- Người chủ trương phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ.

Nắm vững “ngũ tri” và luôn “biết mình, biết người” là một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận thức được vai trò và vị thế VN là một nước nhỏ, Người vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp tư duy phương Đông về “Ngũ tri” (năm cái biết - biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến) trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước lớn.

Nhìn cho rộng, suy cho kỹ

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm 1955

Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, phải suy cho kỹ” để biết người, biết mình, luôn làm chủ tình thế.

Hiểu rõ vị trí chiến lược của VN trong mối quan hệ giữa các nước lớn và trong sự dính líu trực tiếp của tất cả các nước lớn ở bán đảo Đông Dương trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng việc xử lý quan hệ với các nước lớn.

Người nhận ra rằng, để đương đầu với các nước lớn, ngoại giao đóng vai trò rất quan trọng.

Người chủ trương phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất và vận hành nội trị và ngoại giao từng nước lớn, quan hệ hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn cùng những giới hạn của các mối quan hệ đó.

Chỉ khi “biết người” như vậy thì ngoại giao VN mới có thể độc lập tự chủ, nhưng vẫn mềm dẻo linh hoạt, mới có thể thực hiện những nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương.

Người luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn, đặc biệt là khi họ là nước bại trận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa hiếu và nhân đạo của cha ông khi đánh thắng giặc ngoại xâm trong phương cách đối xử với quân Pháp thất trận.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu QH Tiệp Khắc tại nhà sàn 1960

Người căn dặn không nên sỉ nhục đối phương, vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Người nêu chủ trương “trải thảm đỏ” hoặc “nhịp cầu vàng” để Mỹ rút quân về nước.

Người căn dặn phái đoàn ngoại giao của VN trước khi đàm phán tại Paris với Mỹ rằng: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”.

Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc VN. Đây cũng chính là sự thông hiểu và nắm bắt các tinh hoa văn hóa Đông - Tây trong việc theo đuổi những mục tiêu đối ngoại của VN.

Phong cách đối ngoại tinh tế

Phong cách trong hoạt động ngoại giao thể hiện cả đạo đức và nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của phương Đông và phương Tây.

{keywords}

Sự nhất quán giữa phương châm đối ngoại hòa hiếu, nhân đạo và phong cách ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh được thể hiện qua những cử chỉ chân thành, thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của Người và trong cách đối xử nhân đạo với kẻ thù, cũng như trong sự thủy chung và tình người đặc biệt mà Người đã dành cho các nước bạn bè của VN.

Để bày tỏ mong muốn hòa bình và chấm dứt chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giơ tay bịt đầu nòng pháo khi đi thăm khu bảo tàng Normandie ở Pháp (1946).

Trả lời câu hỏi: ông có phải là người cộng sản hay không, Người lấy những bông hoa trong bình tặng cho các phóng viên và nói “tôi là người cộng sản như thế này này”.

Với tấm lòng nhân ái bao dung, Người luôn độ lượng và chủ trương khoan hồng đối với tù binh chiến tranh. Trong Thư gửi tù binh Pháp nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân VN xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn”.

Phong cách ngoại giao đầy tính khoan dung cũng luôn được thể hiện trong cách Người nói về những mất mát của chính những người lính trong hàng ngũ kẻ thù.

Người viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào VN, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái nuôi Elizabeth bên cạnh bà Lucie Aubrac

Chính vì vậy, mặc dù Người lãnh đạo dân tộc VN đánh bại cả ba đế quốc to cùng với mọi thế lực phản động trong nước nhưng Người không có kẻ thù riêng nào.

Người đã dựa vào sự am tường của mình về văn hóa Trung Hoa, đã vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha ta trong cách ứng xử với Trung Quốc, khéo xử lý quan hệ Việt - Trung trong mối quan hệ với các nước lớn khác.

Nhờ vậy mà Người đã tranh thủ được ở mức cao nhất sự ủng hộ tinh thần và vật chất to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho VN trong kháng chiến chống Mỹ.

Là hội tụ tinh hoa của nền văn hóa phương Đông, Người luôn giữ thái độ khiêm nhường, cử chỉ giản dị và sự coi trọng tình cảm.

Người tặng khăn quàng cho một vị khách nước ngoài đến thăm VN trong mùa đông vì thấy người đó bị ho. Khi sang thăm Ấn Độ, Người vẫn nhớ mang vòng hoa và cây đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh ra Thủ tướng Neru, người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp từ trước đó rất lâu (1927).

Thủ tướng Ấn Độ Neru từng nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết, mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc”.

Phong cách ứng xử nhân văn ấy được nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam ghi nhận: “Toàn thể con người Ông toát lên một phong thái bình dị và tế nhị bẩm sinh... Ông là tiêu biểu cho một nền văn hóa, không phải là nền văn hóa châu Âu mà có lẽ tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai”.

Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao