- Gần 40 năm, vị tướng già vẫn nhớ như in lần đầu gặp Đại tướng. Một bức ảnh đen trắng chụp chung với Người được gìn giữ vẹn nguyên, trang trọng treo giữa nhà như một kỷ vật thiêng liêng.
Ở ngoại ô TP. Vinh (Nghệ An) có người cựu chiến binh đặc biệt. "Tôi đã 4 lần được gặp Đại tướng. Tôi lăn lộn khắp chiến trường từ lúc là một chiến sỹ đến khi đeo quân hàm thiếu tướng, kỷ niệm sâu sắc nhất là lúc được gặp Người lần đầu tiên" - thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5 rưng rưng khi lục lại ký ức một thời quân ngũ.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng bên bức tranh chụp với Đại tướng, một kỷ vật được lưu giữ cẩn thận trong nhà ông nhiều năm qua. |
Ở tuổi 86, khuôn mặt vị tướng già vẫn sáng bừng lên khi nhắc lại những kỷ niệm chiến trường. Bắt đầu từ năm 1947, lúc ông đang là chiến sỹ cảnh vệ đã được điều động vào lực lượng bổ sung chiến đấu tại Liên khu 10 ở Chiến dịch Việt Bắc.
“Tiểu đoàn 542, trung đoàn 165 chúng tôi liên tiếp tham gia 6 chiến dịch lớn, trong đó quan trọng nhất là Chiến dich Điện Biên Phủ. Chúng tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh cứ điểm đồi Độc Lập, sau đó đào chiến hào, dựng trận địa bao vây chia cắt sân bay Mường Thanh.
Lúc đó, mệnh lệnh mà Đại tướng giao cho chúng tôi là ‘Cắt đường tiếp tế, chọc thủng dạ dày’; bằng mọi cách phải chia cắt sân bay Mường Thanh, tạo tiền đề tổng công kích” - thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ lại.
Bức tranh ‘bảo vật’ của thiếu tướng Bùi Đức Tùng. |
Sau kháng chiến 9 năm, ông Bùi Đức Tùng vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tại đây, lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh rất đặc biệt.
“Lần đó là vào năm 1976 khi tôi đang là Chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5 vừa giành chiến thắng vang dội ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Hay tin Đại tướng vào thăm, chúng tôi chưa kịp chuẩn bị gì thì Người đã đến.
Quá đỗi bất ngờ, Đại tướng thân mật ôm tôi để chúc mừng, động viên sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giây phút đó, tôi như quên hết mọi mệt nhọc, mồ hôi và cả máu khi bước ra từ chiến trường.
Đại tướng dặn dò chúng tôi không được chủ quan lơ là, phải học tập rèn luyện, chăm lo đời sống chiến sỹ và các thương binh, giúp đỡ đồng bào. Tôi không bao giờ quên được buổi gặp gỡ Đại tướng ngày hôm đó” - thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể.
Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sỹ Điện Biên Phủ ở TP. Vinh. |
Cho đến hôm nay, bức ảnh chụp lại khoảnh khắc Đại tướng ôm hôn, động viên Chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5 vẫn được ông Tùng nâng niu, gìn giữ như một báu vật. Bức ảnh đen trắng thể hiện rõ tình cảm sâu sắc mà giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngoài lần gặp gỡ này, ông Tùng còn có may mắn được gặp gỡ Đại tướng thêm 3 lần nữa. Đó là những lần cùng đoàn cựu chiến binh Nghệ An ra Hà Nội chúc sức khỏe Đại tướng, và một lần lúc Đại tướng về thăm Nghệ An.
"Lần gặp nào Đại tướng cũng giản dị, thân mật như người trong nhà. Đại tướng luôn như vậy, mệnh lệnh thì nghiêm khắc nhưng tình cảm thì đặc biệt quan tâm, gần gũi. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi gọi Người là Anh cả đâu" – ông Tùng nhớ lại.
Hay tin Đại tướng ra đi, hàng vạn cựu chiến binh ở TP. Vinh, trong đó có 82 người từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ đều sững sờ, không muốn tin đó là sự thật.
"5h sáng ngày 5/10, khi tôi chuẩn bị đi tập thể dục, ông bí thư xóm hớt hải chạy đến trước cổng kêu tôi ra để thông báo. Đại tướng mất rồi! Tôi sững sờ như mất một điều gì đó thân quý nhất" - ông Tùng bùi ngùi.
Chiều ngày 9/10, ông Hồ Việt Hùng, Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh Nghệ An cho biết, Tỉnh hội đã có văn bản hướng dẫn việc lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở Hội CCB tỉnh, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn và khối cơ quan đoàn thể. “Bàn thờ được lập theo hướng dẫn của BCH TƯ Hội CCB Việt Nam, ngoài di ảnh và băng tang, phải bố trí thêm tivi để theo dõi trực tiếp lễ truy điệu Đại tướng vào 7h ngày 13/10. Bàn thờ được lưu giữ đến 16h ngày 13/11/2013 và có cán bộ, hội viên CCB thường trực thắp hương” – ông Hùng cho biết. |
Cao Thái