Du khách trải nghiệm hoạt động du lịch đêm tại công viên châu Á Đà Nẵng |
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin, năm 2019, Đà Nẵng đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài gần 3 triệu khách. Du lịch góp 64% tỉ trọng tăng trưởng GRDP của TP.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến với TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt âm 3,61%.
“23 năm qua, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng có mức tăng trưởng âm. Dịch Covid-19 làm đời sống người dân bị ảnh hưởng vì mất việc làm, DN chịu tổn thất, ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Để phục hồi phát triển du lịch, thời gian qua TP đã có nhiều nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của hiệp hội các công ty bằng nhiều kênh, giải pháp. Qua gần 1 tháng thực hiện chương trình kích cầu “Da Nang Thank you”, lượng khách đến TP đạt gần 500.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa”, ông Chinh thông tin.
Nếu không có kinh tế đêm thì Đà Nẵng sẽ buồn hơn
Du khách xem biểu diễn lân sư rồng tại công viên châu Á Đà Nẵng |
Ông Trần Đinh Thiên cho rằng, tại nhiều nước phát triển, đóng góp của kinh tế đêm cho nền kinh tế rất lớn. Các TP du lịch nổi tiếng đều có kinh tế ban đêm.
Việc phát triển kinh tế đêm sẽ mang lại các lợi ích lớn như thúc đẩy du lịch địa phương, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại. Thúc đẩy nền kinh tế hoạt động liền mạch, xây dựng chân dung đô thị mới, thân thiện và gần gũi hơn.
Tuy nhiên, lâu nay du lịch Đà Nẵng nếu chỉ có ban ngày không thì cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Vì nếu chỉ tắm xong lại đi ăn, ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1-2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều.
“Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm. TP Đà Nẵng là TP đáng sống nhưng mới là đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm thôi. Phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được liệt vào TP du lịch nổi tiếng thế giới”, ông Thiên chia sẻ.
Theo ông Thiên, với lợi thế đang có là các khu du lịch, thiên nhiên, bãi biển…thì Đà Nẵng là nơi khởi đầu tốt nhất để thúc đẩy kinh tế đêm. Đây cũng là nơi đề xuất ra cơ chế vận hành kinh tế đêm cho cả quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Thiên cho rằng, Đà Nẵng đáng sống ban ngày, chưa phải nơi đáng sống ban đêm.
|
Chia sẻ về phát triển kinh tế đêm cho Đà Nẵng, ông Thiên đưa ra những giải pháp như:
Đà Nẵng phải chủ động truyền thông việc kinh tế về đêm mạnh hơn, có hệ thống và bài bản hơn. Cần để người dân hiểu được lợi thế và điểm yếu của kinh tế ban đêm để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
TP Đà Nẵng cần tận dụng chương trình kinh tế ban đêm do Thủ tướng đề xuất mà Đà Nẵng lại đề xuất làm và phối hợp.
“Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế ban đêm bài bản, tổng thể chứ không phải đến đâu hay đến đấy. Nếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, trong văn kiện tới đây đưa được nội dung này vào thì sẽ chính thống hơn rất nhiều.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển các khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn với chợ đêm, nhà hàng ẩm thực. Định hình các khu vực chủ lực với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, nhiều kinh nghiệm”, ông Thiên nói thêm.
Đà Nẵng định hướng phát triển kinh tế đêm
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm |
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhận định, phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới đối với đất nước. Riêng Đà Nẵng là lĩnh vực còn mới mẻ hơn.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, Đà Nẵng đã bắt tay vào tìm các giải pháp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Kinh tế của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ TP đặt ra trong thời gian tới.
“TP có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng, thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư du lịch ban đêm phát triển các sản phẩm mới”, ông Chinh nói.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, TP cơ bản đã hình thành các dịch vụ du lịch về đêm bao gồm vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm như: công viên châu Á, Bà Nà Hills, các hoạt động lễ hội dọc sông Hàn, phố đêm, phố đi bộ.
Đà Nẵng xác định kinh tế đêm là chiến lược cạnh tranh quan trọng để bứt phá hoạt động du lịch, kích thích chi tiêu, tăng ngày lưu trú, tạo việc làm.
“Ngành du lịch xác định 4 nhóm dịch vụ đêm cần phát triển là vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, tham quan du lịch để thu hút nhà đầu tư tham gia. Chúng tôi sẽ nghiên cứu trình HĐND TP các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đêm. Trong đó, sẽ cùng các cấp ngành đề xuất cơ chế hấp dẫn mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế đêm", bà Hạnh cho hay.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, mới đây trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch 2 địa phương Đà Nẵng – Đắk Lắk có biên bản ký kết về hợp tác khôi phục du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nội dung hợp tác giữa Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh công tác triển khai "Bộ tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19" do Hiệp hội Việt Nam đã ban hành và tham gia chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam du lịch Việt Nam". |
Thi hành án sân Chi Lăng có thể 'phá nát' quy hoạch Đà Nẵng
Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết, nếu giải tỏa 3 lô đất bên trong sân vận động Chi Lăng sẽ phá nát quy hoạch của TP trước đây là xây dựng khu phức hợp.
Lê Bằng