VietNamNet giới thiệu một số đoạn trích của chương 11: "Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN"  trong hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh.

Từ ngày 15 đến 18/12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng diễn ra tại Hà Nội...

...Đối với nhiệm vụ quốc phòng, đại hội nêu bật quan điểm chỉ đạo: Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

{keywords}
Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 (ngồi ghế ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và một số đại biểu dự đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ 2 tại Hà Nội, năm 1976. Ảnh tư liệu

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương khóa 6 gồm 124 ủy viên chính thức, 49 ủy viên dự khuyết (Đảng bộ quân đội có 15 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đoàn đại biểu quân đội có anh Đoàn Khuê và tôi được bầu vào Bộ Chính trị.

Ngày 18/2/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định số 6782/HĐNN bổ nhiệm tôi - Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đoàn Khuê làm Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Nguyễn Quyết làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng bí thư của Đảng kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, tôi làm Phó bí thư.

Ngày 17 và 18/6/1987, Quốc hội khóa 7 họp kỳ thứ nhất bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước.

- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Võ Chí Công.

- Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lê Quang Đạo.

- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Phạm Hùng.

- Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: Võ Chí Công.

- Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: Phạm Hùng và các ủy viên: Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ và tôi.

Đại hội 6 đã quyết định công cuộc đổi mới đất nước với những nội dung cơ bản trong "đường lối đổi mới" như: xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế - xã hội bằng hành chính quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế hàng hóa với năm thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của nhà nước. Về quan hệ đối ngoại là thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa mà tư tưởng xuyên suốt là Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

Đây là những vấn đề mới mẻ, đầy thử thách, gian nan, nhất định phải làm bằng được, nhưng không thể nóng vội, vì cơ chế quan liêu bao cấp đã hằn sâu trong cán bộ các cấp, các ngành. Bởi vậy, Đảng ta chỉ rõ: thực hiện đổi mới trước hết là phải "đổi mới tư duy".

Triển khai thực hiện chủ trương này, về lĩnh vực quốc phòng, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và các đồng chí trong cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới. Anh Đoàn Khuê tiếp tục xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược.

Chúng tôi thống nhất trong điều chỉnh chiến lược, bố trí lại đội hình chiến lược bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức mạnh chống lại mọi tình huống chiến tranh.

Đó là con đường đổi mới xây dựng quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

{keywords}
Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới năm 1987. Ảnh tư liệu

Sau khi tôi báo cáo ý tưởng về điều chỉnh chiến lược, được Bộ Chính trị nhất trí, chúng tôi tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó nòng cốt là Bộ Tổng Tham mưu, tiến hành song song hai việc lớn. Một là, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược và giảm quân số. Hai là, soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình và triển khai trên toàn quốc "Thế trận chiến tranh nhân dân" và nhiệm vụ "Quốc phòng toàn dân", làm cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị ra nghị quyết số 02/NQ-BCT xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết được triển khai thực hiện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống; phát động được toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã, tạo nên sức mạnh tại chỗ của nền quốc phòng.

Ở đây tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về "Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, tự lực, tự chủ và đoàn kết quốc tế" đã được vận dụng phù hợp với tình hình mới, hoàn cảnh mới của đất nước.

Cũng từ đây, ngày truyền thống 22/12 vốn là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, giờ mang thêm một ý nghĩa - "Ngày hội Quốc phòng toàn dân". Anh Đoàn Khuê chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tiến hành nghiên cứu biên soạn và triển khai tổ chức thực hiện cuộc điều chỉnh chiến lược với tư tưởng xuyên suốt là đánh lâu dài, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, số quân thường trực ít, nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt, xây dựng khu vực phòng thủ bền vững bảo đảm cho người dân vừa đánh giặc vừa sản xuất phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống.

...Một vấn đề nữa là chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển. Phương hướng là sẽ giảm quân thường trực với số lượng lớn, nhưng lực lượng nghiên cứu khoa học nên tăng chứ không giảm.

Công việc khẩn trương, đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Nhiều đêm chúng tôi phải thức trắng để làm việc. Anh Đoàn Khuê chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí lực lượng, từng đơn vị, từng cơ quan một, trong đó đặc biệt chú ý cân nhắc khi bố trí các đơn vị chủ lực cơ động của Bộ, của các quân khu, lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng không quân, hải quân. Chú ý khâu bảo quản và hiện đại hóa vũ khí, tiến tới tự động hóa phòng không tầm trung và tầm cao. Lực lượng hải quân phát triển và bố trí ngày càng thêm chặt chẽ ở hướng Cam Ranh, biển đảo và đóng được tàu 5.000 tấn, tiến lên 10.000 tấn.

{keywords}
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (mặc áo trắng thắt cravat, đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Quân chủng PK-KQ, cán bộ, phi công, nhân viên Trung đoàn Không quân 937, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận ngày 1/5/1996. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở đó, đã bố trí lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược quan trọng, vùng biển đảo và biên giới đất liền, các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế... Bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước vững chắc trong mọi tình huống. Bộ Chính trị quyết định di chuyển vị trí đóng quân của Quân đoàn 3, một trong những quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, từ miền Bắc vào Tây Nguyên, đồng thời tăng cường lực lượng ở Cam Ranh và vùng biển đảo. Cơ cấu biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, chức năng của các học viện, nhà trường trong toàn quân cũng được điều chỉnh thích hợp.

...Tiến hành đồng thời với việc điều chỉnh bố trí đội hình chiến lược là tính toán cụ thể việc giảm quân số để bảo đảm đánh lâu dài và trực tiếp giảm chi phí quốc phòng. Lúc này, Bộ Chính trị không nói mức giảm là bao nhiêu, mà để Bộ Quốc phòng tính toán sao cho hợp lý. Tôi đưa ra con số giảm trên 60% số quân thường trực và xin ngân sách quốc phòng từ 15 đến 18%, đầu tiên là tổng ngân sách, tiến tới là ngân sách thu trong nước. Với quân số cuối cùng này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và anh Đoàn Khuê bắt tay vào xây dựng kế hoạch.

Khi Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch điều chỉnh chiến lược và giảm mạnh quân số quân đội, từ quân thường trực 1,5 triệu xuống còn 45 vạn và bước đầu để 5 vạn quân dự bị (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn), nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường, thì toàn thể Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn, gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản.

Đi đôi với việc giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể cải thiện đời sống cho bộ đội tại ngũ; giải quyết việc làm và đời sống cho số cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ trong đợt giảm quân số thường trực về địa phương...

Tướng Trà và kỷ niệm 2 lần ‘tranh cãi’ với Đại tướng Lê Đức Anh

Tướng Trà và kỷ niệm 2 lần ‘tranh cãi’ với Đại tướng Lê Đức Anh

Khi thảo luận trận đánh, có 2 lần tôi cãi ông. Lúc đầu cũng ngại, tưởng ông không nghe, nhưng ông đã nghe, Đại tướng Phạm Văn Trà chia sẻ về Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh