- Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm là bản được công bố trong lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969 tại Hội trường Ba Đình.


Vì sao để ngày mất 3/9?

Còn nguyên văn các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày mất chính thức của Người phải tới hơn 20 năm sau mới được công bố (căn cứ vào Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 “của Bộ Chính trị về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Tổng bí thư khóa VI của Đảng Nguyễn Văn Linh ký).

Theo thông báo trên, “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, ngày Quốc khánh của nước ta nên để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc nên Bộ Chính trị quyết định công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47phút ngày 3/9/1969”.

Những trăn trở

Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, 9 giờ ngày 11/5/1968, Bác ngồi vào bàn, trước bản Di chúc đã viết năm 1965. Nếu nói về hình thức văn bản thì bản di chúc Bác viết năm 1965 đã hoàn thành.

{keywords}
Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969. Ảnh tư liệu

Nhưng cũng giống như ba văn bản cực kỳ quan trọng viết trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử đất nước: “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” năm 1966, cứ còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt.

Ngoảnh nhìn về quá khứ, nghĩ sâu về tương lai, trông trước, trông sau, trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu, dự kiến những thăng trầm có thể xảy ra trong từng bước đi của lịch sử, đó là tầm vóc của một vĩ nhân: “Tháng 5 năm 1968, khi xem lại thư này, tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm, không đi sâu vào chi tiết.

Thông báo ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị cho biết: “Những điều viết thêm năm 1968 chưa công bố là vì năm 1969 còn đang tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương (khóa III) dự định đến một thời điểm thích hợp sẽ công bố những điều chưa được công bố trong bản Di chúc của Bác.”

Đó là lý do hơn 20 năm sau ngày Bác mất, toàn văn các bản viết di chúc của Người mới được công bố.

Di chúc 1965 và những nội dung được sửa

Bản Di chúc công bố trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó được chọn là bản Di chúc được viết năm 1965, được đánh máy có chữ ký của Bác và chữ ký chứng nhận của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ lúc bấy giờ Lê Duẩn và có thay thế bằng một số đoạn viết các năm sau; cũng có một chỗ sửa chữa lại.

Cụ thể, lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965.

Đoạn viết Về việc riêng, lấy nguyên văn Bác viết về bản thân năm 1968 trừ đoạn nói về hỏa táng.

Theo Thông báo và theo nhận thức của nhiều người thì sự thay thế hai đoạn trên là hợp lý , trung thực vì đều lấy từ các bản Bác viết năm 1968-1969

Nhưng bản Di chúc đã công bố năm 1969 đã sửa một câu trong bản Di chúc Bác viết năm 1965 như sau: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa” thành “Cuộc chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Cần lưu ý bản viết năm 1969, Bác vẫn để nguyên, điều này theo nhiều nhà nghiên cứu thì Bác viết như thế là có sự cân nhắc, có tính toán thể hiện khả năng dự báo thiên tài của nhà chiến lược Hồ Chí Minh, giống như tháng 2/1942 Bác đã viết “1945 Việt Nam độc lập”.

Dự báo khoa học không phải làm cho người ta lạc quan tếu mà ngược lại, trong lúc cực kỳ khó khăn, nó lại là sự kích thích động viên rất lớn.

Bản Di chúc đã công bố năm 1969 đoạn viết “Về việc riêng” bỏ hẳn đoạn Bác viết năm 1965 yêu cầu thi hài được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”.

Về việc riêng, bản viết năm 1968 Bác đã nhắc lại yêu cầu được hỏa táng và chôn cất ngắn gọn như sau: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoach trồng cây trên và chung quanh đồi Ai đến thăm thì trổng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

Đã xin phép Bác…


Về vấn đề không thực hiện yêu cầu được hỏa táng trong Di chúc Người thì thông báo của Bộ Chính trị ngày 19/8/1969 giải thích là “theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn” .

Trên tinh thần ấy, 45 năm đã qua thi thể Người vẫn được Đảng và Nhà nước ta không tiếc công sức, tiền của, trí tuệ để bảo quản, giữ gìn và tu bổ theo định kỳ hàng năm.

Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trang nghiêm đối diện với hội trường Ba Đình lịch sử - nơi Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và cũng là nơi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta làm lể truy điệu, vĩnh biệt Người.

Từ bấy đến nay đã có một Bộ tư lệnh ngày đêm canh giữ bảo vệ Lăng theo nghi thức cao nhất của quốc gia.

Nhiều năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị cho công bố nguyên văn các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn, nhiều cán bộ, đảng viên đã làm theo Di chúc của Người là khi qua đời thực hiện nghi thức an táng tại đài hóa thân hoàn vũ. Tin chắc rằng rồi đây điện táng sẽ là hình thức phổ biến của nhân dân ta.

Trần Đình Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)