ra tháng 2/2020. Khi nói ra chủ nhiệm đề tài mới ớ ra, đau khổ cho khoa học Việt Nam. Cho nên bằng tiến sĩ bây giờ thì nhiều nhưng chất lượng thì yếu lắm”, ông dẫn chứng.
Nguyên Viện trưởng Viện Triết học cảnh báo, nếu không chú ý đến khâu quản lý, điều hành của nhà nước thì rất nguy hiểm; nếu không dám đột phá, không có những căn cứ đủ để đưa ra những quyết định, dẫn đến quyết định sai lầm thì rất nguy hiểm.
“Tôi nhớ năm 1972, khi chiến tranh đang nổ ra, GS Tạ Quang Bửu trong hội thảo có nói "các anh đừng biến xã hội này thành phòng thí nghiệm, thực hiện điều các anh muốn mà không có căn cứ nào hết thì cực nguy”, ông tiếp tục dẫn chứng.
Theo GS. Chuẩn, muốn có đột phá thì phải có đội ngũ, phải có con người đáp ứng được và phải có chính sách. Một đất nước mà không đủ chính sách để khuyến khích những người thực sự tài năng thì không thể đi lên.
Phát triển con người là đột phá của mọi đột phá
PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đề xuất 4 đột. Trong đó, đột phá đầu tiên phải là đột phá tư duy phát triển đặt lên hàng đầu, có tính chất mở đường.
“Một câu hỏi đặt ra, liệu giai đoạn phát triển mới hiện nay có phải dựa trên nền tảng căn bản của những tư duy phát triển theo chiều rộng đang tồn tại hay không? Quan điểm cá nhân tôi là không thể được mà đòi hỏi phải có bức phá trong tư duy. Đó là tư duy phát triển; tư duy trong mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa xã hội; tư duy về hội nhập quốc tế”, PGS Toản phân tích.
PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương |
Ông Toản bày tỏ rất mừng khi trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa rồi có nhấn mạnh hai điểm: một là đổi mới tư duy, hai là vấn đề thể chế.
Còn đột phá thứ hai, theo ông Toản là thể chế phát triển đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Đột phá thứ ba là phát khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo PGS Trần Quốc Toản, đột phá phát triển con người mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo được vai trò chủ thể của những người phát triển, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Để hình thành giá trị của dân tộc, một niềm tin của dân tộc, khát vọng của dân tộc thì phải kết nối được với giá trị của con người.
“Trong bốn đột phá này thì phát triển con người là đột phá của mọi đột phá”, GS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
Ba đột phá chiến lược trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII: - Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. |
Thu Hằng
Yếu tố "hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII
Một trong những điểm mới của văn kiện Đại hội XIII lần này là quán triệt tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy giá trị con người Việt Nam, tranh thủ cách mạng 4.0, vì một “Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”.