Công ty Arktic là công ty trung gian nhập chế phẩm Redoxy-3C từ Đức về bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội. Thương vụ này, Arktic lãi hơn 36 tỷ đồng, đây được coi là thiệt hại của vụ án. Tuy nhiên khi ra tòa, công ty này bỗng bị “vô thừa nhận”.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức) và tổ chức Đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại Hà Nội.

Sau đó, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Công ty trung gian này do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc và là công ty gia đình ông Chung.

VKS xác định, ông Nguyễn Đức Chung là người quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật và phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để Công ty Arktic được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng, gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước.

Công ty vô thừa nhận

Tại tòa, cựu Giám đốc Công ty Arktic khai, tháng 3/2016, bị cáo được bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) ủy quyền cho làm giám đốc Công ty Arktic để nhập khẩu các thiết bị.

Dù bị cáo ký các giấy sang nhượng cổ phần và đứng tên 95% cổ phần công ty, nhưng trên thực tế, bị cáo không góp đồng vốn nào.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang, trên giấy tờ bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) không đứng tên cổ phần, nhưng thời gian đầu tham gia công ty, bị cáo làm theo chỉ đạo và báo cáo chi tiết với bà Hoa.

Đến đầu năm 2016, bị cáo được bà Hoa giới thiệu gặp ông Nguyễn Đức Chung khi ông Chung nhờ Giang tìm hiểu một số sản phẩm quản lý đô thị ở nước ngoài.

Thời gian sau đó, bị cáo thực hiện mọi hoạt động của công ty theo chỉ đạo, điều hành của ông Nguyễn Đức Chung.

“Khi bị cáo điều hành, công ty Arktic không có tài sản gì. Anh Chung nhờ bị cáo nhập hàng, anh đề nghị đối tác ứng tiền cho bị cáo”, lời bị cáo Giang.

Giang khai, toàn bộ các sản phẩm nhập về theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung sau đó được bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Cây xanh Hà Nội, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội và một số đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội.

Việc kinh doanh nhập gì về bán cho ai đều do ông Chung chỉ đạo. Bị cáo chỉ giúp liên hệ, đàm phán, nhập khẩu số lượng bao nhiêu anh Chung yêu cầu thì bị cáo làm theo.

Vẫn theo lời khai của bị cáo Giang, hàng năm công ty không họp cổ đông, chưa chia tiền lãi bao giờ. Lợi nhuận của công ty đều dùng để tái đầu tư.

Về phần mình, khi bị thẩm vấn về Công ty Arktic, ông Nguyễn Đức Chung khai, không liên quan hay chỉ đạo điều hành gì công việc của công ty này.

“Bị cáo Giang tự làm, tự kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về công ty này. Nếu HĐXX cho rằng, Công ty Arktic là của gia đình bị cáo thì cần làm rõ, hàng năm gia đình bị cáo có được lời lãi của công ty như nào? Nếu công nhận công ty này là thật thì HĐXX cần căn cứ luật pháp xem xét. Nói Công ty Arktic là của tôi thì tôi phải tham gia đóng tiền, điều hành, hưởng lợi nhuận. Điều đó hoàn toàn không có”, lời bị cáo Chung.

Trình bày về việc Công ty Thoát nước Hà Nội mua lô hàng Redoxy-3C đầu tiên vào tháng 8/2016, ông Chung khai, trước đó ông Võ Tiến Hùng nhờ bị cáo nói với Giang để nhờ Giang liên hệ với Công ty Watch Water mua Redoxy-3C. Sau đó bị cáo có điện thoại cho Giang, rồi hai người đó gặp nhau thỏa thuận thế nào bị cáo không được biết.

Đối chất của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và người liên quan

Đối chất của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và người liên quan

Tại phiên tòa xét xử vụ mua chế phẩm Redoxy- 3C, theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, HĐXX đã cho ông Chung và những người liên quan đối chất.

T.Nhung