Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2012-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM vừa được Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra vào cuối tuần qua, TP.HCM không có quận, huyện nào thuộc diện phải sắp xếp.

Giảm 2 quận và 10 xã phường

Tuy nhiên, TP thực hiện sắp xếp đối với 3 quận theo diện khuyến khích là nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức.

Đối với cấp xã, TP.HCM có 10/322 ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 9 đơn vị liền kề có liên quan đến việc sắp xếp và không có đơn vị nào thuộc diện khuyến khích.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày các tờ trình của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2012-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM

Theo đề án này, sau khi sắp xếp, TP.HCM giảm được 2 ĐVHC cấp huyện, từ 24 xuống còn 22 và giảm 10 ĐVHC cấp xã, từ 322 còn 312. Tuy nhiên, có 8 ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp nhưng chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Đề án Chính phủ trình cho biết hai phường An Khánh và Thủ Thiêm giải toả trắng nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm dù sau sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn nhưng trên địa bàn hai phường đã được quy hoạch và triển khai xây dựng các khu đô thị. Vì vậy, khi các dự án hoàn thành và khai thác thì quy mô dân số sẽ đạt trên 130 nghìn người, lớn hơn khoảng 8 lần so với quy định.
 
Qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành với phương án sắp xếp trong đề án Chính phủ trình. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành khá cao. Đề án cũng được 21 thành viên Chính phủ thống nhất.

Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Pháp luật lưu ý, việc sắp xếp ĐVHC cần dựa trên các điều kiện, tiêu chuẩn hiện có của địa phương, không thể căn cứ vào số liệu ước tính trong tương lai.

Mặt khác, nhiều dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bị chậm tiến độ do khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Vì vậy, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ dự án tại hai phường An Khánh và Thủ Thiêm, tránh tình trạng thành lập tổ chức bộ máy ở ĐVHC nhưng lại không có dân cư. 

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền TP.HCM có giải pháp, biện pháp phù hợp để làm tốt công tác quy hoạch, quản lý dân cư, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở những địa bàn này.

Dôi dư 634 người

Về công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã tại ĐVHC mới sau khi sáp nhập, TP.HCM cũng gặp bài toán khó là số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức dôi dư quá nhiều.

Cụ thể, sau khi sắp xếp ba quận để thành lập TP Thủ Đức, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư là 399 người. Còn sau khi sắp xếp 19 phường thành các ĐVHC mới, số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 102 người, số lượng người hoạt động không chuyên trách dôi dư 133 người.

Về lộ trình, phương án sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi thành lập TP Thủ Đức, đề án đưa ra giải pháp thực hiện chính sách tinh giản biên chế; chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ.

Về lộ trình thực hiện, ban đầu mới sắp xếp, số lượng cấp phó, số lượng biên chế có thể cao hơn quy định nhưng sau giảm dần theo đúng quy định. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TP.

Đối với cấp xã cũng tương tự, riêng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, TP sẽ bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị (xã, phường, thị trấn) trong quận, huyện còn thiếu. Còn không bố trí, sắp xếp được thì động viên cho thôi việc và được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Theo báo cáo đánh giá tác động của đề án, về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công,  TP.HCM đã có văn bản chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND các quận, phường tại những ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi địa giới ĐVHC.

Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện ngay khi Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp có hiệu lực thi hành, tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ do thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Đặc biệt, TP.HCM yêu cầu các đơn vị không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ do thực hiện sắp xếp ĐVHC. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại ĐVHC mới; cần có thời gian để thực hiện việc thay đổi.

Phương án sáp nhập 19 phường:
- Nhập nguyên trạng phường An Khánh với phường Thủ Thiêm quận 2.
- Nhập nguyên trạng phường Bình Khánh với phường Bình An quận 2.
- Nhập nguyên trạng phường 6 và phường 7 quận 3.
- Nhập nguyên trạng phường 5 với phường 2 quận 4.
- Nhập nguyên trạng phường 12 với phường 13 quận 4.
- Nhập nguyên trạng phường 12 với phường 15 quận 5.
- Nhập nguyên trạng phường 3 với nguyên trạng địa giới ĐVHC của phường 2 quận 10.

- Nhập nguyên trạng phường 12 với phường 11 quận Phú Nhuận.
- Nhập nguyên trạng phường 14 với phường 13 quận Phú Nhuận.

Thu Hằng

HĐND TP.HCM thông qua chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức

HĐND TP.HCM thông qua chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức

HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua chủ trương thành lập TP Thủ Đức và tên gọi của đơn vị hành chính mới này.