- Sáng nay, QH thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các đại biểu đã đưa ra những nhận xét về đề án cũng như chỉ ra những thách thức đối với Bộ GD-ĐT khi thực hiện chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) mới.

Vẫn băn khoăn từ mục tiêu

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh chưa đồng ý khi dự thảo đề án khi đánh giá CT-SGK hiện hành còn nặng tính hàn lâm. “Tính hàn lâm trong nhiều trường hợp được hiểu là tính học thuật. Vấn đề là trong môi trường giáo dục phải đề cao tính chất học thuật. Giáo dục cần phải nâng tầm nhận thức của con người chứ không đơn thuần chỉ dạy những kỹ năng thông thường” - bà Hạnh khẳng định.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhận xét: “Có một câu hỏi đặt ra là chương trình hiện hành cũng đưa ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng vì sao không đạt được yêu cầu? Tôi cho rằng để CT-SGK mới thực hiện được mục tiêu đúng đắn như đã đề ra thì Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT, cần trả lời câu hỏi trên để làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp phù hợp”.

ĐB Trần Minh Diệu thì cho rằng mục tiêu đề án đưa ra không mới, đã có từ rất lâu, ngay từ khi nền giáo dục cách mạng hình thành đã có mục tiêu là đào tạo con người mới vừa hồng vừa chuyên, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội… “Để phản ánh đúng thực trạng và tránh ngộ nhận cho rằng những mục tiêu nói trên là hoàn toàn mới, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tiếp tục đổi mới” vào trước các mục tiêu trong dự thảo đề án”.

Cũng theo ĐB Kim Thúy, các đề án trình QH chưa có báo cáo đánh giá tác động kèm theo như quy định của pháp luật. Nếu không có báo cáo đánh giá tác động, các đại biểu sẽ thiếu cơ sở để bàn luận và lo lắng khi biểu quyết thông qua nghị quyết.

“Giáo dục đào tạo là lĩnh vực rất cần nhìn xa trông rộng. Nếu không đủ cơ sở để bàn bạc kỹ sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi và 5, 10 năm sau chúng ta lại trở lại từ đầu” - bà Thuý khẳng định. Và “nếu không cải thiện được tình trạng 50, 60 học sinh/ lớp ở thành phố  và tình trạng trường lớp xập xệ ở vùng sâu vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của CT-SGK mới”.

“Nên bổ sung các đề án liên quan, đặt đề án đổi mới CT-SGK trong mối quan hệ tổng thể với các đề án khác sẽ thuyết phục hơn” là ý kiến của ĐB Phạm Xuân Thăng.

Bộ GD-ĐT nên tập trung vào chương trình

Không có tranh luận nào về chủ trương một CT nhiều bộ SGK, các đại biểu tham gia thảo luận chỉ đưa ra những băn khoăn và kiến nghị để sao cho chủ trương này thực sự khả thi. 

{keywords}

ĐB Trần Minh Diệu

ĐB Trần Minh Diệu nhận xét cách giải trình của Chính phủ về chủ trương Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để đảm bảo triển khai CT mới là chưa thuyết phục. Cách làm này sẽ mâu thuẫn với chủ trương xã hội hoá mà chính đề án đề ra.

“Nếu chỉ có 1 bộ SGK của Bộ tổ chức biên soạn để kịp tiến độ triển khai CT mới trong điều kiện không có đối chứng, không có cạnh tranh, không có sự lựa chọn thứ hai thì dư luận băn khoăn về chất lượng biên soạn và tính khách quan trong quá trình thẩm định phê duyệt là hoàn toàn có cơ sở” - ông Diệu khẳng định.

Ông đề nghị Bộ GD-ĐT tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng và ban hành bộ chương trình chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK, hướng dẫn các tổ chức cá nhân đăng ký hợp đồng biên soạn SGK, tham mưu tổ chức thẩm định và phê duyệt SGK.

Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, bởi phương án xã hội hoá SGK chính là do Bộ GD-ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định và trình QH.

         Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

ĐB Nguyễn Xuân Trường đề nghị dịch một số bộ sách của các nước tiên tiến để tham khảo trong quá trình viết sách cũng như giảng dạy, học tập. Cũng cần nghiên cứu, xem xét việc người nước ngoài, Việt kiều có thể tham gia viết sách không. Còn ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng Bộ GD-ĐT nên công khai và xin ý kiến góp ý, phản biện, đặc biệt từ các nhà khoa học, ngay từ khi xây dựng CT…

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý lưu ý, “CT mới là quan trọng, là cái Bộ cần nắm và đầu tư xây dựng. SGK chỉ nên biên soạn sau khi có đề cương chi tiết của CT”.

“Nếu các trường không có kinh phí để mua nhiều bộ SGK khác nhau, mà mỗi trường chỉ dùng 1 bộ SGK thì kết quả vẫn là 1 CT 1 bộ SGK, chứ không phát huy được ưu thế của nhiều bộ SGK”. Bà Thuý cũng yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc thí điểm SGK, không nên giao việc này cho các tổ chức cá nhân biên soạn tự thực hiện và tự đánh giá rồi công bố như dự kiến trong đề án. Bởi nếu làm như vậy sẽ không khách quan, nhất là khi kết quả đó được sử dụng cho một cuộc cạnh tranh.

Đổi phương pháp dạy và học

Đa số đại biểu nhận định giáo viên là yếu tố quyết định trong sự thành công của việc đổi mới CT-SGK phổ thông.

“Cần trao quyền tự quyết cao cho giáo viên, đồng thời họ phải chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn SGK để dạy. Đáng tiếc đề án mới dừng lại ở những lời hứa hẹn chứ chưa có giải pháp cụ thể cho thấy có triển vọng đổi mới trong lĩnh vực này” - đây là nhận xét của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy.

Ngân Anh - Ảnh: Minh Thăng