- Một con rắn sống dưới giếng nước nhà ông Trần Sỹ Thuận (xóm 3, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) cứ mỗi lần người dân gọi là nó lên, bảo “múa” là lại lật mình uốn lượn.

Chuyện nghe tưởng như đùa. Nhưng hơn một tuần qua người dẫn xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn đã đồn thổi tai nhau về con rắn biết “múa” này.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã về tận nơi và trực tiếp được xem con rắn hiện đang sống dưới giếng nhà ông Thuận.

{keywords}
Cận cảnh con rắn biết múa

Điều đáng nói, đúng như lời đồn, khi con rắn xuất hiện, người dân ở đây chỉ cần nói 'múa đi', con rắn bỗng lật ngửa mình lên rồi úp xuống sau đó uốn lượn.

Không những biết “múa” mà mỗi khi có người đến thăm, chỉ cần gọi là con rắn này nổi lên.

Ông Thuận - nhà có cái giếng trên cho biết, giếng nằm ở góc vườn nhà ông từ lâu đời. Cái giếng này vẫn được người dân địa phương gọi là giếng đền.

Tương truyền, xưa vua Đinh từng nghỉ chân ở đây trong lúc đi đánh giặc. Khi về đến khu vực này thì có một vị quan cận thần đánh giặc bị thương và chết.

Sau khi quan cận thần chết, nhà vua cho lập miếu thờ tại đây. Đồng thời nhà vua cho đào giếng nước vừa để lấy nước thờ cúng và phục vụ cho quân lính ăn uống, tập trận.

Giếng chỉ sâu hơn một mét, nhưng điều ngạc nhiên là không bao giờ cạn dù khắp nơi có hạn hán.

Vào những ngày rằm, lễ tết người dân địa phương toàn đến múc nước ở giếng này uống để mong thần linh phù hộ cho sức khoẻ.

Để bảo vệ giếng nước, mới đây, ông Thuận cho sửa lại giếng. Sau khi giếng được sửa xong thì cũng là lúc người dân thấy một con rắn xuất hiện.

{keywords}
Ông Thuận (Phải) đang kể về việc xuất hiện con rắn lạ dưới giếng nhà mình.

Con rắn dài khoảng 1 m, đường kính nơi lớn nhất khoảng 3cm, trên thân rắn có một số khoang màu trắng, phía sau đỉnh đầu có một vòng trắng, ở giữa có chấm đen.

Theo ông Thuận thì con rắn này thường xuyên đổi màu. Lúc đầu khi ông mới phát hiện thì con rắn có màu đen, đến ngày sau đó chuyển sang màu trắng đục như vôi và ngày tiếp theo chuyển sang màu vàng.

Điều khiến dư luận xôn xao là con rắn biết nhảy múa. Một số người dân địa phương còn có thể gọi rắn lên, “điều khiển” được rắn múa, phình mang, nổi lên mặt nước, uốn mình chỉ bằng một câu nói “múa đi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Hữu Cơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, huyện cũng chưa biết về vấn đề này.

Trước thông tin trên, huyện sẽ cho người xuống xác minh cụ thể.

Lê Anh